BỘ
THƯƠNG MẠI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0657/TM-XNK |
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: |
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bộ Thương mại đã nhận được ý kiến tham gia của các Bộ, ngành hữu quan về dự thảo "Đề án áp dụng phương pháp tính thuế nhập khẩu theo giá trị tuyệt đối" do Bộ Thương mại soạn thảo. Có 4/6 Bộ, ngành hoàn toàn thống nhất với Bộ Thương mại, chỉ yêu cầu một số điều chỉnh nhỏ. Riêng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có đặt ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc. Bộ Thương mại đã nghiêm túc nghiên cứu các vấn đề này và xin được thống nhất lại với các Bộ, ngành như sau trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ:
1. Về nhu cầu, khả năng áp dụng thuế tuyệt đối tại Việt Nam và giải pháp khắc phục các vướng mắc phát sinh:
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thương mại làm rõ hơn nữa các vấn đề này. Theo Bộ Thương mại thì các vấn đề này được trình bày khá kỹ tại khoản 1.3, II.1 và II.2 của đề án.
Bộ Thương mại nhất trí với Bộ Tài chính về việc thuế tuyệt đối là dạng thuế kém công bằng hơn so với thuế phần trăm. Tuy nhiên, như đã được trình bày rõ tại dự thảo đề án, thuế tuyệt đối chủ yếu được dùng trong những trường hợp mà thuế phần trăm bị giảm tác dụng, tức là tính công bằng chỉ còn trên danh nghĩa. Khi đó thuế tuyệt đối lại trở lên công bằng hơn so với thuế phần trăm.
Theo Bộ Tài chính thì thuế tuyệt đối, do độc lập với giá trị của hàng hoá, sẽ hạn chế tác dụng điều chỉnh của thuế nhập khẩu, nhất là khi giá hàng nhập khẩu tăng cao. Quan điểm này có phần chưa hợp lý. Sự độc lập với giá trị hàng hoá, về nguyên tắc, chỉ hạn chế tác dụng thu ngân sách của thuế chứ không ảnh hưởng đến tác dụng điều tiết của thuế. Khi giá cả hàng hoá nhập khẩu giảm xuống, khả năng bảo hộ của thuế tuyệt đối sẽ tăng lên bởi nó được xây dựng trên cơ sở giá thành của sản xuất trong nước như sẽ được trình bày dưới đây. Ngoài ra, với những mặt hàng thường xuyên bị khai man trị giá tính thuế thì tác dụng "ngân sách" của thuế tuyệt đối lại hơn hẳn so với thuế phần trăm. Vì vậy, nếu xét trên phạm vi dự kiến áp dụng, không có cơ sở để cho rằng thuế tuyệt đối sẽ hạn chế tác dụng "điều chỉnh" hay tác dụng "ngân sách" của thuế nhập khẩu.
2. Cơ sở xác định mức thuế tuyệt đối:
Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan nhận thấy có nhiều khó khăn trong việc chuyển bảng giá tính thuế tối thiểu thành thuế tuyệt đối. Nguyên nhân chủ yếu là do mức giá nhập khẩu hết sức khác nhau và không ổn định. Mức thuế tuyệt đối, vì vậy, phải hết sức linh hoạt để không gây khó khăn cho doanh nghiệp và thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Thương mại, thuế tuyệt đối là công cụ có thể thay thế cho bảng giá tính thuế tối thiểu nhưng việc đó không đồng nghĩa với việc chuyển y nguyên bảng giá tính thuế tối thiểu thành thuế tuyệt đối. Khi bảng giá tính thuế tối thiểu không còn thì thuế tuyệt đối là hình thức khả dĩ nhất để đảm bảo nguồn thu tối thiểu cho ngân sách cũng như mức bảo hộ tối thiểu cho sản xuất trong nước. Vì vậy, khi xây dựng mức thuế tuyệt đối, cách tiếp cận đúng đắn nhất là xuất phát từ nhu cầu trong nước, không xuất phát từ giá nhập khẩu và thuế suất phần trăm hiện hành. Cụ thể, với những mặt hàng cần bảo hộ, mức thuế tuyệt đối sẽ được xây dựng trên cơ sở giá thành sản xuất bình quân trong nước và nhu cầu bảo hộ thực tế (thí dụ, trứng gia cầm có giá thành là 800 đồng/quả, ta cần bảo hộ ở mức 600 đồng/quả). Với những mặt hàng có nhu cầu bảo đảm nguồn thu tối thiểu cho ngân sách thì mức thuế tuyệt đối có thể được xây dựng theo phương pháp bình quân (thí dụ: lượng rượu mạnh nhập khẩu hàng năm là 200.000 lít, tương đương 10 triệu USD. Số thuế tối thiểu cần phải thu là 8 triệu USD. Mức thuế tuyệt đối sẽ vào khoảng 40 USD/lít). Nên tiếp cận theo hướng này, sẽ không xuất hiện nhu cầu "điều hành linh hoạt" thuế tuyệt đối và "điều tra mặt hàng được bán giá thấp vào Việt Nam" như Bộ Tài chính đề nghị.
3. Làm rõ sự kết hợp giữa thuế tuyệt đối và thuế phần trăm.
Như đã trình bày tại dự thảo đề án và phục lục minh hoạ kèm theo, thuế tuyệt đối có thể kết hợp với thuế phần trăm để thu vào hàng nhập khẩu theo hai phương pháp chính:
- Tổng hợp (10% hoặc 5,25 USD/kg)
- Lựa chọn (10% hoặc 305 USD/tấn, tuỳ theo số nào lớn hơn)
Các phương pháp kết hợp này sẽ giải quyết được phần nào mối quan tâm của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tính "công bằng" và tác dụng "ngân sách" của công cụ thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thương mại làm rõ hơn nguyên tắc và phạm vi áp dụng hình thức kết hợp này. Theo Bộ Thương mại thì đây là phần việc tiếp theo, mang tính chi tiết hoá, khi vấn đề thuế tuyệt đối đã được chấp thuận trên nguyên tắc. Phần việc này (bao gồm cả vấn đề tính thuế tuyệt đối theo USD hay VND), như đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện không phải Bộ Thương mại.
4. Thuế tuyệt đối và các cam kết trong ASEAN:
Vấn đề đã được trình bày rõ trong dự thảo đề án. Cụ thể, có những mặt bằng có thể áp dụng thuế tuyệt đối cho ASEAN nhưng cũng có những mặt hàng không thể (và cũng không cần áp dụng thuế tuyệt đối trong thương mại với ASEAN. Kính xây dựng, đồ sứ vệ sinh và gạch ốp lát là những mặt hàng như vậy. Vì vậy, kiến nghị của Bộ Xây dựng là rất khó thực hiện. Trong lĩnh vực này, có lẽ cần xác định lại đối thủ cạnh tranh chủ yếu (là các nước ASEAN hay nước khác) để đưa ra nhận định chính xác hơn về phạm vi áp dụng thuế tuyệt đối.
Bộ Thương mại nhận thấy thuế tuyệt đối không liên quan đến các quản ngại về "chuyển luồng thương mại". Vấn đề "chuyển luồng thương mại" đã được Bộ Tài chính đặt ra và cần nhắc kỹ từ khi nước ta gia nhập ASEAN. Vì vậy, khi chỉ còn hơn 3 năm nữa là hoàn thành CEPT, ta không nên đặt tại vấn đề này và cũng không nên tìm cách sử dụng thuế tuyệt đối để phòng ngừa "chuyển luồng thương mại" như Bộ Tài chính đề nghị.
5. Thuế tuyệt đối trong mối quan hệ với các công cụ phi thuế quan khác và vấn đề định hướng thương mại:
Bộ Tài chính đề nghị xây dựng thêm các công cụ phi thuế quan khác bởi "trong đàm phán quốc tế, mục tiêu xoá bỏ hàng rào thuế quan sẽ được quan tâm nhiều hơn việc xoá bỏ hàng rào kỹ thuật phi thuế quan". Ngoài ra, "với chính sách mở rộng ưu đãi thuế quan... việc xây dựng các hàng rào thuế trong nhiều trường hợp sẽ không còn tính thực thi".
Theo Bộ Thương mại, với mặt hàng công nghệ và kỹ thuật như hiện nay, ta chưa thể xây dựng được những hàng rào kỹ thuật tinh vi để vừa bảo hộ được sản xuất trong nước, vừa phù hợp vời nguyên tắc đối xử quốc gia. Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là đúng nhưng trong thời điểm hiện tại thì cần có các giải pháp tình huống phù hợp hơn.
Chính sách mở rộng ưu đãi thuế quan của ta là trên cơ sở "có đi có lại". Vì vậy, ta nên và có thể đặt ra các hàng thuế để nâng cao vị thế đàm phán. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét và cân nhắc thêm điểm này.
6. Kiến nghị
Do đã có 4/6 Bộ, ngành nhất trí với Bộ Thương mại, các vấn đề cần làm rõ cũng đã được trao đổi lại nên nội dung của dự thảo đề án sẽ được giữ nguyên để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Phần việc của Bộ Thương mại (xác định nguyên tắc và phạm vi áp dụng thuế tuyệt đối) đã được thực hiện xong. Căn cứ Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 26/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 976/CP-KTTH ngày 29/10/2001 của Chính phủ. Bộ Thương mại sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao các phần việc tiếp theo của Bộ Tài chính để Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục đưa thuế tuyệt đối vào áp dụng như trình sửa đổi luật thuế, trình sửa đổi biểu khung thuế suất, thay đổi cách thể hiện của Biểu thuế nhập khẩu ..v.v)
Bộ Thương mại đề nghị các Bộ, ngành, nếu có ý kiến khác với đề xuất trên đây thì gửi ý kiến tham gia về Bộ Thương mại trước ngày 06/5/2002 để Bộ Thương mại tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mong nhận được sự phối hợp của các Bộ, ngành.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.