BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4580/BCT-CN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về việc quy định về các biện pháp phòng dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất, làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế của đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da - giày, điện tử... trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chế biến nông sản, thực phẩm chế biến các thực phẩm thiết yếu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tính chất mùa vụ cũng như hạn sử dụng ngắn hạn, kéo theo sự khó khăn nghiêm trọng của các doanh nghiệp và nông dân ngành chăn nuôi và nông nghiệp.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng hơn 11,3 triệu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành nghề liên quan.
Nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian vừa qua chủ yếu do nhiều cấp chính quyền còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng lao động trong các ngành vận tải và logistics trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh. Để thực hiện ‘‘mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, cửa khẩu...) đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tuyến đầu chống dịch...). Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu và phát triển kinh tế.
Do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm văc-xin. Từ đó, dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian trước mắt phải là đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu... Hiện nay, chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định hàng hóa là nguồn lây nhiễm dịch Covid-19. Do đó nếu giải quyết được việc ưu tiên tiêm văc-xin cho các đối tượng nêu trên tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì việc lưu chuyển hàng hóa sẽ được bảo đảm.
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics - đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên (nếu các địa phương chưa đưa các đối tượng này là đối tượng ưu tiên) tiêm văc-xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch (tại điểm b mục 3 phần III (đối tượng tiêm) của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế) nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
2. Chỉ đạo cơ quan y tế địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm văc-xin cho các đối tượng nêu trên.
Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.