BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 5396/BYT-DP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.
Cho tới nay, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do dại.
Tại Việt Nam, công tác phòng chống bệnh dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. Tuy nhiên năm 2022 dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre ghi nhận 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang ghi nhận 05 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 04 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong).
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
Trước tình hình nói trên, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại cũng như nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại 2022-2030, Bộ Y tế kính đề nghị Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung trọng tâm cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chỉ đạo Sở Y tế:
- Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
- Tăng cường tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm; đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điếm tiêm vắc xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).
- Tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 5804/CT-BNN-TY ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, nhằm chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.
3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để Sở Y tế chủ động phòng chống lây nhiễm sang người.
- Tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hiệu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin lên ít nhất 70% tổng đàn theo như mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại 2022-2030 nhằm góp phần quan trọng trong việc loại trừ bệnh dại trên người.
4. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại để người dân đi tiêm phòng kịp thời khi bị động vật nghi dại cắn và tiêm phòng dại cho động vật theo quy định; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường triển khai truyền thông phòng, chống bệnh dại tại trường học cho giáo viên, học sinh và sinh viên.
5. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dại đến năm 2030, trong đó bố trí kinh phí của địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống và xử lý kịp thời các ổ dịch dại trên người và động vật. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao theo như phân công bố trí kinh phí của địa phương để thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030.
Bộ y tế xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo của Đồng chí.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.