BỘ THƯƠNG MẠI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1458/TM-CATBD |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2003 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời công văn số 1838 BKH/CK ngày 1/4/2003 về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Thoả thuận đã ký giữa Việt Nam và Lào, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:
Triển khai Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào ký ngày 9/1/2003 tại Hà Nội, về các nội dung liên quan Bộ Thương mại đã triển khai.
1. Tín dụng hàng hoá của Việt Nam xuất sang Lào:
- Bộ Thương mại trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành đã có văn bản số 24/TM-CATBD ngày 03/1/2003 gửi P. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về phương án tín dụng hàng hoá cho Lào. Văn Phòng Chính Phủ có công văn số 655/VPCP-KTTH ngày 17/2/2003 yêu cầu Bộ Thương mại làm việc với phía Lào đề có đề nghị chính thức của Bạn về phương án cung cấp tín dụng hàng hoá trên cơ sở đó bàn cụ thể với các Bộ có liên quan. Ngày 14/3/2003, Bộ Thương mại Lào đã có công thư chính thức đè nghị Việt Nam cấp tín dụng hàng hoá cho Lào kèm theo các đề nghị về điều kiện tín dụng. Bộ Thương mại đã lấy lại ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên ý kiến của các Bộ vẫn chưa thống nhất. Bộ Thương mại đã tổ chức họp một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trao đổi hàng hoá với Lào để lấy ý kiến về tín dụng hàng hoà cho Lào. Một số vướng mắc hiện chưa có giải pháp giải quyết gồm:
+ Vốn cho doanh nghiệp thực hiện chương trình ứng dụng
+ Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ
+ Tháo gỡ các qui định hiện hành như thời gian vay vốn, lãi suất tín dụng, qui định hoàn thuế VAT trong trường hợp hàng xuất khẩu và thanh toán lại bằng hàng, trả chậm trong một thời gian.
Bộ Thương mại sẽ có báo cáo cụ thể trình Chính phủ về vấn đề này.
2. Giảm thuế cho hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam và Lào:
Bộ Thương mại đã có công văn số 1215/ TM-CATBD ngày 27/3/2003 gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc giảm thuế cho hàng hoá của Lào nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay Bộ Thương mại vẫn chưa nhận được văn bản của Bộ Tài chính về vấn đề này.
3. Giải quyết nợ tồn đọng giữa doanh nghiệp hai nước về gỗ: trên cơ sở Biên bản ký họp lần thứ 25 của Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Bộ Thương mại đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại số liệu nợ tồn đọng về gỗ giữa hai nước, rà soát lại hồ sơ của doanh nghiệp, có văn bản gửi Bộ Thương mại Lào để phối hợp xem xét. Bộ Thương mại Lào đã kết hợp với Bộ Nông - Lâm Lào và doanh nghiệp Lào, Việt Nam làm biên bản xác nhận nợ. Trên cơ sở số liệu cụ thể của các doanh nghiệp, ước tính số gỗ đã làm xong thủ tục xuất khẩu, đã kéo ra bãi II và bãi III trước ngày 30/4/2001 (thời điểm Bạn cấm xuất khẩu tròn) nhưng chưa chuyển được về Việt Nam là: 10.128, 787m3. Tuy nhiên, Văn Phòng Thủ tướng Lào có quyết định số 15/TT ngày 11/3/2003 không cho phép xuất gỗ tròn và gỗ xẻ, yêu cầu phải chế biến gỗ thành bán thành phẩm để xuất hoặc trả lại tiền cho các công ty Việt Nam. Do vậy, điểm 7 của Biên bản kỳ họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào ký ngày 9/1/2003 đã không thực hiện được.
Về vấn đề này Bộ Thương mại sẽ làm việc thêm với Bộ Thương mại Lào trước khi báo cáo lên Chính phủ hai nước.
Ngoài ra, Bộ Thương mại đang có kế hoạch phối hợp với Bạn Lào rà soát lại hoạt động của chợ biên giới cũng như biện pháp hạn chế gian lận thương mại, buôn lậu giữa hai nước.
Trên đây là những nội dung công việc Bộ Thương mại đã triển khai trong lĩnh vực hợp tác với Lào trong quý 1/2003 xin gửi để quý Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.