BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4717/BYT-VPB1 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Đề nghị có chính sách hỗ trợ để tăng lượng thuốc có giá trị cao cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc.
1.1 Về chính sách hỗ trợ để tăng lượng thuốc có giá trị cao cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, mua sắm và cung ứng thuốc[1]; trong đó Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, giúp tối ưu hóa chi phí và đảm bảo chất lượng thuốc, hướng dẫn triển khai hình thức đàm phán giá đối với một số loại thuốc có giá trị cao để đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung Thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.
1.2 Về việc tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc.
Trong thời gian qua, các cơ sở kinh doanh thuốc đã phát triển thành một hệ thống cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế và người bệnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh trên toàn quốc, đặc biệt trong các tình huống thiên tai và dịch bệnh. Đa số các cơ sở kinh doanh dược phẩm tuân thủ đầy đủ các quy định chuyên môn theo các văn bản pháp luật về dược.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở vi phạm các quy định như sản xuất thuốc không đạt chất lượng, kinh doanh ngoài phạm vi cho phép, bán thuốc cho khách hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược hoặc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Những vi phạm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh thuốc mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh thuốc đang chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở kinh doanh. Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đóng vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về dược. Hàng năm, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm, tập trung vào các nội dung có nguy cơ vi phạm cao và những vấn đề được xã hội quan tâm. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh có nhiều hoạt động hoặc có nguy cơ vi phạm.
Trong năm 2023, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã: (1) Tiến hành kiểm tra tại 60 cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và các cơ quan quản lý về dược. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực, việc kiểm tra toàn diện trên toàn quốc vẫn gặp khó khăn; (2) Thường xuyên đôn đốc Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
2. Cử tri phản ánh hiện nay các bệnh viện tuyến đầu đều quá tải, có tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ hành chính, làm ảnh hưởng đến người bệnh. Đề nghị quan tâm công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với ngành y tế, nhằm khắc phục bất cập trên.
Để từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản[2] và thực hiện một số Đề án như: (1) Bệnh viện vệ tinh[3] giúp các kíp chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân tới các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới; (2) Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 - 2020[4]; (3) Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn[5].
Ngành Y tế trên toàn quốc đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cơ bản nêu trên cũng như đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều khoa, phòng, bệnh viện, từng bước giảm quá tải tại các chuyên khoa trọng điểm và các chuyên khoa khác nói chung, đến nay đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Số bệnh viện trên toàn quốc đã tăng hơn 16% từ 1.415 bệnh viện vào năm 2014 lên 1.643 bệnh viện tính đến năm 2023.
- Tổng số giường bệnh thực kê năm 2022 là 409.244 giường bệnh tăng hơn 41% so với năm 2014 là 288.496.
- Công suất sử dụng giường bệnh thực kê toàn quốc năm 2022 là 95,5%; trong đó công suất sử dụng của các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 100% vào năm 2014 xuống còn 80% vào năm 2022; trong khi đó công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh tăng từ 92% vào năm 2014 lên 129% vào năm 2022.
Như vậy, với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục các giải pháp đồng bộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu khắc phục triệt để quá tải bệnh viện tại các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt với các chuyên khoa còn quá tải trong năm và các thời điểm. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường, thực hiện các giải pháp và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
|
BỘ TRƯỞNG |
[1] (1) Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; (2) Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc. Thông tư này cung cấp các quy định chi tiết về việc lập danh mục mua sắm tập trung và các thủ tục cần thiết để thực hiện mua sắm thuốc theo hình thức tập trung cấp quốc gia. (3) Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá. Thông tư này nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc đàm phán giá và lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu liên quan đến thuốc, thiết bị y tế và vật tư xét nghiệm. (4) Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư này hướng dẫn cụ thể về quy trình đấu thầu, các bước thực hiện và các yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức đấu thầu thuốc.
[2] - Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, trước tiên tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của hai Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời giảm quá tải đối với các chuyên khoa khác với các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện.
- Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở
[3] Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013.
[4] Quyết định số 5168/QĐ-BYT ngày 24/8/2018.
[5] Quyết định số 1718/QĐ-BYT ngày 10/5/2019.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.