BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5547/BNV-TCBC |
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2024 |
Kính gửi: |
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, |
Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nội dung chất vấn như sau: Đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện nay sự vênh nhau về tỷ lệ giao biên chế giữa các địa phương mặc dù các tỉnh đều có quy mô dân số, diện tích, đơn vị hành chính tương đương. Với vai trò của mình xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp trong thời gian tới để tránh tình trạng cắt giảm biên chế một cách cơ học, cào bằng, chưa gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để giúp cho đơn vị, địa phương đảm bảo biên chế thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII[1], Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định[2] về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đã quy định rõ việc xác định biên chế (công chức, viên chức) được dựa trên các tiêu chí chung về: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các tiêu chí khác có tính đặc thù, như: Khối lượng công việc của từng vị trí việc làm, mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin, thực tế việc sử dụng biên chế được giao, đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, khi triển khai theo các quy định của Đảng và của Chính phủ, trên thực tế vẫn có trường hợp các địa phương tuy có quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số lượng đơn vị hành chính tương đương nhưng đang được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế khác nhau.
Để quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao (đối với các địa phương được quy định tại Quyết định số 72-QĐ/TW[3]) trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định của Đảng tại Kết luận số 28-KL/TW[4] và Kết luận số 40-KL/TW[5], các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cấp có thẩm quyền giao.
- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế theo lộ trình phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (không thực hiện cắt giảm biên chế một cách cơ học, cào bằng), bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo quy định của Đảng tại Kết luận số 28-KL/TW và Kết luận số 40-KL/TW.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách nhà nước và tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội.
- Kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu biên chế giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế được giao (không để chỉ tiêu trống).
Trường hợp thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nêu trên, các địa phương vẫn có nhu cầu bổ sung biên chế thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.
Trên đây là trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị theo quy định./.
|
BỘ TRƯỞNG |
[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
[2] Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
[3] Quyết định số 72-QĐ/TW3 ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.
[4] Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
[5] Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.