BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7228/BTC-TCT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc
Trung ương; |
Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam (sau đây gọi là kinh doanh TMĐT) đã và đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến và được áp dụng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Sự tăng trưởng bứt phá của hoạt động TMĐT đã dần khẳng định vai trò trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới như: (1) Tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuế đối với hoạt động TMĐT; (2) Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; (3) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, đảm bảo cấp độ 4.0 như Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và Cổng thông tin TMĐT tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT; (4) Xây dựng và chính thức vận hành cơ sở dữ liệu về TMĐT; (5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động liên quan đến lĩnh vực TMĐT; (6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước và nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, thủ tục ký kết các Hiệp định đa phương về phân bố lợi nhuận đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số (MLC); (7) Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu với các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Bộ Tài chính đã chú trọng công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2024 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các Bộ, ngành, các địa phương, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực: theo số liệu quản lý thuế trong 03 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lũy kế đến tháng 6/2024 đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế với số thuế là hơn 15,6 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã quan tâm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như chỉ đạo các Sở ban, ngành phối hợp, giúp đỡ cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; yêu cầu chuyển đổi phương pháp quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế; quản lý tuân thủ theo nguyên tắc rủi ro có áp dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu lớn được thu thập từ nhiều nguồn, đặc biệt là thông tin kết nối, chia sẻ từ các Bộ, ngành. Do đó, để tiếp tục tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT (bao gồm cả hoạt động livestream bán hàng) nói riêng cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận của người nộp thuế. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để ngành Thuế quản lý hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động livestream bán hàng, thông qua đó bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong những năm tới, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển thị trường TMĐT vừa nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với tinh thần trên, Bộ Tài chính kính đề nghị các đồng chí quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với cơ quan thuế triển khai chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng không thực hiện đúng đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định nhằm mục đích lan tỏa tính nghiêm minh của pháp luật.
- Chỉ đạo cơ quan thuế và các Sở, ban, ngành liên quan (Ngân hàng, Công thương, Công an, Thông tin truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải, ...) phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng (đối tượng, thông tin giao dịch, thông tin thanh toán, thông tin vận chuyển...) để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình hóa đơn may mắn do ngành Thuế triển khai trên toàn quốc để kiểm soát doanh thu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nói chung, tham gia hoạt động TMĐT, livestream bán hàng nói riêng đảm bảo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.
- Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế trên các kênh thông tin để người nộp thuế nâng cao hiểu biết, tính tự giác tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động livestream bán hàng.
Bộ Tài chính kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và phối hợp của đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nói chung và quản lý thu thuế nói riêng đối với hoạt động TMĐT.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của các đồng chí./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.