BỘ KẾ HOẠCH
VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4881/BKHĐT-TH |
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; |
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ngân hàng chính sách, các cơ quan đơn vị (sau đây gọi tắt là bộ, cơ quan trung ương và địa phương) tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 như sau:
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ NĂM 2021
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo các nội dung sau:
1. Tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021 theo từng nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước (NSNN), vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Trong đó báo cáo chi tiết: (i) Tình hình thực hiện thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và thu hồi vốn ứng trước; (ii) Tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp, dự án hoàn thành trong năm 2021; (iii) Tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành, trong đó nêu rõ: số dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và số vốn còn lại chưa được bố trí để thanh toán so với giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 6 năm 2021, dự kiến đến hết năm 2021; nguyên nhân và giải pháp xử lý.
- Đối với nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước và tín dụng chính sách, tình hình cho vay theo quy định.
- Đối với nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được để lại đầu tư theo quy định của pháp luật: đề nghị báo cáo rõ nguồn thu được để lại theo quy định của pháp luật, dự kiến bố trí cho đầu tư, tình hình thực hiện các dự án.
2. Tình hình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 (nếu có) của từng dự án; dự kiến tiến độ giao và khả năng thực hiện, giải ngân các dự án khởi công mới trong năm 2021.
3. Các giải pháp đã triển khai thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo chỉ đạo tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, 19/NQ-CP ngày 10/02/2021, 30/NQ-CP ngày 10/3/2021, 48/NQ- CP ngày 06/5/2021, 58/NQ-CP ngày 08/6/2021, 63/NQ-CP ngày 29/6/2021,... của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 642/VPCP-KTTH ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
4. Tình hình huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho đầu tư phát triển.
5. Đánh giá chính xác, nêu bật các kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021. Nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021; phân tích rõ nguyên nhân giải ngân không đạt tiến độ theo yêu cầu của từng dự án và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021.
6. Các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2021.
7. Các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia1: Ủy ban dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo về tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến khả năng phân bổ và thực hiện kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
B. LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU LẬP KẾ HOẠCH
Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu đầu tư công đến năm 2025. Việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Lập kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022.
2. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; các nội dung trình phê duyệt về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 05 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia và của từng địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương giai đoạn 2021-2025; các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong năm 2022, chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.
3. Xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang trình cấp có thẩm quyền, trong đó:
- Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn NSNN phải thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.
- Ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, từng vùng lãnh thổ. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2022. Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2022 và không có khả năng gia hạn.
- Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
1. Lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022
a) Nguyên tắc chung bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN
- Việc bố trí vốn NSNN năm 2022 phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực không vượt quá số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN của bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết theo ngành, lĩnh vực đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/10/2021 về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 trừ đi số vốn đã được giao trong kế hoạch năm 2021.
- Danh mục dự án dự kiến bố trí vốn NSNN năm 2022 phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã trình cấp có thẩm quyền.
- Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi luỹ kế bố trí vốn đến hết năm 2021 và không vượt quá dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã trình cấp có thẩm quyền trừ đi số vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2021 của dự án; phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2022.
- Việc phân bổ vốn phải bảo đảm theo thứ tự ưu tiên sau:
(1) Ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có);
(2) Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022 để phát huy hiệu quả đầu tư;
(3) Bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư theo tiến độ được phê duyệt;
(4) Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; trong đó phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư;
(5) Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất liên vùng, giao thông cấp bách, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu,...; trong đó ưu tiên cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thực hiện.
b) Dự kiến danh mục dự án và bố trí kế hoạch đầu tư vốn nguồn NSNN năm 2022 cho từng dự án
- Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương: Căn cứ mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và khả năng cân đối vốn đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương dự kiến danh mục dự án, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và mức vốn cho từng dự án, nhiệm vụ theo đúng các nguyên tắc quy định tại điểm a nêu trên.
- Đối với các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương:
+ Căn cứ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật NSNN, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và dự kiến phương án bố trí vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2022 phù hợp với các chỉ đạo về xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương của cấp có thẩm quyền, bảo đảm bố trí vốn tập trung và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
+ Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết, đề nghị địa phương báo cáo dự kiến thu, chi từ nguồn xổ số kiến thiết, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn vốn này cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, y tế công lập, xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
+ Đối với nguồn thu sử dụng đất: đề nghị báo cáo dự kiến thu, chi từ nguồn này trong năm 2022.
+ Đối với nguồn bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh: theo quy định của Luật NSNN năm 2015, bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Đối với kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; vốn hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Căn cứ tình thực hiện năm 2021, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 20/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định, quy định của cấp có thẩm quyền về chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, dự kiến những thay đổi về đối tượng, chính sách, nhiệm vụ, tăng trưởng tín dụng, dư nợ cho vay, huy động vốn, lãi suất huy động, cho vay,… để xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022.
2. Lập kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
Lập kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó làm rõ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài được phân bổ cho chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp và vốn đối ứng của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đối với các chương trình, dự án hỗn hợp (cả cấp phát và cho vay lại) phải làm rõ mức vốn cấp phát và cho vay lại..
Trong điều kiện nguồn vốn ODA giảm, với mức ưu đãi thấp hơn trước, cần phải rà soát chặt chẽ, thận trọng kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo các nguyên tắc sau:
- Các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2022 theo thứ tự ưu tiên: dự án kết thúc Hiệp định trong năm 2022 không có khả năng gia hạn Hiệp định, dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022, dự án mới đã ký Hiệp định và có khả năng giải ngân trong năm 2022.
- Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.
- Đối với các dự án Ô có cơ cấu hỗn hợp (bao gồm dự án thành phần ở trung ương do các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan chủ quản quản lý, thực hiện và dự án thành phần ở địa phương do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản quản lý, thực hiện), cơ quan chủ quản dự án Ô (bộ, cơ quan trung ương) rà soát, phân khai nguồn vốn nước ngoài theo tiến độ; cơ quan chủ quản dự án thành phần/địa phương cân đối trong dự toán ngân sách địa phương năm 2022 phù hợp với khả năng giải ngân của dự án.
3. Lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; dự kiến lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án và nguồn lực đối với từng chương trình trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025; chi tiết kinh phí đầu tư, thường xuyên, cơ chế phân cấp thực hiện, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm cơ sở để bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương là chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, trong đó dự kiến vốn theo cơ cấu nguồn, theo từng dự án thành phần thuộc chương trình và nhu cầu đầu tư từ ngân sách trung ương. Việc lập kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia phải phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước năm 2022.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ vào khả năng từng nguồn thu cụ thể, xây dựng kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo các nội dung dưới đây:
a) Dự kiến kế hoạch từng nguồn thu cụ thể của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật, căn cứ pháp lý để lại các khoản thu này.
b) Trên cơ sở dự kiến kế hoạch các khoản thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến số vốn để lại cho đầu tư và dự kiến phương án phân bổ chi tiết theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các mục tiêu, nhiệm vụ quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nếu có) đối với từng nguồn thu cụ thể.
c) Dự kiến phương án phân bổ cụ thể đối với từng nguồn vốn theo các nguyên tắc quy định tại Mục 1 trên đây và phù hợp với khả năng thu năm 2022.
5. Báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022
Căn cứ mục tiêu, chiến lược của từng ngành, từng địa phương; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối nguồn vốn trong kế hoạch năm 2022, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo các nội dung sau:
a) Định hướng đầu tư công trong năm 2022
b) Dự kiến nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo từng nguồn vốn.
c) Dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển ngoài nguồn vốn đầu tư công.
d) Các thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong việc cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư trong năm 2022 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
đ) Các đề xuất, kiến nghị và các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và dự kiến các kết quả đạt được.
III. TIẾN ĐỘ LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022
Căn cứ các quy định tại Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 và các nội dung hướng dẫn tại văn bản này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo tiến độ sau:
1. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo các hướng dẫn nêu trên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 năm 2021.
2. Trước ngày 15 tháng 8 năm 2021, trên cơ sở dự kiến khả năng thu, chi ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 dự kiến phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
(Chi tiết mẫu biểu báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022 được đăng tải trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công để báo cáo).
Trên đây là nội dung hướng dẫn đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn này, hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và tình hình, đặc điểm cụ thể của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đúng thời gian quy định để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.