BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 850/TCHQ-ĐT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được ý kiến phản ánh của một số Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Cục Hải quan tỉnh) về khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro và áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
Trong khi chờ Tổng cục Hải quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 04/7/2008 về quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, để nâng cao hiệu quả công tác áp dụng quản lý rủi ro, Tổng cục hướng dẫn các Cục Hải quan địa phương tổ chức thực hiện công tác thu thập, phân tích thông tin, đánh giá và áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại như sau:
I. Một số thuật ngữ trong Quyết định 48/2008/QĐ-BTC thống nhất hiểu như sau:
1. Rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là nguy cơ không tuân thủ pháp luật về hải quan trong thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải. Ví dụ như khả năng gian lận trong khai hải quan về trị giá giao dịch xe ô tô du lịch nhập khẩu.
Để thuận lợi cho việc cho việc xác định, phân tích, đánh giá rủi ro, rủi ro được phân loại thành các lĩnh vực (gọi là lĩnh vực rủi ro). Lĩnh vực rủi ro thường được xác định theo các hoạt động, thủ tục hải quan hoặc theo phạm vi đối tượng cần quản lý. Ví dụ như việc khai hải quan; loại hình gia công, sản xuất hàng xuất khẩu; mục tiêu đảm bảo nguồn thu.... trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Dấu hiệu rủi ro là biểu hiện phản ánh về tổ chức, cá nhân, sự vật, hiện tượng... có khả năng tiềm ẩn rủi ro. Ví dụ xe ôtô du lịch xuất xứ Nhật Bản nhưng lại được nhập khẩu qua Hồng Kông (để tạo dựng, hợp thức hồ sơ hải quan); hoặc một con-ten-nơ hàng hóa có trọng lượng khai báo không phù hợp đặc điểm của hàng hóa...
3. Chỉ số rủi ro là thông tin có giá trị cụ thể giúp cho việc đánh giá rủi ro. Ví dụ như để xem xét khả năng rủi ro “gian lận trong khai hải quan về trị giá giao dịch xe ô tô du lịch nhập khẩu”, thì chỉ số rủi ro bao gồm: tên, mã hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; tên, mã doanh nghiệp nhập khẩu; tên, mã loại hình; giá khai báo...
4. Tổ hợp rủi ro là tập hợp các chỉ số rủi ro phản ánh một tình huống vi phạm pháp luật hải quan cụ thể có thể xảy ra. Tổ hợp rủi ro được sử dụng làm tiêu chí cho việc xác định và đánh giá rủi ro. Ví dụ như tổ hợp rủi ro “gian lận trong khai hải quan về trị giá giao dịch xe ô tô du lịch nhập khẩu”, qua phân tích, đánh giá có thể xác định là: xe ô tô du lịch, mã số 8703246290, 8703334200, 873332200, xuất xứ Nhật Bản (mã JP), Trung Quốc (mã CN), loại hình nhập kinh doanh (mã NKD).
Thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan tỉnh thường xuyên tiến hành công tác thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro và thiết lập các tổ hợp rủi ro cập nhật hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Riskman) để lựa chọn các lô hàng rủi ro cao hỗ trợ việc đưa ra quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan. Theo quy định tại Quyết định số 2148/QĐ-TCHQ tổ hợp rủi ro như khái niệm nêu trên được gọi là “tiêu chí động”.
5. Tiêu chí phân tích là nhóm các chỉ số (tổ hợp rủi ro) phản ánh về tình huống vi phạm pháp luật về hải quan có thể xảy ra, được thiết lập dựa trên kết quả phân tích, đánh giá rủi ro hoặc từ các yêu cầu nghiệp vụ khác.
1. Tổ chức thu thập thông tin, xác định rủi ro
1.1. Nguồn thông tin phục vụ thu thập, phân tích và đánh giá rủi ro tại Cục Hải quan tỉnh bao gồm:
- Thông tin vi phạm pháp luật hải quan từ hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành;
- Các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan được phát hiện và xử lý tại các đơn vị Đội Kiểm soát hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan và các Chi cục Hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu (sau đây gọi chung là Chi cục Hải quan);
- Thông tin nghiệp vụ được báo cáo, phản hồi từ các đơn vị nêu trên;
- Thông tin từ các hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
- Thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế có liên quan;
- Thông tin về kết quả kiểm tra sau thông quan;
- Thông tin do các đơn vị chức năng cung cấp;
- Thông tin do doanh nghiệp cung cấp;
- Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng;
- Các nguồn thông tin khác có liên quan.
1.2. Nội dung thông tin cần thu thập bao gồm các vụ việc vi phạm, dấu hiệu vi phạm hoặc các sự việc, hiện tượng xảy ra không bình thường và cho thấy có khả năng tiềm ẩn vi phạm pháp luật hải quan (thông tin liên quan đến rủi ro). Các thông tin này được gắn với đối tượng quản lý là doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Khi thu thập thông tin liên quan đến rủi ro nêu trên cần lưu ý lựa chọn thu thập các chỉ tiêu thông tin liên quan, không giới hạn theo danh sách các chỉ tiêu thông tin được liệt kê dưới đây:
- Tên, mã số doanh nghiệp thực hiện hoặc liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
- Tên, mã số (nếu có) đối tác nước ngoài trong quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
- Tên, mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Trị giá khai báo hải quan;
- Tên, mã quốc gia, khu vực là nơi xuất xứ hàng hóa nhập khẩu;
- Tên, mã quốc gia, khu vực xuất khẩu hàng hóa hoặc là địa điểm trung chuyển hàng hóa vào Việt Nam;
- Tên, mã quốc gia, khu vực nhập khẩu hàng hóa hoặc là địa điểm trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam;
- Tên, mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu;
- Tên, mã địa điểm làm thủ tục hải quan;
- Phương thức vận chuyển, đóng gói hàng hóa;
- Phương thức thanh toán;
- Tuyến đường vận chuyển hàng hóa;
- Thông tin và chính sách quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Các thông tin khác có liên quan.
1.3. Đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện quản lý rủi ro tại cấp Cục có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Cục (tại điểm 1.1. mục II nêu trên) tổ chức thu thập thông tin từ tất cả các nguồn hiện có nêu trên và xây dựng các bảng dữ liệu (file Excel) về doanh nghiệp, hàng hóa vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm theo biểu mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo văn bản này.
1.4. Trên cơ sở thông tin thu thập, tiến hành rà soát, xác định các khả năng xảy ra vi phạm pháp luật hải quan trên địa bàn Cục Hải quan tỉnh có liên quan đến doanh nghiệp hoặc hàng hóa đã thu thập nêu trên. Lập danh sách các đối tượng này theo các rủi ro sau đây:
- Tuân thủ quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế, khai hải quan, khai thuế và nộp thuế;
- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
- Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Trị giá hải quan;
- Phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Không khai hoặc khai sai số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Xuất xứ hàng hóa;
- An toàn, sức khỏe cộng đồng;
- Thực thi quyền sở hữu trí tuệ;
- Hạn ngạch thuế quan;
- Tuân thủ quy định quá cảnh hàng hóa;
- Tuân thủ quy định chuyển tải hàng hóa;
- Chấp hành các quy định về kiểm tra, kiểm soát hải quan, thanh tra thuế;
- Các nguy cơ khác có liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Phân tích thông tin, đánh giá rủi ro
2.1. Trên cơ sở danh sách rủi ro được xác lập, công chức quản lý rủi ro tiến hành phân tích để xác định tần suất, hậu quả và mức độ của rủi ro theo cách thức như sau:
- Lựa chọn các trường dữ liệu từ bảng dữ liệu thu thập nêu trên có liên quan đến rủi ro cần phân tích;
- Sử dụng công cụ Excel để thống kê xác định số lần (tần suất) cũng như thiệt hại (hậu quả) đã hoặc có thể xảy ra. Tần suất và hậu quả được xác định theo 03 cấp độ: cao, trung bình, thấp.
- Kết hợp giữa tần suất và hậu quả để xác định mức độ của rủi ro theo bảng dưới đây:
Tần suất Hậu quả |
Cao |
Trung bình |
Thấp |
Cao |
Cao |
Cao |
Trung bình |
Trung bình |
Cao |
Trung bình |
Trung bình |
Thấp |
Trung bình |
Trung bình |
|
Trong thực tế có nhiều trường hợp công chức thực hiện phân tích rủi ro không có đủ dữ liệu để đưa ra các số liệu chính xác. Trong các trường hợp này, công chức phân tích có thể vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm để phán đoán khả năng và hậu quả mà rủi ro có thể gây ra; từ đó xác định mức độ của rủi ro. Tuy vậy, việc phán đoán cần phải đảm bảo tính hợp lý, có độ tin cậy và được thực hiện dựa trên những nhận định khách quan, nghiêm cấm mang tính định kiến cá nhân.
- Kết quả phân tích rủi ro được xác định theo 03 mức độ rủi ro sau đây:
▪ Mức độ 1. Rủi ro thấp;
▪ Mức độ 2. Rủi ro trung bình;
▪ Mức độ 3. Rủi ro cao.
- Đồng thời quá trình phân tích rủi ro cần xác định được những nguyên nhân, điều kiện có thể làm dẫn đến tình huống vi phạm pháp luật hải quan (tình huống rủi ro) và các thông tin cụ thể cần thiết (chỉ số rủi ro) cho việc nhận diện ra tình huống vi phạm này.
Ví dụ qua thông tin thu thập cho thấy giá thịt bò nhập khẩu trong nước thấp hơn giá thịt bò trên thị trường thế giới, một số doanh nghiệp (chưa xác định) đang tìm cách nhập khẩu mặt hàng thịt bò và chế phẩm từ bò có xuất xứ từ các nước Anh, Đức có nguy cơ bị bệnh dịch bò điên bằng hình thức chuyển tải qua nước thứ ba (chẳng hạn như Philipin). Như vậy, rủi ro được xác định ở đây là thịt bò và chế phẩm từ bò có nguy cơ bị bệnh dịch bò điên. Các chỉ số rủi ro giúp cho việc nhận diện ra tình huống rủi ro đó là: mặt hàng thịt bò, nhập khẩu, có xuất xứ Anh, Đức hoặc chuyển tải (nhập khẩu) từ Philipin.
2.2. Đánh giá rủi ro
- Việc đánh giá rủi ro nhằm xác định mức độ ưu tiên cần xử lý đối với rủi ro. Quá trình đánh giá phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
▪ Mức độ rủi ro được xác định:
▪ Yêu cầu cho việc quản lý đối với loại rủi ro này;
▪ Các rủi ro đã xử lý trước đó; và
▪ Khả năng về nguồn lực và các điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả đối với rủi ro.
- Lập danh sách thứ tự ưu tiên các rủi ro cần xử lý;
- Lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp với tính chất, mức độ và đặc điểm của từng loại rủi ro. Ví dụ như mặt hàng tân dược nếu xác định có nguy cơ rủi ro về giấy phép hoặc gian lận về trị giá thì cần tập trung kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra sau thông quan. Nhưng nếu xác định rủi ro liên quan đến chất gây nghiện thì cần phải áp dụng kiểm tra hồ sơ và hàng hóa ngay thời điểm làm thủ tục nhập khẩu.
Trong quá trình đánh giá rủi ro, công chức hải quan cần vận dụng kiến thức và kinh nghiệm thực tế để đánh giá và đưa ra quyết định: có cần thiết kiểm tra hay không? nếu cần kiểm tra thì biện pháp nào có hiệu quả nhất? Đối với trường hợp qua đánh giá xác định không cần thiết phải kiểm tra trong thông quan thì có thể “chấp nhận rủi ro” để theo dõi tiếp hoặc chuyển sang kiểm tra sau thông quan.
3. Thiết lập, áp dụng tiêu chí phân tích
- Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro, công chức quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí phân tích phù hợp với tình huống rủi ro và đề xuất Cục trưởng Hải quan tỉnh hoặc Phó cục trưởng phụ trách quản lý rủi ro phê duyệt áp dụng.
Nội dung đề xuất được thực hiện theo biểu mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo văn bản này.
- Cục trưởng hoặc Phó cục trưởng phụ trách quản lý rủi ro khi tiến hành phê duyệt tiêu chí phân tích do công chức đề xuất phải đánh giá và xem xét lại các yếu tố dưới đây:
▪ Mức độ tin cậy của thông tin được thu thập;
▪ Tính chính xác của kết quả phân tích, đánh giá rủi ro;
▪ Tính phù hợp và lô gíc của tổ hợp rủi ro với tình huống rủi ro được xác định;
▪ Mức độ ảnh hưởng của tiêu chí đối với việc triển khai nguồn lực và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trường hợp phê duyệt đồng ý áp dụng thì giao cho công chức được phân công quản lý hệ thống cập nhật. Công chức được giao cập nhật tiêu chí vào hệ thống phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp lệ, hiệu lực áp dụng và đảm bảo bí mật.
4. Theo dõi, đánh giá hiệu quả của tiêu chí phân tích
4.1. Cục Hải quan tỉnh cần bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi đánh giá hiệu quả áp dụng của tiêu chí phân tích cập nhật trên hệ thống quản lý rủi ro. Đối với Cục Hải quan tỉnh có khối lượng công việc không lớn, có thể giao cho công chức quản lý hệ thống quản lý rủi ro kiêm nhiệm việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của tiêu chí phân tích.
4.2. Việc theo dõi, đánh giá hiệu quả của tiêu chí phân tích được thực hiện như sau:
- Kiểm tra hiệu lực áp dụng của tiêu chí tại các Chi cục Hải quan. Nếu phát hiện lô hàng có chỉ số rủi ro tương ứng nhưng không bị điều chỉnh bởi tiêu chí phân tích thì kiểm tra nguyên nhân của hiện tượng trên. Nguyên nhân có thể do các trường hợp sau:
+ Việc thiết lập hoặc cập nhật tiêu chí không hợp lệ, do chỉ số không phù hợp hoặc các thao tác cập nhật không đúng. Đối với trường hợp này có thể kiểm tra đối chiếu các chỉ số rủi ro được cập nhật và cách thức cập nhật theo hướng dẫn tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo văn bản này.
+ Chi cục Hải quan (nơi tiêu chí không có hiệu lực áp dụng) không cập nhật kịp thời phiên bản mới nhất của hệ thống quản lý rủi ro vào hệ thống nghiệp vụ tại Chi cục. Trường hợp này, công chức quản lý rủi ro thực hiện các bước hướng dẫn tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo văn bản này.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình phân luồng của hệ thống và kết quả kiểm tra đối với các lô hàng được lựa chọn kiểm tra theo tiêu chí phân tích, theo các nội dung sau đây:
▪ Số lượng lô hàng được lựa chọn theo tiêu chí;
▪ Số lượng, tỷ lệ lô hàng phát hiện vi phạm từ lựa chọn theo tiêu chí so với số lượng các trường hợp được lựa chọn;
▪ Số lượng, tỷ lệ các trường hợp lô hàng được lựa chọn, nhưng Chi cục Hải quan chuyển luồng; làm rõ lý do chuyển luồng.
- Những trường hợp sau đây sẽ được đánh giá là việc áp dụng tiêu chí phân tích không có hiệu quả:
▪ Tiêu chí thiết lập trùng lặp với các tiêu chí khác do cùng một đơn vị cập nhật;
▪ Không có lô hàng được lựa chọn đánh giá trong thời gian hiệu lực áp dụng của tiêu chí;
▪ Số lượng lô hàng bị lựa chọn nhiều nhưng không phát hiện vi phạm hoặc tỷ lệ vi phạm được phát hiện dưới 20 %;
▪ Chi cục Hải quan chuyển luồng nhưng không có lý do chính đáng.
4.3. Công chức theo dõi, đánh giá tiêu chí đề xuất loại bỏ những tiêu chí hết hiệu lực, tiêu chí không có hiệu quả hoặc điều chỉnh, bổ sung tổ hợp rủi ro phù hợp với thực tế áp dụng quản lý rủi ro. Việc đề xuất loại bỏ, điều chỉnh, bổ sung tiêu chí phân tích được thực hiện theo biểu mẫu Phụ lục 2 và do người có thẩm quyền phê duyệt áp dụng tiêu chí phê duyệt loại bỏ.
III. Công tác hồ sơ quản lý rủi ro
Trong khi chờ Tổng cục Hải quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về công tác hồ sơ quản lý rủi ro, trước mắt để đảm bảo việc theo dõi, đánh giá và lưu trữ thông tin về rủi ro và tiêu chí phân tích, các đơn vị quản lý rủi ro cần chủ động xây dựng các hồ sơ để lưu trữ thông tin phân tích, đánh giá về rủi ro, các báo cáo đề xuất, Phiếu đề xuất áp dụng tiêu chí phân tích và báo đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chí phân tích. Mỗi rủi ro cần được lập một hồ sơ riêng và tổ chức theo dõi, đánh giá thường xuyên về hiệu quả áp dụng để điều chỉnh, bổ sung kịp thời và quản lý theo chế độ mật.
Trong quá trình áp dụng, nếu có vướng mắc, yêu cầu báo cáo kịp thời về Tổng cục (Cục Điều tra chống buôn lậu), điện thoại số: 04.38720665, hoặc fax số: 04.38720292 để được hướng dẫn.
Nơi nhận: |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.