BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6144/BKHĐT-QLĐT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 79/NQ-CP) và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 (Nghị quyết 86/NQ-CP) về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 30/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết nêu trên, để bảo đảm thực hiện thống nhất, kịp thời, có hiệu quả quy định của pháp luật về đấu thầu và các Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, hình thức mua sắm đặc thù phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung như sau:
I. Về hình thức lựa chọn nhà thầu
Các bộ, địa phương, đơn vị được áp dụng tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu để tổ chức mua sắm. Trong quá trình tổ chức mua sắm, đề nghị lưu ý áp dụng một số hình thức mua sắm được quy định tại Luật Đấu thầu và các Nghị quyết nêu trên như sau:
1. Đấu thầu rộng rãi
a) Trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, phương tiện và các hàng hóa cần thiết khác phục vụ việc phòng, chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày. Trường hợp mua sắm không nhằm mục đích phòng, chống dịch, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
b) Trường hợp áp dụng đấu thầu rộng rãi (bao gồm qua mạng và không qua mạng), người có thẩm quyền, chủ đầu tư cần xem xét phân chia gói thầu với quy mô hợp lý để phù hợp với năng lực cung ứng cũng như năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.
2. Mua sắm trực tiếp
Trường hợp mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu, chủ đầu tư được áp dụng kết quả đấu thầu rộng rãi, hạn chế của gói thầu mua sắm hàng hóa trong vòng 12 tháng của các bộ, địa phương, đơn vị khác mà không nhất thiết phải căn cứ kết quả đấu thầu của bộ, địa phương, đơn vị mình. Nội dung này áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật Đấu thầu, kể cả gói thầu không nhằm mục đích phục vụ phòng, chống dịch.
3. Chỉ định thầu
a) Việc triển khai ngay gói thầu để tránh nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư (bao gồm cả gói thầu xây lắp, hàng hóa, phi tư vấn và tư vấn) và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu mà không phụ thuộc vào hạn mức (giá) gói thầu.
b) Trường hợp thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương và cơ quan mua sắm tập trung đã tổng hợp nhu cầu nhưng chưa tổ chức đấu thầu rộng rãi thì trong trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để phòng, chống dịch COVID-19, cần tách số lượng dự kiến dùng cho phòng, chống dịch trước mắt để chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu. Trường hợp mua sắm tập trung được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.
c) Việc chỉ định thầu thực hiện theo quy trình rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày giao thầu, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không bắt buộc phải thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với chỉ định thầu rút gọn, việc xác định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu không cần căn cứ theo hướng dẫn tại các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo các Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/2/2015, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc nhà thầu có khả năng thực hiện ngay gói thầu, đáp ứng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Người có thẩm quyền xem xét việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước hoặc sau khi chỉ định thầu trên cơ sở bảo đảm tính cấp bách trong phòng, chống dịch.
4. Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 86/NQ-CP, cụ thể như sau:
a) Các Bộ, ngành xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu.
II. Về xây dựng giá gói thầu
1. Việc xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực hiện theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 86/NQ-CP.
Trường hợp việc xây dựng giá gói thầu thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 86/NQ-CP thì không bắt buộc phải căn cứ theo giá trúng thầu (giá trúng thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu) trong thời gian 06 tháng trước đó nếu giá trúng thầu trong thời gian 06 tháng trước đó thấp hơn giá thị trường hoặc thấp hơn 03 báo giá của nhà cung cấp. Việc xây dựng giá gói thầu chỉ cần căn cứ vào một trong các tài liệu nêu tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 86/NQ-CP.
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, trường hợp các nhà thầu đều chào vượt giá gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống theo quy định khoản 8 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
2. Đối với gói thầu mua thuốc, việc xây dựng giá gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Trong mọi trường hợp, đơn vị mua sắm phải bảo đảm giá gói thầu được xây dựng, phê duyệt là phù hợp với thị trường tại thời điểm mua sắm và không gây thất thoát, lãng phí.
III. Các nội dung khác
1. Về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm theo quy định tại Điều 33 Luật Đấu thầu. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện trên cơ sở kế hoạch bố trí vốn cho cả dự án mà không bắt buộc chỉ được lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch vốn của từng năm.
2. Về hợp đồng trọn gói
Hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được xác định là trọn gói theo khối lượng công việc của hợp đồng. Trường hợp gói thầu mua thuốc có thay đổi về khối lượng do nhu cầu giảm thì chủ đầu tư, bên mời thầu thỏa thuận với nhà thầu ký phụ lục bổ sung hợp đồng về thay đổi khối lượng, giá trị hợp đồng.
3. Về thẩm quyền quyết định mua sắm
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao.
Căn cứ quy định nêu trên, các bộ, địa phương, đơn vị có thể phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm cho đơn vị dự toán các cấp. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, quyết định mua sắm đối với các gói thầu có giá trị không quá 100 triệu đồng.
4. Về mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước
Thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I văn bản này hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
5. Về đăng tải thông tin trong đấu thầu
Việc đăng tải thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu (kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng...) được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai thực hiện một số nội dung trong mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và Bộ Tài chính để hướng dẫn theo thẩm quyền./.
|
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.