BỘ KHOA HỌC VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/BKHCN-VP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn
Sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn. Bộ KH&CN xin trả lời như sau:
Nội dung kiến nghị số 1: Theo quy định hiện hành của Luật năng lượng nguyên tử và Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 của Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử thì đối với các thiết bị phóng xạ bị hỏng hoặc nguồn phóng xạ không còn nhu cầu sử dụng thì phải lưu giữ tại kho, tuy nhiên, nhiều trường hợp là các đơn vị đã phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ, trong khi phí lưu kho lớn nên các đơn vị thường không gửi lưu kho. Do vậy, đề nghị Bộ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết về việc xử lý nguồn phóng xạ khi các cơ sở không còn nhu cầu sử dụng sử dụng nguồn phóng xạ theo hướng: Ngay từ khi mua nguồn phóng xạ, cần kèm theo kinh phí bảo lãnh bằng mức phí phải gửi lưu kho hoặc thu ngay một khoản phí lưu kho.
Trả lời:
Khoản 8, Điều 25 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 của Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định: “Trường hợp nhập khẩu nguồn phóng xạ kín, phải có cam kết trả lại nguồn cho nhà sản xuất khi không có nhu cầu sử dụng hoặc bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc xử lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng”. Vì vậy, các đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu nguồn phóng xạ kín đều phải có cam kết xử lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng bằng văn bản. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành (Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành) chưa có quy định liên quan đến bảo lãnh, quỹ quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử, trình Chính phủ trong năm 2024. Theo đó, Bộ KH&CN tiếp nhận ý kiến của cử tri tỉnh Bắc Kạn và sẽ xem xét kiến nghị của cử tri trong quá trình sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản về phí, lệ phí có liên quan.
Nội dung kiến nghị số 2: Về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa: Việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia chưa hoàn thiện; chưa có quy định về kinh phí để thực hiện triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc; chưa có hướng dẫn cụ thể để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đề nghị Bộ nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc để địa phương có căn cứ tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ.
Trả lời:
Ngày 21/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường (Nghị định số 13/2022/NĐ-CP), trong đó bổ sung quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa.
Triển khai thực hiện Nghị định số 13/2022/NĐ-CP, Bộ KH&CN đang xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết việc quản lý nhà nước về TXNG sản phẩm, hàng hóa, trong đó các giải pháp, nội dung chính của dự thảo Thông tư tập trung vào việc quy định: (i) Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; (ii) hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; (iii) trách nhiệm quản lý về TXNG của bộ, ngành và địa phương; (iv) trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng TXNG sản phẩm, hàng hóa trên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giải pháp TXNG sản phẩm, hàng hóa. Bộ KH&CN dự kiến hoàn thiện, ban hành Thông tư nêu trên trong Quý IV/2023.
Nội dung kiến nghị số 3: Về thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp: Hiện nay chưa có quy định về công tác quản lý tài chính đối với việc triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Đề nghị ban hành quy định về quản lý tài chính đối với công tác đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Trả lời:
Theo quy định tại Mục III Điều 1 Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996), thì việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của Đề án áp dụng theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan (Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn). Cụ thể như sau:
- Đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước thuộc Đề án 996:
Áp dụng nội dung định mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành các Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015. Theo đó, ngày 10/01/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN (thay thế một số điều, khoản của Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC). Đối với các Thông tư do Bộ KH&CN chủ trì xây dựng, Bộ KH&CN đang xây dựng, hoàn thiện và dự kiến ban hành trong năm 2023.
- Đối với các nhiệm vụ khác thuộc Đề án 996 không phải là nhiệm vụ KH&CN:
Áp dụng các quy định hiện hành về chế độ chi tiêu của Nhà nước (riêng đối với nội dung chi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ).
Nội dung kiến nghị số 4: Đối với việc cấp phép, gia hạn giấy phép trong sử dụng thiết bị X-quang trong y tế..., cơ quan chức năng ở địa phương còn gặp khó khăn khi thẩm định hồ sơ cấp phép trong trường hợp chứng chỉ đào tạo, giấy chứng nhận kiểm định hiệu chuẩn thiết bị trong hồ sơ xin cấp phép gần hết hạn. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Y tế rà soát Thông tư liên tịch số 13/2 014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/6/2014 Quy định về công tác đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế, trong đó quy định thời gian kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, thời gian đào tạo lại, bổ sung chuyên môn sâu và thời gian hiệu lực của giấy phép cho thống nhất, phù hợp.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 142/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X - quang chuẩn đoán trong y tế gồm 11 thành phần hồ sơ, trong đó có: (1) Bản sao Chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn; (2) Bản sao Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ của nhân viên bức xạ; (3) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán y tế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 142/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ như sau: “Các loại văn bằng, chứng chỉ hoặc các loại giấy tờ khác có quy định thời hạn phải còn hiệu lực ít nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận”.
Như vậy, Giấy kiểm định thiết bị X-quang chuẩn đoán y tế và Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế là thành phần hồ sơ bắt buộc khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X - quang chuẩn đoán y tế) và phải còn hiệu lực ít nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận.
Việc kiểm định thiết bị X - quang chuẩn đoán y tế được thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT, cơ sở y tế phải thực hiện việc kiểm định đối với các thiết bị bức xạ được sử dụng tại cơ sở mình như sau: “Định kỳ một năm một lần đối với thiết bị xạ trị, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X - quang tăng sáng truyền hình và định kỳ hai năm một lần đối với các thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế khác kể từ ngày đưa vào sử dụng”.
Việc đào tạo an toàn bức xạ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT, cơ sở y tế có trách nhiệm đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế: “Định kỳ ít nhất 03 năm một lần tổ chức đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ y tế”.
Do vậy, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X - quang chuẩn đoán y tế), cơ quan chức năng tại địa phương phải thực hiện rà soát kỹ lưỡng thành phần hồ sơ, đảm bảo tất cả các loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ có quy định thời hạn (chứng nhận kiểm định, chứng nhận hiệu chuẩn thiết bị, chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ) phải còn hiệu lực ít nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận theo quy định.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ KH&CN đối với ý kiến của cử tri tỉnh Bắc Kạn. Bộ KH&CN xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri tỉnh Bắc Kạn đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian tới./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.