BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4742/BYT-VPB1 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri kiến nghị xem xét, nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, cụ thể: (1) kiến nghị đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế nhiều và tốt hơn; (2) thực hiện đẩy nhanh việc chuyển đổi số; (3) ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế; (4) nghiên cứu, ban hành một cơ chế thật thuận lợi, nhanh chóng, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
1.1 Về việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế nhiều và tốt hơn.
Việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế Cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý, trong khi ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế tại địa phương sẽ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, dựa trên đề nghị của Sở Y tế. Để tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người dân, đề nghị các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí vốn địa phương, đồng thời kêu gọi các nguồn lực quốc tế và nguồn vốn xã hội hóa. Đối với các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ Y tế sẽ phối hợp và có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan khi được yêu cầu, nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế cho người dân được triển khai hiệu quả và đúng tiến độ.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế (trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương và đơn vị của Bộ Y tế) để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Ngày 08/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 202/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã-hội, Bộ Y tế đã phân bổ nguồn vốn cho các dự án nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế tại các đơn vị, địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15; Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-BYT ngày 22/01/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ; và thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BYT ngày 02/5/2024 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính, phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW. Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
1.2 Về việc thực hiện đẩy nhanh việc chuyển đổi số.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của chính phủ, Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/2/2023 về Chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đã triển khai Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 05/04/2023 cùng nhiều văn bản liên quan, nhằm định hướng và điều phối các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
1.2.1 Định danh công dân trong khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu
Hiện nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam đạt 93,35%, mỗi năm có tới 170 triệu lượt khám bệnh ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 60% và 17 triệu lượt điều trị nội trú, trong đó người bệnh bảo hiểm y tế chiếm 80%. Dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phục vụ thanh quyết toán, và một số loại giấy tờ phục vụ dịch vụ công trực tuyến như giấy khám sức khoẻ lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử đã được liên thông thường quy qua hạ tầng công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay 84,7 triệu căn cước công dân đã được cấp cho 100% công dân Việt Nam đủ điều kiện; đã cấp 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân. ứng dụng VNeID đã được tích hợp nhiều loại giấy tờ, dịch vụ như: giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, thông tin bảo hiểm xã hội, thông tin cư trú của công dân. Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay tỷ lệ đồng bộ giữa số Căn cước công dân và số định danh cá nhân với số thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 94%. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tích hợp dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau dựa trên số định danh cá nhân và số căn cước công dân hình thành sổ sức khoẻ điện tử toàn dân, mở ra một chương mới cho kỷ nguyên chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Để đạt được những nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Công an để tích hợp dữ liệu người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử với ứng dụng định danh điện tử nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử thông qua việc triển khai sổ sức khỏe điện tử toàn dân VNeID dựa trên dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người bệnh và hệ thống y tế.
Ngày 31/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT về ban hành các trường thông tin sức khoẻ VNeID thí điểm tại thành phố Hà Nội. Ngày 25/1/2023, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) đã ban hành văn bản số 130/KCB-QLCL&CĐT xin góp ý dự thảo Quyết định ban hành các trường thông tin sức khoẻ cá nhân hiển thị trên VNeID triển khai toàn quốc. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm tại thành phố Hà Nội và các ý kiến của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện và ban hành văn bản để triển khai thống nhất trên toàn quốc sử dụng Sổ sức khoẻ trên VNeID.
1.2.2. Bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh từ xa
Các tiêu chí về chức năng của bệnh án điện tử đã được quy định tại nhóm tiêu chí về phần mềm bệnh án điện tử tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về Bộ Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định các nội dung về hồ sơ bệnh án điện tử tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử.
Đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đã có Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện nay, triển khai Đề án 06/CP, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 31/10/2023 quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đối với nội dung tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa, hiện nay Điều 87 và Điều 88 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể. Cùng với đó Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BYT ngày 30/12/2023 quy định danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 quy định hoạt động y tế từ xa; Quyết định số 28/QĐ-BYT ngày 05/01/2021 ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hoạt động y tế từ xa với các nội dung kỹ thuật công nghệ thông tin tương đối đầy đủ để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện để triển khai; Công văn số 7946/BYT-KCB ngày 12/12/2023 về việc hướng dẫn khám chữa bệnh (KCB) từ xa tại tuyến y tế cơ sở.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý dữ liệu y tế, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2024.
1.3 Về việc ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế đang triển khai nghiên cứu, xây dựng các văn bản về chế độ chính sách đối với cán bộ viên chức ngành y tế như: (1) Nghị định về xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng, chống dịch, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 11 năm 2024.
Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng các văn bản thu hút đội ngũ nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế góp phần hoàn thiện các chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.
1.4 Về việc nghiên cứu, ban hành một cơ chế thật thuận lợi, nhanh chóng, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Triển khai các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn[1] và mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc qua mạng, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thiết kế phần mềm đấu thầu thuốc trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và thuận tiện cho các đơn vị trong công tác tổ chức đấu thầu thuốc.
2. Cử tri phản ánh, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; dẫn đến việc người dân phải chịu chi phí khám chữa bệnh rất cao và phải mua thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân, gây tốn kém và khó khăn cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế. Cử tri kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trong thời gian vừa qua, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như Albumin, Globulin...; bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...). Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Ngày 27/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã được ban hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Bộ Y tế thấy rằng việc ban hành Thông tư hướng dẫn đối với Nghị định số 24/2024/NĐ-CP là vô cùng cần thiết để các đơn vị, địa phương có cơ sở pháp lý cụ thể, thống nhất và đồng bộ trong thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm.
Theo đó, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn chi tiết, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn bao gồm: (1) Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; (2) Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; (3) Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; (4) Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Các Thông tư này giúp Các bệnh viện và cơ sở y tế có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế.
Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện; triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm: (1) Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như: Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc hội về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024[2]; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. (2) Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành[3]. (3) Phối hợp với các tổ chức quốc tế: Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để viện trợ một số loại thuốc rất hiếm. (4) Bộ Y tế cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng. Việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
3. Cử tri kiến nghị cần nghiên cứu, có biện pháp tăng cường công tác quản lý việc y bác sĩ thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không đảm bảo giấy phép hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước, cũng như không đảm bảo an toàn, tốn kém cho người đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở này.
Khi tham gia cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì các cơ sở phải được cấp phép hoạt động, các y, bác sĩ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đồng thời, phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngành Y tế thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về giấy phép hành nghề, hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép hoặc không đảm bảo an toàn cho người bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoạt động quản lý và giám sát công tác khám, chữa bệnh tại Việt Nam được thực hiện theo cơ chế phân cấp và phân quyền rõ ràng giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Bộ Y tế chịu trách nhiệm ban hành các quy định, hướng dẫn chung và kiểm tra việc tuân thủ pháp luật tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Đồng thời, các Sở Y tế địa phương được phân cấp quyền quản lý trực tiếp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, đảm bảo việc thực thi pháp luật, giám sát chất lượng dịch vụ y tế, và xử lý các vi phạm tại địa phương. Việc phân cấp này giúp nâng cao tính chủ động của các địa phương trong việc quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan chức năng địa phương nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tế.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.
4. Cử tri phản ánh, hiện nay, tình trạng hút thuốc lá điện tử đang diễn ra phổ biến và tràn lan trong các cấp học sinh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và việc học tập của học sinh. Cử tri kiến nghị cần xem xét, có chính sách nghiêm cấm việc bán thuốc lá điện tử cho học sinh; đồng thời, có giải pháp hạn chế việc nhập thuốc lá điện tử vào Việt Nam, cũng như có chế tài xử lý mạnh đối với các đơn vị cung cấp, buôn bán thuốc lá điện tử trái phép.
Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Bán Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng Khoá XII Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đều đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030[4].
Hiện nay đang có khoảng trống pháp lý đối với sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chưa có khái niệm rõ về các sản phẩm mới này. Luật Đầu tư cũng chưa quy định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá mới khác thuộc Danh mục cấm đầu tư kinh doanh hay danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện đang trở nên phổ biến, đặc biệt là trong nhóm tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Sự gia tăng sử dụng sản phẩm này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà còn tạo ra những hệ lụy xã hội phức tạp. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có thể chứa nhiều chất gây nghiện và độc hại, có nguy cơ gây tổn thương phổi, tim mạch, và đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới chỉ bắt giữ, xử lý các sản phẩm này dưới hình thức kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, sản phẩm nhập lậu. Một số vụ việc đã xử lý hình sự nhưng chỉ khi phát hiện có chất ma tuý, chất cấm.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết để khắc phục bất cập và hạn chế nêu trên. Quốc hội cũng đã có chỉ đạo Chính phủ sớm có kế hoạch sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2025. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ. Do vậy, Bộ Y tế đã có Báo cáo số 626/BC-BYT ngày 22/5/2024 đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai[5], cần phải quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan vì nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo cơ hội cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tổng hợp để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định phù hợp với tình hình thực tế và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
|
BỘ TRƯỞNG |
[1] (1) Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; (2) Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; (3) Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gội thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; (4) Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Các Thông tư này giúp các bệnh viện và Cơ sở y tế có Cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế.
[2] Thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024, với tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn lên đến 13.202 (bao gồm 10.301 thuốc trong nước, 2.656 thuốc nước ngoài, và 245 vắc xin, sinh phẩm)
[3] Trong năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã cấp trên 11.000 đơn hàng nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cấp mới/gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 8.048 thuốc
[4] Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, khuyến cáo của WHO, SEATCA và gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 nước trong khu vực ASEAN quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia
[5] Giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác; quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.