BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7273/BGDĐT-GDMN |
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định số 105), trong thời gian qua, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách quy định tại Nghị định số 105 và tham mưu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền về định mức các chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp quy định tại Điều 5, Điều 8, Điều 10 Nghị định số 105. Chính sách đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu vực này. Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số tỉnh chưa ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền; thủ tục, thời gian chi trả chính sách chưa bảo đảm đúng quy định; chưa vận dụng Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động[1] (Nghị định số 145) để mở rộng đối tượng và địa bàn được thụ hưởng chính sách.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp[2], Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục tham mưu ban hành theo thẩm quyền định mức hỗ trợ các chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định[3]; chỉ đạo thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu của người lao động.
2. Chỉ đạo, rà soát việc tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp và các chính sách đối với trẻ em, giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc phạm vi quản lý; có biện pháp giải quyết triệt để những khó khăn, tồn tại khi thực hiện chi trả chính sách cho trẻ em, giáo viên mầm non.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại Nghị định số 105, trong đó có chính sách đối với giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp ở các cấp quản lý.
4. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan rà soát, xác định nơi có nhiều lao động[4], tham mưu thực hiện các giải pháp về chính sách tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 145 bảo đảm kịp thời, không bỏ sót đối tượng[5].
5. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn, đôn đốc tổ chức Công đoàn các cấp có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công nhân, người lao động trong thực hiện thủ tục xác nhận nơi làm việc tại khu công nghiệp của cha mẹ trẻ em bảo đảm chế độ cho trẻ em và tạo điều kiện để giáo viên mầm non đủ điều kiện được hưởng chính sách.
6. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tới các đối tượng thụ hưởng chính sách; hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng các quy định về thủ tục hồ sơ trong thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT ngày 14/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo[6].
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Mầm non), số 35, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội để kịp thời phối hợp giải quyết./.
Trân trọng./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Quy định các chính sách GDMN ở địa bàn tập trung nhiều lao động được áp dụng chính sách như GDMN ở địa bàn có KCN
[2] Thông báo số 37/TB-VPCP ngày 20/02/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Giao Bộ GDĐT cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 105, trong đó có chính sách đối với GDMN ở địa bàn có KCN, nghiên cứu tham mưu bổ sung chính sách đảm bảo đúng quy định, kịp thời và công bằng, không bỏ sót đối tượng”
[3] Đối với các tỉnh chưa ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh về định mức các chính sách đối với GDMN ở địa bàn có KCN.
[4] Điểm b khoản 5 Điều 87 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, xác định nơi có nhiều lao động.
[5] Theo quy định tại Chương IX lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, Nghị định số 145/2020/NĐ- CP, GDMN ở nơi có nhiều lao động được hưởng chính sách như chính sách dành cho GDMN ở địa bàn có KCN. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh xác định địa bàn có nhiều lao động, trong đó có cụm công nghiệp, doanh nghiệp…để xây dựng mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trình HĐND cùng cấp quyết định.
[6] Hợp nhất Nghị định số 105 và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.