BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 814/BTTTT-VP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Câu 1: Tình trạng SIM rác, lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn; cũng như tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.
Trong thời gian qua, nhằm hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm.
- Trong năm 2023, mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thuê bao có giấy tờ tùy thân đăng ký, sở hữu ≥ 10 SIM/01 giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
- Bộ đã triển khai định danh các cuộc gọi tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TTTT có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Bên cạnh đó, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh.
- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo.
- Tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại.
- Vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
- Năm 2023, Bộ TTTT đã triển khai 180 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thông tin trên mạng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 135 trường hợp vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với số tiền 2.141.500.000 đồng.
Các giải pháp mà Bộ TTTT sẽ triển khai trong thời gian tới:
- Tham mưu Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, trong đó yêu cầu xác nhận số điện thoại đối với các tài khoản mạng xã hội.
- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước để góp phần xác định thuê bao chính chủ.
- Chỉ đạo các nhà mạng khóa 02 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các cuộc gọi lừa đảo trên hệ thống thông tin đại chúng.
Câu 2: Đề nghị có cơ chế chính sách phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp, đảm bảo hạ tầng thông tin truyền thông tại khu vực nông thôn, miền núi (hiện nay, mạng lưới Internet khu vực miền núi chập chờn, không ổn định, các địa phương không thể hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số).
a. Về Chính sách đảm bảo hạ tầng thông tin truyền thông:
Bộ TTTT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, theo đó:
- Hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định để phổ cập dịch vụ viễn thông tại các thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, khu vực doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường đến thời điểm ngày 31/12/2020 còn chưa có các dịch vụ trên và từ năm 2021 trở đi mới được cung cấp dịch vụ (gọi chung là khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông).
- Hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng công cộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.
- Hỗ trợ chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ truyền số liệu để kết nối thông tin từ đất liền ra các đảo, nhà giàn trên biển.
Hiện nay, Bộ TTTT đang tiến hành các thủ tục để triển khai chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng tại các khu vực khó khăn.
b. Về mạng lưới Internet chập chờn:
Hiện nay, vùng phủ 4G đạt 99,8 % dân số. Đây là tỷ lệ rất cao, người dân mọi miền tổ quốc đều có thể được thụ hưởng dịch vụ di động trên mạng 4G.
Trên cơ sở kết quả đo kiểm của hệ thống đo tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam của Bộ TTTT (I-speed) và từ công cụ Speedtest của Ookla cho thấy: Trừ những trường hợp bị đứt cáp quang biển thì về cơ bản chất lượng Internet băng rộng, cố định của Việt Nam ổn định, đáp ứng các hoạt động hiện tại (ví dụ: download, upload, streaming video, mạng xã hội, âm nhạc...). Bộ TTTT đã ban hành Quy chuẩn sửa đổi Quy chuẩn về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định tại Thông tư số 20/2022/TT-BTTTT ngày 29/11/2022, theo đó tốc độ tối thiểu doanh nghiệp phải cung cấp là 50 Mbps.
c. Về cơ chế chính sách phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp:
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam, cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2023 đã ban hành: 02 Luật, 14 Nghị định, 02 Chỉ thị, 02 Công điện, 07 Nghị quyết, 25 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, ngay trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông (sửa đổi).
Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ 01/7/2024 có tác động đến 139 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 13/10/2023 về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Bộ TTTT đã đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Quyết định số 1198/QĐ-TTg bảo đảm đầy đủ hành lang pháp lý đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
Luật Viễn thông (sửa đổi) năm 2023 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng viễn thông tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; bổ sung quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu; xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; kịp thời khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành.
- Bộ TTTT cũng đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành: Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số.
Trong năm 2024, Bộ TTTT cũng thực hiện sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số; Chương trình hành động quốc gia về phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây.
Câu 3: Hiện nay, tồn tại quá nhiều phần mềm, ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể triển khai đến người dân (ví dụ: VNeID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử...). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm soát tình trạng này, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, ứng dụng không hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất, tích hợp nhiều chức năng để người dân dễ dàng sử dụng.
Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường tính liên kết giữa các ứng dụng, nền tảng số, Bộ TTTT đã ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản sau: (1) Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, giúp xác định các thành phần dùng chung ở Trung ương và địa phương, mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia; (2) Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID) đã mang lại sự thuận tiện khi người dân không phải kê khai thông tin nhân thân nhiều lần bằng bản giấy, có thể sử dụng 01 tài khoản VNeID để đăng nhập nhiều ứng dụng, dịch vụ thay vì phải nhớ nhiều tài khoản khác nhau.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển các nền tảng số quy mô quốc gia theo hướng dùng chung, tránh trùng lặp.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.