BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 826/BGDĐT-CSVC |
Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2024 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, phổ thông và thường xuyên theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19/NQ-TW), Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Kết luận số 28-KL/TW) và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau hơn 6 năm triển khai, nhiều điểm trường và trường có quy mô nhỏ ở các cấp học mầm non, phổ thông được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn có những khó khăn, bất cập, dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, chưa phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Để khắc phục những hạn chế, tạo sự đồng bộ trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên đảm bảo hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện theo một số nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên
(1) Bảo đảm phù hợp các quy định
Việc tổ chức lại, dồn ghép, sáp nhập phải căn cứ vào các quy định: chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học1; quy mô trường, lớp; số học sinh/lớp2; tiêu chuẩn giáo viên3; diện tích đất, bán kính phục vụ của các CSGD, quy mô dân số4.
(2) Bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương
Mạng lưới trường học được sắp xếp phải bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương; phù hợp với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, theo hướng tinh gọn.
(3) Tạo thuận lợi cho người dân
- Việc tổ chức lại, dồn ghép, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh (có giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa); chỉ sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã hoặc liên xã nếu có khoảng cách địa lý phù hợp và giao thông thuận tiện;
- Các đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) sau khi sáp nhập hoặc chia tách phải bảo đảm đủ trường, lớp cho mỗi cấp học. Số lượng trường, lớp phụ thuộc vào quy mô dân số và khoảng cách đi lại của học sinh theo quy định;
- Sắp xếp lại các CSGD thường xuyên tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm cơ hội cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; bảo đảm xóa mù chữ bền vững, góp phần xây dựng xã hội học tập.
(4) Bảo đảm nâng cao chất lượng
- Thực hiện việc cơ cấu, sắp xếp các CSGD mầm non, phổ thông cùng với sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông hợp lý theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
- Không sáp nhập các CSGD mầm non với các CSGD phổ thông;
- Không sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trường phổ thông trên địa bàn;
- Việc sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ cần gắn liền với việc thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các trường sau sáp nhập (lưu ý việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các vị trí trong trường hoặc kiêm nhiệm liên trường phải phù hợp). Không cắt giảm cơ học tỷ lệ % tinh giản biên chế trong chỉ tiêu giao hàng năm;
- Các CSGD thuộc diện dồn ghép, xóa bỏ các điểm trường cần chuẩn bị đủ CSVC ở trường chính (phòng học, phòng ở bán trú, nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước...), đặc biệt đối với các trường có học sinh bán trú, cấp tiểu học và cấp mầm non. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, CSVC tại những điểm trường được chuyển đi phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và sử dụng hiệu quả.
(5) Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch
Việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước, trong và sau quá trình thực hiện.
2. Nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên đạt hiệu quả;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương theo giai đoạn để đánh giá: những hiệu quả đạt được cần phát huy; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần khắc phục, rút kinh nghiệm;
- Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời điều chỉnh, ban hành hướng dẫn mới phù hợp tình hình cụ thể.
- Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo; các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-TW, Kết luận số 28-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và xuất phát từ thực tiễn, điều kiện cụ thể của địa phương để ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các cấp;
- Chủ động thanh tra, kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu lực, hiệu quả, phát hiện và khắc phục những bất cập trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, thực hiện trong giai đoạn tới cho phù hợp; chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm bắt tình hình, xem xét ban hành hướng dẫn phù hợp, kịp thời, hiệu quả;
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch; xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, phương án, lộ trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn tại Mục 1 công văn này và các quy định hiện hành có liên quan. Trên cơ sở đó, xây dựng và ban hành Đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên. Đề án phải gắn với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục;
- Tiếp tục rà soát biên chế ngành giáo dục và thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đủ số lượng người làm việc trong các CSGD mầm non, phổ thông; chỉ đạo các sở/phòng giáo dục và đào tạo, các CSGD mầm non, phổ thông tập trung xây dựng Đề án vị trí việc làm, Đề án phát triển đội ngũ giáo viên để bảo đảm điều kiện về đội ngũ cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
- Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư CSVC, trang thiết bị cho các CSGD trong lộ trình thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp, đặc biệt là các trường ở địa bàn khó khăn, chưa đạt chuẩn tối thiểu CSVC, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Công tác tuyên truyền, vận động phải được triển khai tích cực, hiệu quả, quán triệt quan điểm vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các CSGD mầm non, phổ thông và thường xuyên. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 Quy định tiêu chuẩn CSVC các trường MN, TH, THCS, THPT và trường PT có nhiều cấp học; Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 Quy định về phòng học bộ môn; Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022 quy định tiêu chuẩn thư viện CSGD mầm non và phổ thông.
2 Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành Điều lệ trường mầm non; Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 ban hành Điều lệ trường tiểu học; Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
3 Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
4 Thông tư 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.