BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8281/BTC-QLCS |
Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Bộ Y tế.
Bộ Tài chính nhận được Công văn số 138/BYT-KHTC ngày 09/01/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản do tổ chức, cá nhân tài trợ, viện trợ phục vụ phòng, chống Covid-19 để theo dõi, hạch toán; về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Đề nghị Bộ Y tế phân loại các khoản tài trợ, viện trợ để phục vụ phòng, chống Covid-19 theo các nhóm, cụ thể:
1.1. Đối với các khoản tài trợ, viện trợ của nước ngoài
(i) Đối với hàng hóa, tài sản thuộc các khoản viện trợ ODA đã được phê duyệt trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (ngày 16/12/2021) và các khoản viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam được phê duyệt trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (ngày 17/9/2020) tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước:
Các hàng hóa thuộc các khoản viện trợ sẽ thực hiện thủ tục xác nhận viện trợ theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Giá trị hàng hóa được Bộ Tài chính hạch toán ngân sách nhà nước thông qua khâu xác nhận viện trợ được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 10 Điều 7 Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính nêu trên, cụ thể:
“c) Giá cả kê khai trên Tờ khai xác nhận viện trợ
- Mẫu C1-HD/XNVT “Tờ khai xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu”: theo giá mua trên hóa đơn hàng nhập khẩu (FOB, CIF, C&F...).
Trong trường hợp hàng hóa viện trợ nhập khẩu được nhà tài trợ ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu hoặc ký hợp đồng đấu thầu mua hàng hóa nhập khẩu với một doanh nghiệp trong nước, ngoài việc kê khai theo giá mua theo hóa đơn hàng nhập khẩu nói trên, chủ dự án cần khai thêm giá thực tế mà nhà tài trợ đã thanh toán cho doanh nghiệp trong nước từ nguồn viện trợ. Trị giá mua thực tế là cơ sở để cơ quan Tài chính hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách khoản viện trợ đó.
- Mẫu C2-HD/XNVT “Tờ khai xác nhận viện trợ hàng hóa, dịch vụ trong nước” được kê khai theo giá không có thuế và giá có thuế (nếu có) trên hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước. Trị giá mua không có thuế là cơ sở để cơ quan Tài chính hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách khoản viện trợ đó.”
(ii) Trường hợp khoản viện trợ được phê duyệt theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Việc hạch toán ngân sách nhà nước đối với hàng hóa viện trợ thực hiện như sau:
- Hàng hóa thuộc khoản viện trợ được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ nêu trên, việc hạch toán ngân sách được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ; Hàng hóa thuộc khoản viện trợ được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ nêu trên, việc hạch toán ngân sách được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ.
Các quy định nêu trên không quy định về việc xác định giá trị hàng hóa viện trợ.
- Đối với các khoản viện trợ bằng hiện vật, hàng hóa, dịch vụ do bên tài trợ nước ngoài trực tiếp thực hiện hoặc ủy thác cho một đơn vị không phải chủ chương trình, dự án, phi dự án tại Việt Nam và khoản viện trợ theo phương thức 3 chìa khóa trao tay: Việc xác định giá trị hàng hóa viện trợ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, như sau “Đối với các khoản viện trợ bằng hiện vật, hàng hóa, dịch vụ do bên tài trợ nước ngoài trực tiếp thực hiện hoặc ủy thác cho một đơn vị không phải chủ chương trình, dự án, phi dự án tại Việt Nam và khoản viện trợ theo phương thức chìa khóa trao tay: Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trong việc xác định giá trị hiện vật, hàng hóa, dịch vụ viện trợ của bên nước ngoài”.
1.2. Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tài trợ không thuộc đối tượng phải hạch toán ngân sách nhà nước: được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Theo đó, đối với trường hợp phải thực hiện xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ thì phải định giá, đánh giá lại giá trị tài sản ghi vào phương án xử lý tài sản.
2. Việc theo dõi, ghi sổ kế toán đối với các tài sản, hàng hóa sau khi đã xác định được giá trị sẽ thực hiện theo các hướng dẫn cụ thể trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.