BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4857/BGDĐT-GDCTHSSV |
Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và đào tạo; |
Thực hiện Thông báo số 342/TB-VPCP ngày 23/7/2024 của Văn phòng Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý III năm 2024; căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (HSSV); Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) yêu cầu các Sở GDĐT; các đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng sư phạm (gọi chung là các đơn vị) tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
I. Đối với công tác giáo dục an toàn giao thông
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HSSV; tăng cường hướng dẫn HSSV chấp hành các quy định tham gia giao thông an toàn khi điều khiển phương tiện; phối hợp tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực trường học.
2. Thực hiện hiệu quả các Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục[1].
3. Tuyên truyền, vận động cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và HSSV thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, cụ thể: “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”...; tuân thủ các quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn khi ngồi trên phương tiện đường thủy nội địa...
4. Các sở giáo dục và đào tạo: (1) chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vào đầu năm học 2024 - 2025; (2) chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn có hợp đồng xe ô tô đưa, đón trẻ mầm non, học sinh đi học phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.
5. Các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng sư phạm: lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho sinh viên qua Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên đầu năm học 2024 - 2025; quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia hỗ trợ về giao thông trong dịp đón tiếp sinh viên mới nhập học để tránh gây ùn tắc tại các đầu mối giao thông trên địa bàn.
6. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2024 và “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường - Tháng 9”.
II. Đối với công tác phòng, chống ma túy
1. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT trong năm 2024[2].
2. Tổ chức phát động HSSV nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy đầu năm học 2024 - 2025, với chủ đề “Trường học không có ma túy”.
3. Tổ chức cho HSSV ký cam kết với nhà trường: “Không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy hoặc xúi giục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào”.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, HSSV và các bậc cha mẹ, trọng tâm là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn qua hệ thống website, phát thanh, mạng xã hội; các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt câu lạc bộ... của nhà trường.
III. Đối với công tác phòng, chống bạo lực học đường
1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành Giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng cung cấp thông tin về các học sinh có nguy cơ bạo lực học đường, báo cáo vụ việc trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
2. Thực hiện lồng ghép tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong môn học giáo dục công dân, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác, trong đó các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng và triển khai sử dụng các tài liệu giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường để cán bộ, giáo viên, gia đình học sinh và học sinh tham khảo sử dụng.
3. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh; triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn học đường cho học sinh.
4. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái - Tôn trọng - Trách nhiệm - Hợp tác - Trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình; phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
5. Chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
6. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm...
7. Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị thực nghiêm túc, hiệu quả các nội dung trên; báo cáo kết quả triển khai đầu năm học 2024 - 2025 về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên) trước ngày 30/9/2024.
Địa chỉ liên hệ: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên). Địa chỉ: Số 35 đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (đồng chí Nguyễn Việt Hà, số điện thoại: 0912.446.933; địa chỉ email: hanv@moet.gov.vn)./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an với Bộ GDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025; Chương trình phối hợp số 415/CTPH/UBATGTQG-BGDĐT ngày 09/9/2019 giữa Bộ GDĐT và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học cho HSSV giai đoạn 2019 - 2024.
[2] Quyết định số 633/QĐ-BGDĐT ngày 07/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025; Kế hoạch số 243/KH-BGDĐT ngày 11/3/2024 triển khai Chương trình công tác về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong ngành Giáo dục năm 2024; Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BCA-BGDĐT ngày 22/01/2024 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.