UBND THÀNH PHỐ HÀ
NỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5178/SLĐTBXH-LĐTLBH |
Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2021 |
Kính gửi: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được công văn của một số quận huyện đề nghị hướng dẫn thực hiện một số vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người lao động của Công ty ngừng việc từ ngày 25/7/2021 đến ngày 09/8/2021 (14 ngày) do UBND huyện thành lập khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, Quyết định thực hiện biện pháp cách ly y tế của UBND xã, thị trấn đối với người lao động ký ban hành ngày 27/7/2021 nên tính đến 09/8/2021 không đủ 14 ngày nhưng nội dung quyết định ghi: thời gian thực hiện cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày 25/7/2021 đến ngày 09/8/2021. Như vậy, người lao động có được xem xét hỗ trợ không?
Trả lời:
Trường hợp thực tế người lao động bị ngừng việc do phải thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đủ 14 ngày thì được xem xét hỗ trợ theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .
2. Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi chỉ được hỗ trợ theo bố hoặc mẹ của trẻ. Như vậy, trong trường hợp cả bố và mẹ đều đủ điều kiện hỗ trợ và làm hồ sơ hỗ trợ ở các đơn vị thuộc các quận, huyện khác nhau. Nếu người lao động cùng làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ thì có thể sẽ dẫn đến trường hợp xét duyệt trùng. Vậy có được yêu cầu người lao động cam kết hay có xác nhận về việc chỉ làm hỗ trợ nuôi con dưới 6 tuổi của bên bố hoặc mẹ không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg , thành phần hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi không quy định giấy tờ cam kết hay xác nhận của người lao động về việc chỉ làm hỗ trợ nuôi con chưa đủ 6 tuổi của người bố hoặc mẹ. Việc xem xét, lập danh sách người lao động tạm hoãn HĐLĐ đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi để đề nghị giải quyết hỗ trợ (theo mục IV mẫu số 05 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg) thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động và thông tin từ người lao động.
Để đảm bảo đơn vị, doanh nghiệp không đề nghị trùng hưởng, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động quy định việc hỗ trợ người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi chỉ hỗ trợ 01 người là mẹ hoặc cha để đơn vị, doanh nghiệp chủ động kiểm tra, rà soát, chịu trách nhiệm trong quá trình lập danh sách đề nghị hỗ trợ; đồng thời người sử dụng lao động thông tin đến người lao động về quy định nêu trên để người lao động kê khai đầy đủ, chính xác (bao gồm cả tên vợ hoặc chồng) và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.
3. Tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định: “Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, .... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau...: ”. Như vậy “yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là các văn bản hành chính thông thường (Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố về thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn Thành phố để phòng chống dịch COVID-19; Công điện 18/CĐ- UBND ngày 06/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 1142/SGDĐT-CTTT ngày 03/5/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19; Công văn số 2324/SLĐTBXH-DN ngày 03/5/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 ....) hay phải là Quyết định yêu cầu cá biệt ?
Trả lời
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã ban hành các Công điện, Chỉ thị, Văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội (tại điểm 3 Chỉ thị 17/CT-UBND quy định đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp: các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế ...; ngày 03/5/2021, căn cứ Công điện số 05/CĐ-UBND , số 06/CĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 1142/SGDĐT-CTTT , Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành công văn số 2324/SLĐTBXH-DN về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học, tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 ...)
Tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về đối tượng, điều kiện hỗ trợ lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương quy định : “Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:..
Như vậy, các đơn vị phải tạm dừng hoạt động theo các Công điện, Chỉ thị, Văn bản của các cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .
4. Việc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có được coi là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời:
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo phương án sản xuất an toàn về phòng chống dịch phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Chỉ thị số 17/CT-UBND được xem xét thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .
Các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tự dừng hoạt động (không phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không nằm trong khu vực bị cách ly y tế) dẫn đến người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định hiện nay thì không thuộc đối tượng xem xét giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP , Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. (Trường hợp này Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung đối tượng hỗ trợ)
5. Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng, địa chỉ: Lô 38 D, KCN Quang Minh, Mê Linh có 551 người lao động. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng hóa sản xuất ra không thể xuất tới các chi nhánh tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Mê Thuật. Do vậy, công ty phải thu hẹp sản xuất và sắp xếp cho 419 người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 14/7/2021 đến hết ngày 13/8/2021.
Ngày 05/8/2021, Công ty có xây dựng phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” và được UBND huyện Mê Linh ký phê duyệt. Theo đó, chỉ có 132 người lao động đến làm việc tại Công ty theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến.”
Thực hiện Công điện số 19/CĐ-UBND ngày 21/8/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 06 giờ 00 ngày 06 tháng 9 năm 2021 trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Công ty tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với 419 người lao động từ ngày 14/8/2021 đến hết ngày 06/9/2021.
Căn cứ Điều 13, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương quy định: “Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, ....phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19... ”
Vậy, đối với 419 người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (do công ty thu hẹp sản xuất vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ không?
Trả lời
Tại Điều 13, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về đối tượng, điều kiện hỗ trợ người lao động thực hiện tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương quy định: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Như vậy, trường hợp Công ty thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định hiện nay thì không thuộc đối tượng xem xét giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP , Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .
6. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tạm hoãn hợp đồng lao động sau thời điểm ngày 24/7/2021 do không đảm bảo được phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch bệnh hoặc có phương án được phê duyệt nhưng phải cho một bộ phận nhất định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động để đảm bảo việc sản xuất giãn cách hoặc doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng một số bộ phận trong doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy người lao động tạm hoãn HĐLĐ thuộc các đơn vị này có đủ điều kiện xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg không ?
Trả lời
- Với những doanh nghiệp không đảm bảo được phương án sản xuất an toàn để phòng, chống dịch bệnh (“3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm”) và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Khi đó, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp này phải tạm hoãn HĐLĐ được xem xét giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg .
- Với những doanh nghiệp có phương án sản xuất an toàn để phòng, chống dịch bệnh được phê duyệt nhưng một bộ phận người lao động phải tạm hoãn HĐLĐ để đảm bảo sản xuất giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc các đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng có một bộ phận lao động thuộc trường hợp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền có đủ điều kiện xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không? Nội dung này Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trên đây là ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã nghiên cứu thực hiện./.
|
KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.