TỔNG
CỤC THUẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97638/CT-TTHT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019 |
Kính gửi: |
- CTCP Đầu tư phát triển giáo dục
và đào tạo Toàn cầu - Trường học |
Trả lời công văn số 28/2019/TC ngày 07/10/2019 của Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Toàn Cầu - Trường học (sau đây viết tắt là Công ty) và công văn số 13518/CCT-TTHTNNT ngày 22/10/2019 của Chi cục Thuế Quận Bắc Từ Liêm về chính sách thuế GTGT và thuế TNDN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:
+ Tại Khoản 13 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp...."
+ Tại Điều 10 quy định về thuế suất 5%.
+ Tại Điều 11 quy định về thuế suất 10% như sau:
"Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT 5% Thông tư này."
- Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
+ Tại điểm a khoản 9 Điều 1 sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
“2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.”
+ Tại khoản 10 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:
1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài... ”
- Căn cứ Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
“3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”
- Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường quy định:
+ Tại Khoản 2 Điều 1 quy định đối tượng điều chỉnh như sau:
“a) Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa;
b) Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
+ Tại Điều 2 quy định điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa như sau:
"Điều kiện để cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa quy định tại Nghị định này là cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định."
- Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Chính phủ quy định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
- Căn cứ Mục II Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/07/2016 của Thủ tướng Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ Tướng Chính Phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 22/07/2016).
- Căn cứ Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế suất ưu đãi như sau:
"3. Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với:
a) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hoá).
Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hoá được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định”
- Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN như sau:
+ Tại Khoản 2 Điều 20 hướng dẫn ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế như sau:
"2. Miễn thuế bốn năm, giảm 50 % số thuế phải nộp trong năm năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ."
+ Tại Khoản 2 Điều 18 hướng dẫn điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
"2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập tính thuế nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Trường hợp có khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ không thể hạch toán riêng được thì khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ đó xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp..."
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Công ty là chủ đầu tư dự án xây dựng Trường tiểu học và Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Kiều Mai có hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật thì hoạt động này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Thu nhập từ các hoạt động khác không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì công ty nghiên cứu áp dụng thuế suất thuế GTGT theo hướng dẫn tại Điều 10, Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC phù hợp với từng hoạt động cụ thể.
Công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Trường hợp Công ty phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì Công ty thực hiện kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hướng dẫn tại điểm a khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC nêu trên nếu đáp ứng điều kiện được khấu trừ theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , Thông tư số 173/2016/TT-BTC nếu trên
Đối với dự án đầu tư xây dựng Trường tiểu học và Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Kiều Mai nếu là dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục - đào tạo, đáp ứng danh mục các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn được Thủ tướng chính phủ quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg , Quyết định số 1470/QĐ-TTg thì phần thu nhập của Công ty từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên.
Trường hợp Công ty có phát sinh hoạt động khác không phải là hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo thì thu nhập từ hoạt động này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Đề nghị Chi cục Thuế Quận Bắc Từ Liêm căn cứ hướng dẫn nêu trên và tình hình thực tế để hướng dẫn đơn vị thực hiện.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Toàn cầu - Trường học và Chi cục Thuế Quận Bắc Từ liêm được biết và thực hiện./.
|
KT.
CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.