BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7621/BTC-TCT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2007 |
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất kinh doanh bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn trong năm 2006, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
I- XỬ LÝ VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH BỊ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN, HÀNG HOÁ, NGUYÊN VẬT LIỆU DO THIÊN TAI, HOẢ HOẠN GÂY RA:
l- Đối với cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế theo kê khai bị thiệt hại về tài sản, hàng hoá, nguyên vật liệu (sau đây gọi là tài sản) do thiên tai, hoả hoạn gây ra trong năm 2006 thì xử lý như sau:
a) Giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai trong năm 2006, sau khi trừ giá trị thiệt hại đã được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường, hoặc thuộc trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải bồi thường, giá trị thiệt hại còn lại được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cơ sở kinh doanh phải lập hồ sơ thủ tục như sau:
- Công văn của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý giải trình về giá trị tài sản, hàng hoá, nguyên vật liệu bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn gây nên (sau khi đã trừ phần thuộc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân).
- Biên bản kiểm kê giá trị thiệt hại tài sản của Hội đồng xác định giá trị thiệt hại do cơ sở kinh doanh lập, có xác nhận giá trị thiệt hại tài sản của cơ quan công an cấp xã, phường hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã, phường hoặc của cơ quan tài chính trực tiếp quản lý (đối với công ty nhà nước).
Biên bản kiểm kê giá trị thiệt hại phải xác định rõ giá trị tài sản bị thiệt hại, nguyên nhân thiệt hại, trách nhiệm tổ chức, cá nhân về những thiệt hại; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản có thể thu hồi được, kèm hồ sơ về tài sản, hoá đơn, chứng từ mua hàng; bảng kê xuất nhập tồn hàng hoá, vật tư, nguyên liệu bị thiệt hại có xác nhận của đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh và chịu trách nhiệm về tính trung thực trước pháp luật.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
b) Đối với thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn gây ra trong năm 2006, cơ sở kinh doanh đã tự thuê ngoài sửa chữa và nhận hoá đơn thanh toán của bên sửa chữa được xử lý như sau:
- Các khoản chi phí sửa chữa, khôi phục không thuộc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân, cơ quan bảo hiểm thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT và hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giá trị hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn hợp pháp theo quy định hiện hành.
- Các khoản chi phí sửa chữa thuộc phần giá trị đã được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường thì vẫn được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nhận tiền bồi thường bảo hiểm thì lập hoá đơn tương ứng với phần giá trị ghi trên hoá đơn để kê khai nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Các khoản chi phí sửa chữa thuộc trách nhiệm tổ chức, cá nhân bồi thường thì không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không được hạch toán vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
c) Đối với khoản thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn gây ra, cơ sở kinh doanh đã trích lập dự phòng hạch toán vào chi phí kinh doanh trong năm 2006 thì khoản thiệt hại đã trích lập dự phòng không được hạch toán vào chi phí hợp lý.
Trường hợp giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại đã được cơ sở kinh doanh đã trích lập dự phòng hạch toán vào chi phí, nay được cơ quan bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác bồi thường thì khoản bồi thường nhận được, cơ sở kinh doanh phải hạch toán vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
2- Đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại về tài sản, hàng hoá, nguyên liệu do thiên tai, hoả hoạn gây ra trong năm 2006 xử lý miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 24/2000/TT-BTC ngày 30/3/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 08/2000/QĐ-TTg ngày 17/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ làm thiệt hại tài sản, hàng hoá sản xuất, kinh doanh. Mức miễn, giảm thuế được tính theo tỷ lệ thiệt hại nhưng tối đa không vượt quá giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại. Thời gian miễn, giảm tính từ tháng bắt đầu trở lại kinh doanh; cụ thể như sau;
2.1- Đối với hộ kinh doanh công thương nghiệp nộp thuế trên doanh thu ấn định được miễn, giảm thuế TNDN như sau:
- Các hộ kinh doanh trong quá trình kinh doanh gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ mà bị thiệt hại trên 80% giá trị tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một năm.
- Các hộ kinh doanh trong quá trình kinh doanh bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ làm thiệt hại từ trên 60% đến 80% trị giá tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh được miễn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 6 tháng.
- Các hộ kinh doanh trong quá trình kinh doanh bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ làm thiệt hại từ 30% đến 60% trị giá tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 6 tháng.
- Nếu mức thiệt hại của các hộ dưới 30% trị giá tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 3 tháng.
Trường hợp hộ cá thể kinh doanh có mua bảo hiểm về tài sản, hàng hoá, nếu được cơ quan bảo hiểm bồi thường thì số tiền bồi thường được giảm trừ vào giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại khi xác định tỷ lệ thiệt hại.
2.2- Đối với hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, chế độ hoá đơn, chứng từ, nộp thuế theo kê khai, nếu xác định được cụ thể giá trị tài sản hàng hoá thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ làm kết quả kinh doanh bị lỗ, sẽ được chuyển lỗ theo quy định của Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp hộ kinh doanh có mua bảo hiểm về tài sản và hàng hoá thì khoản bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm được tính giảm trừ vào giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại; nếu đã tính giảm trừ mà vẫn còn lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau.
2.3- Hồ sơ và thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:
a) Hồ sơ miễn, giảm thuế:
- Chủ hộ kinh doanh phải làm đơn đề nghị xét miễn, giảm thuế gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp kèm theo biên bản xác nhận mức độ thiệt hại về tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh.
- Biên bản xác nhận mức độ thiệt hại về tài sản, hàng hoá sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh công thương nghiệp vả dịch vụ tại các chợ phải có xác nhận của Ban quản lý chợ; tại các phường, xã phải có xác nhận của chính quyền phường, xã hoặc Hội đồng tư vấn thuế tại các phường, xã hoặc Công an khu vực nơi xẩy ra tai nạn.
b) Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:
Chi cục trưởng Chi cục thuế căn cứ hồ sơ xin miễn, giảm thuế của các hộ bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thống nhất với Hội đồng tư vấn thuế phường, xã, hoặc Ban quản lý chợ về thời hạn và mức miễn, giảm sau đó niêm yết công khai danh sách hộ kinh doanh được miễn, giảm thuế và thời hạn được miễn, giảm thuế của từng hộ, ra quyết định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho từng hộ theo thời gian và mức quy định.
Thời gian giải quyết chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin miễn giảm thuế. Các trường hợp không đầy đủ thủ tục hoặc không thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế cơ quan thuế cũng phải có văn bản trả lời để hộ kinh doanh được biết.
II. GIA HẠN NỘP TIỀN THUẾ:
Trường hợp giá trị thiệt hại hàng hoá, vật tư, tài sản do thiên tai, hoả hoạn gây ra năm 2006 xác định tại Mục I Công văn này, sau khi trừ các khoản do tổ chức, cá nhân phải bồi thường, nếu giá trị thiệt hại còn lại chiếm từ 20% trở lên tính trên nguồn vốn chủ sở hữu của cơ sở kinh doanh tính đến 31/12/2005, mà cơ sở kinh doanh không có khả năng nộp thuế (kể cả số thuế nợ đọng tính đến ngày 31/12/2006 thì được chậm nộp trong thời hạn tối đa một năm, kể từ ngày số thuế chậm nộp theo hồ sơ đề nghị chậm nộp thuế được chấp nhận; đồng thời không xử phạt chậm nộp thuế tính từ thời điểm biên bản xác định giá trị thiệt hại được công an cấp xã, phường hoặc Chủ tịch uỷ ban nhân cấp xã, phường hoặc cơ quan tài chính (đối với công ty nhà nước) xác nhận.
Thủ tục hồ sơ thực hiện theo điểm a, Mục I Công văn này và thẩm quyền, trình tự giải quyết thực hiện theo quy định tại điểm 3, Mục I, Phần B Thông tư số 32/2002/TT-BTC ngày 10/4/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg ngày 05/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ và các khoản phải nộp Ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải tổ chức, sắp xếp các bộ phân liên quan tiếp nhận, xem xét giải quyết hồ sơ miễn, giảm thuế, giãn nợ thuế do thiên tai, hoả hoạn cho cơ sở kinh doanh trước thời hạn so với thời hạn quy định ít nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để có hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.