BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2024 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.
Trả lời công văn số 3090/HQTPHCM-GSQL của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo quá trình xử lý đối với vướng mắc liên quan đến việc thông quan hàng hóa nhập khẩu và đề nghị ghi tên công ty nhập khẩu và phân phối trên nhãn phụ hàng hóa của Công ty TNHH New Image Health Sciences Việt Nam. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Đối với Đơn tố giác tội phạm của Ông Graeme Lindsay Clegg ký ngày 27/7/2023 gửi Cục Cảnh sát Kinh tế (C03)- Bộ Công an: Nội dung tố giác Bà Phạm Thị Ngọc Dung là người đứng tên làm đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam có hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, theo thông tin trên thì Đơn tố giác đã gửi đến Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) - Bộ Công an, do đó, Đơn tố giác trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hải quan.
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn Ông Graeme Lindsay Clegg liên hệ Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) -Bộ Công an để được giải quyết theo quy định.
2. Đối với kiến nghị tại công văn số 2023/NIHS/CV đề ngày 01/11/2023 của Công ty TNHH New Image Health Sciences Việt Nam về các vấn đề liên quan đến tờ khai hải quan nhập khẩu số 105594294300/A11 ngày 20/7/2023:
2.1. Về đề nghị thông quan hàng hóa nhập khẩu:
- Theo khai báo của Công ty và các chứng từ gửi kèm thì các mặt hàng Công ty nhập khẩu là thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm và các phụ lục II, III, IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ thì thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương
- Hiện do khái niệm, định danh hàng hóa và nội dung quy định giữa Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và Thông tư số 28/2021/TT-BYT liên quan đến hàng hóa phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm không đầy đủ, không trùng khớp dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc xác định hàng hóa thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm. Theo đó, ngày 15/11/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12527/BTC-TCHQ trao đổi với Bộ Y tế về vấn đề này. Do vậy, đối với lô hàng hàng cụ thể của Công ty, đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn Công ty liên quan với cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế giao, chỉ định để xác định mặt hàng nhập khẩu để thực hiện các thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm theo quy định.
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ chứng từ do cơ quan kiểm tra có thẩm quyền thuộc Bộ Y tế giao hoặc chỉ định xác nhận để yêu cầu doanh nghiệp nộp khi làm thủ tục nhập khẩu, để làm cơ sở thông quan hàng hóa theo quy định tại Điều 37 Luật Hải quan.
2.2. Nội dung bắt buộc trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan tại cơ quan hải quan:
Căn cứ Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra các nội dung bắt buộc bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài. Theo đó, khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các nội dung bắt buộc trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
2.3. Về đề nghị của Công ty liên quan đến việc dán nhãn phụ trên hàng hóa theo tên Công ty nhập khẩu và phân phối là: “CÔNG TY TNHH NEW IMAGE HEALTH SCIENCES VIỆT NAM, Địa chỉ: Tầng 46, Bitexco Financial Tower, 2 Hải Triều, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, Việt Nam”:
Căn cứ Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại mục c2 điểm 2 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam”.
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 quy định về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa: “Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa”.
Căn cứ Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn phụ quy định: “Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”. Trường hợp Công ty còn vướng mắc, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn Công ty liên hệ Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Hải quan trả lời Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh biết và hướng dẫn Công ty thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.