BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU
TƯ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7435/BKHĐT-GSTĐĐT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2013 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử Iý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 nhận được đến ngày 30/8/2013 của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 như sau:
1. Về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư:
Thực hiện các quy định hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013, ngày 01/7/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4528/BKHĐT-GSTĐĐT đôn đốc các cơ quan gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 theo quy định.
Căn cứ các báo cáo đã nhận được đến ngày 30/8/2013 và kết quả kiểm tra công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp một số nét chính về việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 như sau:
1.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
Đến ngày 30/8/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 của 111/123 cơ quan, đạt 90,24%; trong đó: 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (92,06%); 30/32 cơ quan Bộ và tương đương (93,75%); 6/9 cơ quan thuộc Chính phủ (66,67%); 17/19 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (89,47%) (6 tháng đầu năm 2012 có 101/124 cơ quan gửi báo cáo; năm 2011 có 105/124 cơ quan gửi báo cáo).
12 cơ quan chưa có Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm 2013, bao gồm: tỉnh Hà Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Gia Lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
1.2. Đánh giá chung về nội dung báo cáo
Nhìn chung nội dung, chất lượng các Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 của các cơ quan gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cải thiện rõ rệt so với các năm trước, nội dung tương đối đầy đủ, phù hợp với quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010.
Các cơ quan có báo cáo gửi đúng hạn, nội dung đề cập tương đối đầy đủ các thông tin theo mẫu quy định như: tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bắc Giang, thành phố Hà Nội, tỉnh Nam Định, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bình Dương, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Bên cạnh đó, báo cáo của một số cơ quan vẫn còn tình trạng sai sót, số liệu thiếu tính hợp lý. Báo cáo của một số cơ quan chưa đúng mẫu yêu cầu, nội dung chưa đầy đủ, thiếu phụ biểu, phụ biểu được lập không theo mẫu quy định, thiếu số liệu, sai lỗi số học như các cơ quan: tỉnh Quảng Nam, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Sơn La, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,...
Một số cơ quan gửi báo cáo quá chậm (cuối tháng 8/2013): tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Yên Bái, thành phố Hải phòng, tỉnh Hải Dương...
Nguyên nhân chất lượng các báo cáo chưa đạt yêu cầu chủ yếu do bộ phận giám sát, đánh giá đầu tư tại các cơ quan, đơn vị chưa được kiện toàn; công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan chua được quan tâm, quán triệt đầy đủ, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu (theo báo cáo: tỉnh Đăk Nông chỉ có 18/35 đơn vị có báo cáo giám sát, tỉnh Lâm Đồng có 51/367 dự án có báo cáo giám sát, thành phố Hải Phòng có 26/130 chủ đầu tư có báo cáo giám sát, tỉnh Lạng Sơn có 30/61 chủ đầu tư có báo cáo giám sát).
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo nêu trên đã hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước, tính chuẩn xác của các số liệu tổng hợp và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Ngoài ra, các số liệu tổng hợp chưa phân được chi tiết theo từng nguồn vốn (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, ODA,...) mà mới phân được theo 2 nhóm: các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và các dự án khác.
2. Đánh giá tình hình thực hiện quản lý đầu tư
2.1. Tình hình xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nuớc của mình, các Bộ, ngành và địa phương qua công tác rà soát đánh giá các văn bản pháp quy, đã tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hoặc ban hành những văn bản pháp quy mới để tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu quả hơn.
Các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư đã tác động tích cực tới hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngày càng hoàn thiện về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý đầu tư và xây dựng.
2.2. Tình hình quản lý Quy hoạch
Thực hiện Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Quyết định số 1681/QĐ-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2014.
Trong năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành một số nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bao gồm:
- Xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch", dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2013.
- Dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu, dự kiến ban hành cuối năm 2013.
Về tình hình chung việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án quy hoạch trên phạm vi cả nước như sau:
a) Đối với Quy hoạch phát triển các vùng và lãnh thổ
- Ngày 23/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 795/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng.
- Ngày 08/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1064/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Ngày 09/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1114/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
- Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tổng thể phát triển hành lang Lạng Sơn - Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2013.
b) Đối với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Theo kế hoạch, trong năm 2013 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập khoảng 700 quy hoạch, trong đó có 15 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, hơn 200 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện và gần 500 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh.
c) Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của các Bộ, ngành
Tổng hợp từ báo cáo của các Bộ ngành, trong năm 2013 các Bộ, ngành tiếp tục triển khai lập trên 100 quy hoạch (Bộ Quốc Phòng: 08 dự án quy hoạch, Bộ Công an: 21 dự án quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải: 06 dự án quy hoạch, Bộ Công Thương: 17 dự án quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 22 dự án quy hoạch, Bộ Xây dựng: 21 dự án quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường: 09 dự án quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông: 01 dự án quy hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 01 dự án quy hoạch).
Nhìn chung, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, công tác quy hoạch đã bước đầu nâng cao được chất lượng quy hoạch ngày càng phù hợp hơn với thực tế; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không được triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch. Các quy hoạch đã cập nhật được nhiều yếu tố mới, tạo được định hướng cho xây dựng kế hoạch đầu tư, trở thành công cụ hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra trong từng thời kỳ, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
2.3. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Các cơ quan đã và đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013. Theo số liệu báo cáo tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được tổng hợp như sau:
2.3.1. Tình hình chung:
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án
Nhìn chung công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên cơ bản được thực hiện phù hợp quy định hiện hành, trong 6 tháng đầu năm 2013 có 7.454/9.562 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong kỳ đã được thẩm định, đạt 77,95%, trong đó có 6.550 dự án đã được quyết định đầu tư, đạt 68,50%.
b) Tình hình thực hiện các dự án
Hiện có 26.850 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 8.551 dự án khởi công mới, chiếm 31,85% (6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ này là 28,83%, năm 2011 là 26,68%), trong đó chủ yếu là các dự án nhóm C (7.517 dự án) và 6.567 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ chiếm 24,46% (6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ này là 29,49%, năm 2011 là 18,6%).
Một số địa phương có số dự án khởi công mới khá cao như: tỉnh Đồng Tháp (484 dự án), tỉnh Khánh Hòa (432 dự án), tỉnh Cao Bằng (280 dự án), thành phố Hà Nội (355 dự án), thành phố Hồ Chí Minh (669 dự án).
Tổng hợp số liệu báo cáo của 111/123 cơ quan có báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị thực hiện khoảng 206.741 tỷ đồng, đạt 52,06% so với kế hoạch (6 tháng năm 2012 tỷ lệ này là 50%, năm 2011 là 41%).
Theo số liệu báo cáo, tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến, tổng hợp số liệu của các cơ quan có báo cáo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013 có 3.006 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,20% số dự án thực hiện trong kỳ (tỷ lệ các dự án chậm tiến độ 6 tháng đầu năm 2012 là 13,13%, năm 2011 là 11,15%). Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng (1.058 dự án, chiếm 3,94% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố trí vốn không kịp thời (665 dự án, chiếm 2,48% số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (271 dự án, chiếm 1,01% số dự án thực hiện trong kỳ); do thủ tục đầu tư (413 dự án, chiếm 1,54% số dự án thực hiện trong kỳ) và do các nguyên nhân khác (501 dự án, chiếm 1,87% số dự án thực hiện trong kỳ). Một số cơ quan có số dự án chậm tiến độ lớn như thành phố Hà Nội (105 dự án), thành phố Hồ Chí Minh (293 dự án), tỉnh Thanh Hóa (178 dự án), tỉnh Thái Bình (31 dự án).
Phân tích số liệu của các cơ quan có báo cáo, có 2.610 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh, chiếm 9,72% tổng số dự án thực hiện trong kỳ (số liệu tương ứng 6 tháng đầu năm 2012 là 11,84%, năm 2011 là 10,13%), trong đó chủ yếu là: điều chỉnh vốn đầu tư (1.168 dự án, chiếm 4,35% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (963 dự án, chiếm 3,59% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (502 dự án, chiếm 1,87% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh địa điểm đầu tư (43 dự án, chiếm 0,16% số dự án thực hiện trong kỳ).
Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã phát hiện 10 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 20 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 267 dự án có thất thoát, lãng phí; 297 dự án phải ngừng thực hiện (6 tháng đầu năm 2012 có 16 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 14 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 132 dự án có thất thoát, lãng phí). Trong báo cáo tổng hợp, các cơ quan chưa đi sâu phân tích được cụ thể về các nội dung vi phạm, thất thoát lãng phí cũng như chưa nêu được các nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp xử lý cụ thể.
c) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Tổng hợp số liệu báo cáo của 111/123 cơ quan có báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 206.741 tỷ đồng, đạt 52,74% kế hoạch vốn đầu tư năm 2013. Số dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành là 5.005 chiếm 18,64% tổng số dự án thực hiện đầu tư và chiếm 76,21% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ (6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ này là 18,6% và 63,05%, năm 2011 là 41% và 83,19%).
d) Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Về tình hình nợ đọng và giải quyết nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn tại văn bản số 9590/BKHĐT-TH ngày 20/11/2012. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013, tại văn bản số 4669/BKHĐT-TH ngày 05/7/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có hướng dẫn cụ thể các mẫu biểu và đề nghị các cơ quan báo cáo danh mục, số nợ đọng, nguyên nhân và các giải pháp xử lý.
Chi tiết về tình hình nợ đọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và báo cáo riêng sau khi nhận được văn bản từ các cơ quan theo hướng dẫn tại văn bản số 4669/BKHĐT-TH nói trên.
2.3.2. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương
Riêng các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ngân sách Trung ương kế hoạch 2013 là 64.614,1 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước là 49.566,6 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 15.047,5 tỷ đồng.
* Các bộ, ngành và địa phương đã bố trí cho 6.053 dự án; trong đó:
- Các bộ, ngành cơ quan Trung ương: tổng số vốn kế hoạch năm 2013 là 35.753,9 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước là 28.061,4 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 7.692,5 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 2.300 dự án (giảm 122 dự án so với kế hoạch năm 2012, trong đó: 181 dự án chuẩn bị đầu tư (giảm 209 dự án); 2.119 dự án bố trí vốn thực hiện dự án (tăng 87 dự án), gồm: 364 dự án khởi công mới (giảm 108 dự án), 480 dự án hoàn thành từ năm 2012 trở về trước (tăng 132 dự án), 548 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2013 (tăng 22 dự án), 725 dự án chuyển tiếp (tăng 40 dự án), 1 dự án bố trí vốn đến điểm dừng kỹ thuật và 1 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư.
- Các địa phương: tổng số vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 là 28.860,2 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước là 21.505,2 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 7.355 tỷ đồng đã bố trí vốn 3.753 dự án (giảm 1.106 dự án so với kế hoạch năm 2012), gồm: 572 dự án khởi công mới (giảm 24 dự án), 967 dự án hoàn thành từ năm 2012 trở về trước (tăng 159 dự án), 934 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2013 (giảm 476 dự án), 1.269 dự án chuyển tiếp (giảm 753 dự án); 11 dự án bố trí vốn đến điểm dừng kỹ thuật hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.
* Tổng số dự án bố trí đúng quy định là 5.831 dự án với số vốn kế hoạch năm 2013 là 62.455,6 tỷ đồng, chiếm 96,7% tổng số vốn đã rà soát; trong đó: vốn trong nước là 47.407,5 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 15.047,5 tỷ đồng;
* Có 220 dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2013 chưa phù hợp với các quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và nguyên tắc, tiêu chí Thủ tướng Chính phủ đã quy định (chưa có đủ thủ tục đầu tư, sai nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, mức vốn bố trí không đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg, bố trí vốn vượt tổng mức đầu tư hoặc các dự án chuyển tiếp còn thiếu nhiều vốn để hoàn thành, nhưng vẫn bố trí kế hoạch năm 2013 để khởi công mới,...) với số vốn trong nước là 2.146,1 tỷ đồng, chiếm gần 4,4% tổng số vốn ngân sách Trung ương (trong nước) kế hoạch năm 2013 rà soát. Cụ thể: Các bộ, ngành trung ương đã bố trí vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 chưa đúng quy định là 1.620,6 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng số vốn trong nước; Các địa phương bố trí vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 chưa đúng quy định của 159 dự án.
2.3.3. Đánh giá chung
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác đầu tư từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, số dự án khởi công mới giảm đáng kể, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ tăng nhiều như đã nêu ở phần trên, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao.
Việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại cần khắc phục, so với cùng kỳ các năm trước, số dự án có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên khởi công mới vẫn còn cao; trong quá trình thực hiện nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn khá cao, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt. Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư. Trách nhiệm về tình trạng nêu trên trước hết thuộc về người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua là chưa được cải thiện nhiều, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4669/BKHĐT-TH ngày 05/7/2013 hướng dẫn cụ thể về việc quản lý và điều chỉnh các dự án đầu tư.
Trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, đề nghị các cơ quan tiếp tục xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các dự án (đặc biệt các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương) để khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Các cơ quan cần tích cực kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ đầu tư, thanh quyết toán đầu tư theo quy định.
2.4. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu báo cáo của 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2013 có 5.825 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 165.445 tỷ đồng, bình quân 28,40 tỷ đồng/dự án, trong đó có: 11 dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 19.419 tỷ đồng; 96 dự án có tổng vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên, với tổng vốn đăng ký đầu tư 60.020 tỷ đồng và 5.710 dự án có tổng vốn đầu tư nhỏ hơn 300 tỷ đồng, với tổng vốn đăng ký đầu tư 81.418 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 1.208 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy mô đầu tư, mục tiêu đầu tư, tiến độ và chủ đầu tư.
Theo số liệu tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm 2013 có 3.086 dự án sử dụng nguồn vốn khác được kiểm tra (6 tháng đầu năm 2012 số dự án được kiểm tra là 2.613 dự án, năm 2011 số dự án được kiểm tra là 1.587 dự án).
Trong 6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra 3.086 dự án đầu tư đã phát hiện có 409 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư (chiếm 13,25% tổng số dự án được kiểm tra); 34 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường (chiếm 1,10% tổng số dự án được kiểm tra), 21 dự án có vi phạm về sử dụng đất (chiếm 0,68% tổng số dự án được kiểm tra); đã thu hồi 232 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 7,52% tổng số dự án được kiểm tra).
3. Tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
3.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các chủ đầu tư:
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan trong 6 tháng đầu năm 2013 có 17.822 dự án trên tổng số 26.850 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đạt tỷ lệ 66,38% (6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ này là 60,94%, năm 2011 là 62,23%). Các cơ quan không có số liệu về các dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư là tỉnh Trà Vinh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương; một số cơ quan tỷ lệ có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thấp như tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương, Bộ Quốc phòng,...
Theo báo cáo của các cơ quan chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ; cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo chế độ kiêm nhiệm; nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy định. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền quyết định trong quá trình thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình chưa theo kịp với công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư cũng làm cho việc thực hiện báo cáo của các chủ đầu tư chưa kịp thời và nghiêm túc.
3.2. Tình hình giám sát, đánh giá đầu tư các dự án nhóm A sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Qua phân tích số liệu báo cáo các dự án thuộc nhóm A của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư/Ban quản lý dự án gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy:
- Số dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định là 298 dự án trên tổng số 377 dự án thực hiện trong năm, đạt 79,05% (tỷ lệ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá 6 tháng đầu năm 2012 là 87,17%, năm 2011 là 82,74%).
- Số dự án chậm tiến độ có 67 dự án (chiếm 17,77%) (6 tháng đầu năm 2012 là 22,16%, năm 2011 tỷ lệ này là 21,21%). Tiến độ đầu tư chậm so với yêu cầu, ngoài việc làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, không đảm bảo huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, còn làm tăng chi phí cho Ban quản lý dự án, lãi vay trong thời gian xây dựng, đặc biệt là chi phí chuyên gia nước ngoài trong các dự án ODA, gây lãng phí và làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Số dự án phải điều chỉnh là 57 dự án, chiếm 15,12% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó: 15 dự án điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư; 22 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, 34 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư.
- Số dự án thực hiện lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 61 dự án, chiếm 16,18% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, với tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 670 gói, trong đó: chỉ định thầu 510 gói (chiếm 76,12% số gói thầu), đấu thầu rộng rãi 157 gói (chiếm 23,43%).
- Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào hoạt động trong kỳ là 12 dự án, chiếm 3,18%, (6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ này là 2,33%, năm 2011 là 2,08%).
3.3. Về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu tư
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan đã tiến hành kiểm tra 8.153 dự án (chiếm 30,36% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 8.008 dự án (chiếm 29,82% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; tổ chức kiểm tra 3.086 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác. Qua công tác kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầu tư (đã phát hiện nhiều dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên có vi phạm, trong đó có 267 dự án có thất thoát, lãng phí; đã phát hiện 468 dự án sử dụng nguồn vốn khác có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, thu hồi 232 Giấy chứng nhận đầu tư).
Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1587/QĐ-BKHĐT ngày 26/11/2012 ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2013. Hiện tại, các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra tổng thể đầu tư và các dự án đầu tư tại các Bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, hoạt động đầu tư của các cơ quan đã được chấn chỉnh và dần đi vào nề nếp. Kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra và các kiến nghị cụ thể liên quan đến từng Bộ, ngành, địa phương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong các Thông báo kết luận của từng cuộc thanh tra, kiểm tra cụ thể và báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị:
(1) Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91:
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011, văn bản số 4669/BKHĐT-TH ngày 05/7/2013), chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đầu tư, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, quản lý, kiểm soát tốt kế hoạch đầu tư, chi phí đầu tư phù hợp quy định hiện hành, xử lý các vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
- Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, đặc biệt là xử lý các chủ đầu tư không thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý trong kỳ báo cáo tiếp theo;
- Kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng liên quan;
- Chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư, đặc biệt có đánh giá dự án đầu tư theo quy định.
(2) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chưa gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng hạn, chất lượng không đáp ứng yêu cầu (như nêu tên cụ thể tại mục 1) có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.