BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
4499/BGDĐT-GDĐH |
Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các đại học, học viện, trường đại
học; |
Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19; Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19 và tiếp tục đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo và Kết luận của Bộ trưởng Bộ GDĐT tại Thông báo số 925/TB-BGDĐT ngày 15/9/2021, Bộ GDĐT đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022 với các nội dung chủ yếu như sau:
1.1. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013; triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo sự hội nhập quốc tế.
1.2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học nói chung và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học nói riêng. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; nâng cao nhận thức của toàn hệ thống về tự chủ đại học; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh công tác hậu kiểm.
1.3. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn cho giảng viên, sinh viên và người lao động, tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với kiểm soát dịch bệnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu tư vấn chính sách khôi phục kinh tế, quản trị xã hội, giải quyết việc làm và những tác động của dịch bệnh tới con người, xã hội. Các cơ sở đào tạo cần đi trước và phục vụ đắc lực vào việc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
2.1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19
a) Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương xây dựng các kịch bản, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người học, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong nhà trường.
b) Xây dựng các giải pháp hỗ trợ người học, giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người học, giảng viên, cán bộ, người lao động của cơ sở đào tạo.
2.2. Phát triển hệ thống giáo dục đại học và sư phạm
a) Tập trung nguồn lực đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
b) Các cơ sở đào tạo có các ngành đào tạo giáo viên tích cực, chủ động làm việc với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
2.3. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học
a) Thực hiện rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, hoạt động của hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường của các cơ sở GDĐH. Đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến tự chủ đại học.
b) Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ để thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường; giải phóng tính năng động, khả năng sáng tạo và sự đóng góp của mỗi giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị và vận hành cơ sở GDĐH.
c) Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch thông tin theo quy định để người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và chất lượng; kịp thời báo cáo, phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai tự chủ tới các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
d) Tổ chức đánh giá kết quả triển khai tự chủ đại học; xác định rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, các bài học kinh nghiệm để thực hiện tự chủ ngày càng hiệu quả.
2.4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ sinh viên
a) Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT; các cơ sở đào tạo chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi; tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở GDĐH và trung tâm khảo thí độc lập.
b) Cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.
c) Xây dựng và triển khai kế hoạch năm học đảm bảo tính chủ động, linh hoạt; xây dựng các kịch bản tương ứng với các điều kiện khách quan của dịch COVID-19 nơi cơ sở đào tạo đặt trụ sở và bảo đảm các nguồn lực để kích hoạt các kịch bản khi cần thiết.
d) Tăng cường đổi mới và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động đào tạo, dạy học và tự học; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, phát triển nguồn học liệu điện tử, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về các kỹ năng cần thiết về dạy học trực tuyến, bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến; phát triển các mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh.
đ) Tăng cường hướng dẫn, nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng đối mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Chủ động nắm bắt thông tin, có phương án hỗ trợ hoặc đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên, cán bộ, người lao động, đặc biệt là các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
2.5. Đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục
a) Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2019-2030 để tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo.
b) Chú trọng thực hiện việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo; rà soát việc ban hành hệ thống văn bản nội bộ để quản lý, tổ chức, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục và thực hiện việc duy trì, phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
c) Tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh; rà soát các chương trình đào tạo của nhà trường theo yêu cầu của chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH và chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực.
d) Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá; kết quả kiểm định chất lượng là cơ sở để cơ sở đào tạo đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng liên tục đối với các chương trình đào tạo.
đ) Các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Quyết định số 2622/QĐ-BGDĐT ngày 16/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025” trong giai đoạn 2021-2025; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Thông báo số 1684/TB-BGDĐT ngày 28/12/2020 của Bộ GDĐT về kết luận của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2011-2020.
2.6. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế
a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; đẩy mạnh đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm theo lĩnh vực ưu tiên.
b) Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chú trọng phát triển các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và nghiên cứu các chính sách khôi phục kinh tế, phát triển giáo dục, quản trị xã hội trong và sau thời kỳ COVID.
c) Các cơ sở đào tạo tập trung rà soát vấn đề liêm chính học thuật, đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch theo thông lệ quốc tế. Xây dựng công cụ để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hành vi đạo văn, gian lận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
d) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; tăng cường thu hút đầu tư, tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực GDĐH; kết nối các cơ sở GDĐH của Việt Nam với các cơ sở GDĐH uy tín của nước ngoài; thu hút chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài hợp tác và làm việc tại các cơ sở GDĐH của Việt Nam. Tích cực hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi học thuật, nâng cao năng lực và chất lượng GDĐH, hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế. Nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài của các chương trình học bổng hiệp định, chương trình, đề án của Chính phủ và các chương trình học bổng hỗ trợ của Chính phủ nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý đối với giảng viên được cử đi học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật ở nước ngoài; chủ động xây dựng các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các cơ sở giáo dục nước ngoài; chủ động, tích cực triển khai các hoạt động để nâng cao số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
2.7. Chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học
a) Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở đào tạo, làm trụ cột cho chuyển đổi số quốc gia và hỗ trợ hệ thống giáo dục phổ thông thực hiện chuyển đổi số; nhanh chóng triển khai, nâng cao hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học; tăng cường hợp tác, cùng xây dựng và chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong GDĐH, khai thác hiệu quả các ưu điểm trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập; khuyến khích, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hoá của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đào tạo trực tuyến.
c) Cơ sở đào tạo nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong nhà trường giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Đề án chuyển đổi số của Bộ GDĐT và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo; trước mắt ưu tiên đầu tư công nghệ cho quản trị nhà trường và dạy học trực tuyến; đảm bảo tích hợp với các chuẩn dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập trong nhà trường.
2.8. Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng và thanh tra, kiểm tra
a) Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022”; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025; phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; tổ chức triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm học 2021-2022 và bình xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân bảo đảm khách quan, công bằng.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tích hợp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình hoạt động đào tạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tăng cường các hoạt động giám sát kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.
2.9. Tăng cường truyền thông giáo dục đại học
a) Chủ động đẩy mạnh truyền thông về GDĐH; đặc biệt là tuyên truyền để xã hội nhìn nhận đầy đủ về vai trò, sứ mạng và những đóng góp của GDĐH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, các tấm gương điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ GDĐT với các cơ sở đào tạo trong hoạt động truyền thông.
b) Tăng cường truyền thông, tư vấn về ngành, nghề đào tạo của nhà trường; đặc biệt là các ngành có nhu cầu nhân lực cao nhưng không tạo sức hút với người học; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông về nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ các quy định hiện hành, văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, tình hình thực tiễn của địa phương và nhà trường, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ sở đào tạo phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học) để kịp thời giải quyết./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.