BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4600/BTC-TCDN |
Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2023 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ; |
Để đảm bảo triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và Thông tư số 77/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2015/TT-BTC ; Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan đại diện chủ sở hữu) một số nội dung sau:
1. Về việc thực hiện các báo cáo:
Căn cứ quy định tại Điều 12, Điều 31, Điều 35 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; Căn cứ Quyết định số 408/QĐ-BTC ngày 20/03/2023 của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phát sinh trong năm 2022; Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi báo cáo về Bộ Tài chính đảm bảo đầy đủ nội dung và đúng thời hạn như sau:
- Báo cáo kết quả giám sát tài chính năm 2022 trước ngày 31/05/2023.
- Công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp năm 2022 đối với các doanh nghiệp trước ngày 30/06/2023.
- Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2022 trước ngày 31/5/2023.
2. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu lưu ý một số nội dung khi thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP như sau:
2.1 Về nội dung giám sát tính hiệu quả của dự án và tính hiệu quả của nguồn vốn huy động, sử dụng cho các dự án
Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP quy định giám sát việc huy động và sử dụng vốn huy động, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Tại khoản 2.b Điều 5 Thông tư số 200/2015/TT-BTC đã hướng dẫn các nội dung giám sát cụ thể: “Tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động: Doanh nghiệp báo cáo giám sát theo các nội dung sau: + Tổng số vốn đã huy động trong kỳ báo cáo và lũy kế đến kỳ báo cáo, trong đó: phát hành trái phiếu, vay của các tổ chức tín dụng, vay của các tổ chức và cá nhân khác. + Tình hình sử dụng vốn huy động, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi hoạt động sản xuất kinh doanh, chi mục đích khác … ...”
Do vậy, đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ các quy định nêu trên, hồ sơ dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đánh giá hiệu quả của dự án và hiệu quả của nguồn vốn huy động sử dụng cho dự án đầu tư.
2.2 Về việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Theo quy định:
- Tại khoản 1.d Điều 12 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm “Xác định chỉ tiêu giám sát tài chính đặc thù (nếu có) đối với từng doanh nghiệp trong từng thời kỳ phù hợp với hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp
- Tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp gồm 05 tiêu chí: “(1) Doanh thu; (2) Lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; (3) Nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn; (4) Chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; (5) Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích”.
- Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, các yếu tố được loại trừ khi thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bao gồm:
“- Do nguyên nhân khách quan như: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác;
- Do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng;
- Do Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp hoặc phải thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”
Tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu “giao các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Các chỉ tiêu này phải giao cho doanh nghiệp bằng văn bản trước ngày 30 tháng 4 của năm kế hoạch và không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn)”.
Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiên cứu các quy định nêu trên để triển khai thực hiện. Trường hợp phát sinh các yếu tố tác động quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc loại trừ khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
2.3 Về đánh giá kết quả hoạt động của Người quản lý doanh nghiệp (quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP)
Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó quy định cụ thể nội dung đánh giá (bao gồm các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP), trình tự, thủ tục, đánh giá và thời điểm đánh giá. Do vậy, đề nghị Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của Người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP và Nghị định số 87/2015/NĐ-CP .
2.4 Về giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp
Tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP quy định nội dung giám sát: “Giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Ngày 13/06/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Do vậy, đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện giám sát “chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp”.
2.5 Về xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không thực hiện chế độ giám sát theo quy định
Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quy định tại Điều 47 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8140/VPCP-ĐMDN ngày 03/08/2017 để triển khai thực hiện (công văn này đã gửi các cơ quan đại diện chủ sở hữu).
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp công tác của Quý cơ quan.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.