BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6943/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.
Trả lời công văn số 2817/HQHCM-STQ ngày 29/9/2020 của Cục Hải quan Hồ Chí Minh phản ánh vướng mắc xử lý thuế đối với lượng nguyên phụ liệu chênh lệch giữa tồn kho trên sổ sách tại doanh nghiệp so với số liệu khai báo với cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan thuộc đối tượng không chịu thuế.
Căn cứ quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, thì hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ Điều 52 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về các trường hợp cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 59 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về việc xử lý kết quả kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu, thì: “b) Trường hợp kiểm tra xác định việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu không phù hợp với sản phẩm xuất khẩu, định mức thực tế, không phù hợp với thông tin thông báo cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, không phù hợp với chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân: Cơ quan hải quan không chấp nhận nội dung khai hải quan và căn cứ hồ sơ hiện có để quyết định ấn định thuế và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi: “đ) Vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điểm d, đ, e và Điểm g Khoản 1 Điều 13 Nghị định này”.
Đối chiếu với quy định trên, việc xử lý thuế đối với trường hợp số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp nhiều hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch dương) và trường hợp số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp ít hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch âm) được thực hiện như sau:
a) Trường hợp số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp nhiều hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch dương):
Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa của doanh nghiệp chế xuất vần lưu tại kho, chưa chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp không vi phạm quy định tại Điều 52 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì số nguyên liệu, vật tư dư thừa này không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và cũng không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, cơ quan hải quan chưa thực hiện ấn định thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với số nguyên liệu này. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa hoặc có hành vi gian lận, trốn thuế thì thực hiện ấn định thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Để quản lý nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương của doanh nghiệp chế xuất đang lưu kho là hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, cơ quan hải quan thực hiện thống kê số nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương tại thời điểm kiểm tra; doanh nghiệp chế xuất tiếp tục quản lý, sử dụng số nguyên liệu, vật tư này để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp thực hiện báo cáo chi tiết với cơ quan hải quan về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư và xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ số nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương nêu trên.
b) Trường hợp số liệu tồn kho nguyên liệu, vật tư trên sổ sách của doanh nghiệp ít hơn số liệu đã báo cáo với cơ quan hải quan (chênh lệch âm) thì thực hiện ấn định thuế đối với số lượng nguyên liệu, vật tư chênh lệch âm. Công ty bị xử phạt vi phạm hành chính đối với phần nguyên liệu, vật tư chênh lệch âm theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ).
c) Từ ngày 5/12/2020 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế) thì việc xử lý thuế đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu chênh lệch âm hoặc dương so với số liệu đã báo cáo cơ quan hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.