BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5105/BGDĐT-GDTrH |
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2020 |
Kính gửi: Ông Nguyễn Quốc Nhân
Ngày 25/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được phản ánh của ông Nguyễn Quốc Nhân, địa chỉ tại số 160 Xã Cẩm Sơn, Huyện Mỏ Cày Nam, Tỉnh Bến Tre về việc “sử dụng điện thoại và đề thi” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (gửi kèm theo PAKN.720200925.0003).
Nội dung kiến nghị:
1) Không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường THCS vì ảnh hưởng tiêu cực của nó đến học sinh.
2) Nên tổ chức đề thi chung để tránh học tủ, học thêm thiếu lành mạnh đang diễn ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về vấn đề không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường THCS vì ảnh hưởng tiêu cực của nó đến học sinh
Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT- BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học là bị cấm khi không được phép của giáo viên.
Khảo sát thực tế việc sử dụng điện thoại tại một số trường trung học ở trong và ngoài nước cho thấy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GDĐT có quy định việc sử dụng thiết bị phải có mục tiêu, kế hoạch và phải thông báo kế hoạch sử dụng thiết bị đen nhà trường và gia đình học sinh để phối hợp quản lý. Chỉ cho phép giáo viên và nhà trường sử dụng điện thoại như là một phương tiện dạy học khi các điều kiện về hạ tầng thông tin, an toàn thông tin, nơi bảo quản thiết bị khi không sử dụng và điều kiện kinh tế xã hội địa phương đảm bảo. Ngoài ra, các nhà trường phải ban hành quy định cụ thể về những hành vi bị cấm đối với học sinh khi mang điện thoại đến trường.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường là bị cấm, học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
2. Về vấn đề nên tổ chức đề thi chung để tránh học tủ, học thêm thiếu lành mạnh đang diễn ra
a. Về thi và kiểm tra đánh giá
Từ năm học 2020-2021 Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 26/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trong đó có quy định Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì các môn học; đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện. Những yêu cầu này bảo đảm để kiểm tra bao quát toàn diện nội dung học tập, giúp học sinh không học tủ, học lệch.
b. Về dạy thêm, học thêm hiện nay
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực không chỉ ở nước ta mà còn ở các nước trên thế giới. Việc dạy thêm, học thêm đã được các địa phương, nhà trường chỉ đạo, quản lý đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên ở một số nơi, nhất là các thành phố lớn, các khu đô thị, do nhiều nguyên nhân, tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục.
Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư (Luật số 03/2016/QH14) bỏ hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT- BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền không cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.
Về việc này Bộ GDĐT dã có nhiều giải pháp khắc phục:
Bộ GDĐT xác định việc giảm tải chương trình[1], giảm tải áp lực thi cử là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Trong đó tinh giản nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; tăng cường giáo dục phẩm chất, thể chất, kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh.
Bộ GDĐT đang tiến hành việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm; đảm bảo phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý tại các cơ sở dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Bộ GDĐT tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó công tác quản lý dạy thêm, học thêm được bảo đảm hiệu quả hơn.
Đồng thời, Bộ GDĐT đang từng bước khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (tách biệt với dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên)[2]. Việc này sẽ hạn chế việc giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá khiến học sinh phải mua sách tham khảo; đồng thời, cũng góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm sai quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.