TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 921/HQHCM-TXNK |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2018 |
Kính gửi: Công ty TNHH Ngân Anh Phát
Địa chỉ: D3,
Khu Phố 3, Phường Tam Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai.
Phúc đáp công văn số: 01-038/NAP ngày 29/03/2018 của Quý Công ty về việc kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng và phân loại, áp mã HS máy bơm nước nhập khẩu, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:
1/ Về kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng:
- Căn cứ Điều 1 Quyết định 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.
- Căn cứ Thông tư 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 của Bộ Công thương quy định về dán nhãn năng lượng.
Mặt hàng máy bơm nước không nằm trong Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu nên không phải tiến hành kiểm tra hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng.
2/ Về phân loại, áp mã HS:
Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”.
Căn cứ Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan;
Căn cứ Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/06/2017 về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Căn cứ nội dung nhóm 84.13 “bơm chất lỏng, có hoặc không lắp thiết bị đo; máy đẩy chất lỏng”
Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2012, 2017 nhóm 84.13
Nhóm này bao gồm các loại máy và thiết bị được dùng để nâng hay làm lưu thông liên tục một lượng chất lỏng (kể cả kim loại nóng chảy và bê tông dạng lỏng), dù chúng được vận hành bằng tay hoặc bằng một loại động lực bất kỳ, gắn liền hay không.
Nhóm này cũng gồm các loại bơm phân phối chất lỏng, có gắn cơ cấu đo lường hoặc tính tiền như các loại được sử dụng để bơm xăng hoặc dầu tại các ga ra, và các loại bơm được thiết kế đặc biệt để sử dụng với các loại máy, phương tiện khác... (như bơm nước, bơm dầu hoặc bơm xăng dùng cho động cơ đốt trong, bơm dùng cho máy kéo sợi nhân tạo.)
Các máy thuộc nhóm này có thể được phân ra thành 5 loại sau đây tùy theo cách thức hoạt động của từng loại:
(A) BƠM HOẠT ĐỘNG KIỂU PISTON CHUYỂN ĐỘNG TỊNH TIẾN
Loại này chủ yếu gồm các loại bơm chạy bằng piston, có nguyên tắc hoạt động dựa trên việc hút và đẩy theo hoạt động tịnh tiến của piston trong xi lanh; đầu vào và đầu ra được điều tiết bởi van. Bơm có tác động đơn khi chúng chỉ sử dụng một mặt đẩy của piston; và có tác động kép khi chúng sử dụng cả hai mặt của piston do đó sử dụng cả chiều tiến và lùi. Với loại bơm hút đơn giản, chất lỏng được đưa lên bằng lực hút và xả ra trong điều kiện áp suất thường. Với bơm “áp lực”, người ta sử dụng kỳ nén bên canh kỳ hút, để nén chất lỏng lên cao hoặc vào môi trường áp lực. Bơm nhiều xi lanh được dùng để tăng công sung. Các xi lanh có thể được lắp thành hàng hoặc theo hình sao.
Loại này bao gồm:
(1) Bơm kiểu màng: Bơm này có gắn một màng rung bằng kim loại, da, ...(được làm rung trực tiếp hoặc thông qua chất lỏng) qua đó chất lỏng được đưa lên.
(2) Bơm có nệm dầu (được sử dụng để hút, bơm, di chuyển chất lỏng nhờn, a xít...). Trong loại bơm này, lưu chất không bị trộn lẫn với chất lỏng bơm đóng vai trò của màng ngăn.
(3) Bơm điện từ. Trong loại bơm này, chuyển động tiến lùi của piston nhờ tác dụng của điện từ (dao động của tấm chắn mỏng trong môi trường từ tính).
(4) Máy sử dụng lực hút hoặc nén của hai piston, như các loại bơm được thiết kế để bơm bê tông lỏng (bơm bê tông). Tuy nhiên, nhóm này không bao gồm các xe chuyên dụng được gắn bơm bê tông cố định (nhóm 87.05).
(B) BƠM HOẠT ĐỘNG KIỂU PISTON QUAY
Trong các loại bơm này, chất lỏng cũng được hút và xả ra dưới tác động của lực hút và lực nén, trong trường hợp này lực được tạo thành do bánh lệch tâm (cam) hoặc các chi tiết tương tự quay liên tục quanh trục của nó. Các chi tiết này có tiếp xúc, tại một hoặc nhiều điểm với thành bên trong của thân bơm, tạo nên các khoang chứa chất lỏng.
Theo tính chất của cơ chế quay của bơm, ta có thể phân loại như sau:
(1) Bơm bánh răng. Chất lỏng được lưu chuyển bởi răng của các bánh răng có hình dạng đặc biệt.
(2) Bơm cánh gạt, gồm một rô to có dạng một xi lanh quay chuyển động lệch tâm, có gắn thêm các cánh nhỏ trượt trên rãnh. Hoạt động quay cho phép các cánh trượt duy trì tiếp xúc với thành bên trong của khoang bơm và làm lưu chuyển chất lỏng. Loại này cũng gồm loại bơm, trong đó thay vào chỗ các cánh gạt, là các trục lăn hoặc một bánh có gắn cánh quay nhỏ hoặc bơm có gắn cánh quay trượt được gắn với thân bơm và tiếp xúc với một rô to chuyển động lệch tâm.
(3) Bơm piston quay, với hai chi tiết tạo khoang lưu chuyền có tác động qua lại và quay bên trong thân bơm.
(4) Bơm trục vít. Trong loại bơm này chất lỏng di chuyển theo chiều thẳng đứng trong thân bơm dưới áp lực của các dây xoắn ốc của nhiều chi tiết liên kết với nhau và cùng quay (bơm có hai hoặc nhiều vít, bơm có trục xoắn, bơm có vít xoắn vô tận).
(5) Bơm nhu động. Loại bơm này có một ống mềm có chứa chất lỏng và chuyển động dọc theo thành trong của thân bơm và một cánh quay có gắn thêm một trục quay ở mỗi đầu. Trục quay tạo nên áp lực lên ống làm cho chất lỏng lưu chuyển do chuyển động quay.
(C) BƠM LY TÂM
Trong loại bơm này, chất lỏng chuyền động quay nhờ tác động của các cánh bơm của phần quay (cánh đẩy), hoạt động này tạo ra lực đẩy chất lỏng hướng ra ngoài mặt biên của thân nạp hình khuyên có một cửa thoát được đặt tiếp tuyến. Thân nạp có thể còn được gắn thêm các guồng khác, còn được gọi là bộ phân tán, có tác dụng chuyển chuyển động năng của chất lỏng thành áp suất cao.
Trong các môi trường áp suất cao, bơm ly tâm đa tầng được sử dụng trong đó chất lỏng được dẫn vào các tầng thông qua nhiều bánh công tác trên một trục chung.
Bơm ly tâm có thể hoạt động bởi một động cơ điện hoặc động cơ đốt trong hoặc một tuabin. Do tốc độ quay lớn, loại này thích hợp để kết hợp trực tiếp, trong khi bơm quay hoặc bơm piston cần có một bộ giảm tốc.
Nhóm này cũng bao gồm các loại bơm đặt chìm, bơm tuần hoàn của lò sưởi trung tâm, bơm có bánh quay với rãnh, bơm có rãnh đứng và bơm có bánh công tác quay hướng tâm.
(D) CÁC LOẠI BƠM KHÁC
Nhóm này bao gồm các loại sau:
(1) Bơm điện từ. Loại bơm này không có các bộ phận chuyển động, tại đó chất lỏng lưu thông nhờ tác động của hiện tượng dẫn điện. Loại bơm này không giống với một số loại bơm hoạt động kiểu piston chuyển động tịnh tiến nhất định, trong đó chuyển động lên xuống của piston được tạo bởi tác động của điện từ, hoặc hoạt động bởi hiện tượng cảm ứng điện từ.
(2) Máy phun. Trong loại bơm này, động năng sinh ra từ một luồng áp suất lớn của nước, không khí, hơi nước..., được phun ra qua một ống, tạo nên lực hút và hiệu ứng làm lưu thông dòng chất lỏng. Loại máy này gồm một hệ thống phức tạp các ống tuy-e hội tụ và phân kỳ được đặt trong một ngăn kín, mà từ đó hệ thống các ống được đưa ra.
Bơm phun loại Giffard dùng để cung cấp nước cho nồi hơi và bơm phun dùng cho các động cơ đốt trong, hoạt động theo nguyên lý tương tự, cũng được xếp trong nhóm này.
(3) Bơm nhũ, (bơm khí nâng). Ở loại bơm này, chất lỏng được trộn lẫn với khí ở dạng nén trong ống thoát, sức kéo được tạo bởi độ đậm đặc của chất nhũ hóa giảm qua đó tạo nên lực nâng. Nếu khí nén là không khí, thì được gọi là bơm nhũ bằng không khí.
(4) Một số loại bơm, trong đó chất lỏng được nâng lên nhờ áp suất của khí gas hoặc hơi nước tác động trực tiếp tới bề mặt của chất lỏng, như:
(a) Bơm có buồng đốt khí ga mà sử dụng sức nổ bởi loại nhiên liệu phù hợp hoặc khí ga để nâng chất lỏng.
(b) Bơm xung hơi nước, trong đó chuyển động của chất lỏng xảy ra do tác động của hơi nước đi vào buồng đẩy; lực hút được sinh ra từ sự giảm áp suất do sự ngưng tụ của hơi nước tại ngăn này.
(c) Máy đẩy (nâng) có buồng khí nén, là loại sử dụng khí nén.
(d) Búa thủy lực, trong đó sự gia tăng năng lượng do sự dừng lại theo chu kỳ và đột ngột của cột chất lỏng trong ống cấp được dùng để bơm một phần của chất lỏng ở ống xả.
(E) MÁY ĐẨY CHẤT LỎNG
Nhóm này bao gồm:
(1) Bánh nâng, có gầu, thùng chứa nước,...
(2) Máy nâng bằng xích hoặc bằng cáp, có thùng, gầu nước, đấu bằng cao su,...
(3) Máy nâng bằng băng kéo: có đai dệt, đai kéo kim loại lượn sóng, có nhiều khoang rỗng, vòng xoắn ốc, ..., trong đó nước được giữ ở các kẽ hở trên băng kéo, sau đó sẽ đẩy ra bằng lực ly tâm.
(4) Máy nâng kiểu trục vít Acsimét.”
Do quý Công ty cung cấp không đủ thông tin cụ thể theo quy định tại điều 26 Luật Hải quan nên cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở để hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa chính xác. Để có cơ sở khai báo hải quan, đề nghị Công ty căn cứ hàng hóa thực tế nhập khẩu, nghiên cứu các quy định về phân loại hàng hóa nêu trên: căn cứ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa thực tế nhập khẩu để phân loại, áp mã số phù hợp.
Trong trường hợp cần thiết Công ty liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp được biết.
|
TL. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.