ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6295/LĐ-TBXH-XH |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2007 |
Kính gửi: UBND quận, huyện
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 5866/VP-VX ngày 31/8/2007; Liên Sở Lao động-TB&XH – Sở Tài chính và Sở Y tế tổ chức hướng dẫn cho UBND, Phòng Lao động-TB&XH quận, huyện và các sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan vào ngày 5/10/2007 (hướng dẫn số 4895/S-LĐTBXH-TC-YT) để thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ; thông tư 09/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động-TB&XH về chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội; và Quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND Thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách xã hội của TP HCM; Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, cơ sở, nhiều quận, huyện đang gặp một số vướng mắc, cụ thể như về thời hiệu thực hiện trợ cấp; về chuyển đối tượng từ Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 9/3/2000 của Chính phủ sang thực hiện theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP; về cách thức truy lĩnh trợ cấp …
Sau khi báo cáo xin ý kiến của Bộ Lao động-TB&XH (Vụ bảo trợ xã hội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:
I. CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI ĐIỀU 4 NGHỊ ĐỊNH 67/2007/NĐ-CP:
1. Về mức và cách tính trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng do phường xã quản lý:
1.1. Các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng do phường – xã quản lý: áp dụng mức trợ cấp theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP; riêng nhóm đối tượng hưởng mức trợ cấp 120.000đ/người/tháng (quy định tại khoản 1, 2, 3 và 9 của điều 4) được hưởng mức trợ cấp 150.000đ/người/tháng theo quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND Thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách xã hội của TP; thời gian được hưởng tính từ ngày 1/8/2007.
1.2. Đối tượng quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP nếu đang được hưởng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11: thì vẫn được hưởng trợ cấp của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
1.3. Đối tượng được hưởng trợ cấp tại khoản 7 điều 4 thì không được hưởng trợ cấp tại khoản 1 điều 4 (Chỉ nhận 01 mức trợ cấp và chọn mức có hệ số cao hơn)
1.4. Đối tượng quy định tại khoản 9 điều 4 “Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi, …”.
Cần phân biệt cho rõ: Đối tượng được hưởng trợ cấp ở đây là “Người đơn thân”, không phải trợ cấp cho trẻ. Do đó, người đơn thân có nuôi 2 trẻ thì cũng hưởng một suất trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
2. Về quy định tại khoản 1 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP
2.1. Chỉ áp dụng tiêu chuẩn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 của TP.HCM) đối với nhóm trẻ em nhiễm HIV/AIDS
2.2. Trường hợp đối tượng là Trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang chấp hành tại Cơ sở giáo dục theo Nghị định 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc Cơ sở chữa bệnh (cai nghiện ma túy và thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội) không còn người nuôi dưỡng cũng được vận dụng xem xét giải quyết chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội.
2.3. Riêng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi do cha mẹ bỏ đi không nuôi dưỡng và không còn ở địa phương (không còn sinh sống tại TP. HCM và cha mẹ không liên lạc, chăm sóc, nuôi dưỡng con trong thời gian từ 2 năm trở lên), trường hợp này UBND phường xã chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và công khai xét duyệt theo quy trình để trình UBND quận, huyện, xem xét quyết định.
3. Về quy định tại khoản 2 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP
Nghị định 67/2007/NĐ-CP quy định người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên có chồng hoặc vợ nhưng già yếu, không có con cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ nghèo thì được trợ cấp. Tuy nhiên, trong thực tế, có thể vận dụng các trường hợp sau:
3.1. Hai vợ chồng là người cao tuổi, đều già yếu, không con cháu, người thân thích để nương tựa thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 của thành phố): mỗi người được hưởng một suất trợ cấp xã hội theo quy định.
3.2. Người cao tuổi tuy còn con cháu, người thân thích nhưng những người này không đủ khả năng để nuôi dưỡng (dưới 16 tuổi hoặc trên 60 tuổi) hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại; hoặc chấp hành tập trung tại cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục; hoặc bị tàn tật nặng không khả năng lao động, bị tâm thần mãn tính thì cũng được xem xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
3.3. Người cao tuổi, cô đơn, già yếu đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 07/2000/NĐ-CP, tuy không đưa vào danh sách hộ nghèo của Thành phố (không có danh sách, mã số) nhưng thành phố vẫn xác định đây là thuộc diện hộ nghèo nên được lập danh sách và xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định.
4. Về quy định tại khoản 3 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP:
4.1. Người từ 85 tuổi trở lên đang được trợ cấp khó khăn của Thành phố (do thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nhưng không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mất sức theo quy định tại thông tư 21/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 25/9/2000, khi hết tuổi lao động mà đời sống có nhiều khó khăn) vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
4.2. Người từ 85 tuổi trở lên, đến thành phố ở với con cháu trong thời gian dài, không chuyển hộ khẩu vẫn được quận, huyện xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP với điều kiện: đối tượng phải có giấy xác nhận của UBND phường, xã nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú (tỉnh, thành phố khác) là chưa thực hiện chế độ trợ cấp cho người từ 85 tuổi trở lên theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP (mẫu số 10/LĐTBXH).
4.3. Về thủ tục xét trợ cấp người từ 85 tuổi trở lên: theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP nhưng không phải làm lý lịch.
5. Về quy định tại khoản 4 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP, giải thích làm rõ về người tàn tật nặng:
5.1. Người tàn tật nặng không có khả năng lao động được quy định là người từ đủ 15 tuổi trở lên.
5.2. Người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ không quy định độ tuổi.
5.3. “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động, hoặc không có khả năng tự phục vụ”, không có nguồn thu nhập và không có nơi nương tựa đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 07/2000/NĐ-CP vẫn được lập danh sách và xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
5. Về quy định tại khoản 5 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP:
Cần phân biệt có 2 đối tượng được hưởng trợ cấp tại khoản 5 điều 4 này, đó là:
5.1. Người tâm tầm mãn tính ……, sống độc thân không nơi nương tựa
5.2. Người tâm thần mãn tính …….., thuộc gia đình thuộc hộ nghèo
6. Về quy định tại khoản 7 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP
6.1. Gia đình, cá nhân bao gồm cả thân nhân (ông bà nội, ngoại, cô dì, chú, bác, anh chị ruột đang được hưởng trợ cấp theo Quyết định 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ) nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bỏ rơi được xem xét giải quyết trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP
6.2. Đối tượng Trẻ em quy định tại khoản này được áp dụng cả cho “người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề” như quy định tại khoản 1 điều 4, nghị định 67/2007/NĐ-CP
7. Về quy định tại khoản 8 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP:
7.1. Đối với đối tượng: “Hộ gia đình có từ 02 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ” không quy định là phải thuộc diện hộ nghèo.
7.2. Người tâm thần thuộc diện tàn tật nặng không khả năng tự phục vụ thuộc đối tượng quy định của điều khoản này.
8. Một số trường hợp cụ thể:
8.1. Đối với trường hợp cha hoặc mẹ trên 60 tuổi thuộc hộ nghèo thành phố nhưng vừa phải nuôi con lại con lại là đối tượng tàn tật nặng, không khả năng tự phục vụ hoặc tâm thần mãn tính: trường hợp này xem xét giải quyết 2 suất trợ cấp bảo trợ xã hội của Nghị định 67/2007/NĐ-CP:
- Cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 2 điều 4: người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo.
- Con được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 4 điều 4: người tàn tật nặng không khả năng tự phục vụ hoặc tâm thần mãn tính thuộc hộ nghèo.
8.2. Đối với trường hợp người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên thuộc diện “Người có công với cách mạng, được tặng thưởng huy chương, được hưởng trợ cấp trước 1995” đang hưởng trợ cấp 80.000đ/tháng của thành phố: thì vẫn được xét hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 3 điều 4 nghị định 67/2007/NĐ-CP do đây không phải là lương hưu, hoặc trợ cấp BHXH
9. Thời gian thực hiện trợ cấp:
9.1. Đối với các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội theo nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 9/3/2000 của Chính phủ, sau khi quận, huyện thực hiện rà soát đúng quy định và quyết định cho các đối tượng được hưởng trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP thì thời gian thực hiện trợ cấp theo Hướng dẫn số 4895/S-LĐTBXH-TC-YT ngày 5/10/2007 của liên Sở Lao động-TB&XH – Sở Tài chính và Sở Y tế.
9.2. Đối với các đối tượng mới được xét trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP: thời điểm được hưởng trợ cấp là ngày ghi tại Biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp bảo trợ xã hội của phường, xã.
9.3. Đối với người từ 85 tuổi trở lên không lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội: thời điểm tính trợ cấp từ 1/8/2007 (theo quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND thành phố).
II. CÁCH TÍNH VỀ TRUY LĨNH TRỢ CẤP XÃ HỘI TẠI CỘNG ĐỒNG THEO NĐ 67/2007/NĐ-CP
1. Đối với đối tượng có quyết định hưởng trợ cấp từ ngày 1/1/2007 trở về trước:
Được chia thành 2 giai đoạn để tính:
1.1. Từ 1/1/2007 đến trước 1/8/2007 (trước thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 cho phép điều chỉnh mức trợ cấp 100.000đ/người/tháng lên 150.000đ/người/tháng), số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * 7 tháng (1).
1.2. Thời gian từ 1/8/2007 trở về sau, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * số tháng còn lại được hưởng (2)
Lý do: trừ 100.000đ thay vì trừ 150.000 đ: đối tượng hưởng mức 150.000đ/người/tháng theo quyết định số 122/2007/QĐ-UB, thực tế vẫn chưa được nhận khoảng chênh lệch 150.000đ-100.000đ.
Cần lưu ý cách tính này chỉ dùng cho các đối tượng hưởng mức trợ cấp 120.000đ được điều chỉnh lên 150.000đ. Các mức trợ cấp khác (180.000đ, 240.000đ) không thay đổi.
1.3. Tổng số tiền chênh lệch được hưởng = (1) + (2)
Ví dụ: đối tượng Nguyễn Văn A được hưởng trợ cấp xã hội từ tháng 12/2006, sau khi rà soát A vẫn được xét hưởng trợ cấp theo NĐ 67/2007/NĐ-CP ở mức 120.000đ/tháng. Lấy mốc tháng 11-2007 để tính, thì ông A được truy lĩnh như sau:
- Từ 1/1/2007 đến trước 1/8/2007, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * 7 tháng (1).
(120.000đ – 100.000đ) * 7 = 140.000đ.
- Thời gian từ 1/8/2007 trở về sau, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP) – 100.000đ/người/tháng) * số tháng còn lại được hưởng (2)
(150.000đ – 100.000đ) * 4 = 200.000đ
Mức 120.000đ/tháng tại NĐ 67/2007/NĐ-CP được điều chỉnh lên 150.000đ/tháng theo quyết định số 122/2007/QĐ-UB
Tổng số tiền chênh lệch được hưởng = 340.000đ
2. Đối với đối tượng có quyết định hưởng trợ cấp từ sau 1/1/2007, được chia 2 giai đoạn để tính như sau:
2.1. Thời gian ghi trong quyết định – thời gian trước 1/8/2007, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * số tháng (3)
2.2. Từ 1/8/2007 trở về sau, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * số tháng cụ thể (4)
Cần lưu ý cách tính này chỉ dùng cho các đối tượng hưởng mức trợ cấp 120.000đ được điều chỉnh lên 150.000đ để tính toán, các mức trợ cấp khác (180.000đ, 240.000đ, …) không thay đổi
2.3. Tổng số tiền chênh lệch được hưởng = (3) + (4)
Ví dụ: đối tượng Nguyễn Thị B được hưởng trợ cấp xã hội từ tháng 30/2/2007 (ghi trong quyết định), sau khi rà soát chị B vẫn được xét hưởng trợ cấp theo NĐ 67/2007/NĐ-CP ở mức 180.000đ/tháng. Lấy mốc tháng 11-2007, thì chị B được truy lĩnh như sau:
- Từ 1/1/2007 đến trước 1/8/2007,số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP – 100.000đ/người/tháng) * 5 tháng (180.000đ – 100.000đ) * 5 = 400.000đ
- Thời gian từ 1/8/2007 trở về sau, số tiền chênh lệch được hưởng:
(mức trợ cấp quy định tại NĐ 67/2007/NĐ-CP - 100.000đ/người/tháng) * số tháng còn lại được hưởng
(180.000đ – 100.000đ) * 4 = 320.000đ
Tổng số tiền chênh lệch được hưởng = 720.000đ.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn, giải thích làm rõ thêm một số trường hợp thực tế mà các địa phương đang gặp khi triển khai thực hiện nghị định 67/2007/NĐ-CP; đề nghị các quận, huyện, phường, xã nghiên cứu vận dụng thực hiện. Nếu có phát sinh những vấn đề mới, cần trao đổi ngay với Sở Lao động – TB&XH (Phòng Bảo trợ xã hội) để được trao đổi giải quyết và kịp thời phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị định 67/2007/NĐ-CP theo chỉ đạo của Bộ Lao động-TB&XH và UBND thành phố.
Nơi nhận: |
KT.
GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.