BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4019/BTC-TCDN |
Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2023 |
Kính gửi: Bộ Xây dựng.
Ngày 07/03/2023, Bộ Tài chính nhận được công văn số 741/BXD-KHTC ngày 02/03/2023 của Bộ Xây dựng về đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2021/TT-BTC. Ngoài ra, ngày 24/02/2023, Bộ Tài chính nhận được công văn số 75/TCT-TCKT ngày 20/02/2023 của Tổng công ty Sông Đà - CTCP và công văn số 186/ĐTKDV-ĐT2 ngày 13/02/2023 của TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gửi Bộ Xây dựng về đề nghị xem xét, miễn lãi chậm nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Quỹ). Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
I. Cơ sở pháp lý về thẩm quyền thực hiện rà soát, xác định nợ phải thu Quỹ và xử lý miễn lãi chậm nộp cho doanh nghiệp
1. Về đối tượng áp dụng: Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp quy định: Đối tượng áp dụng Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Căn cứ quy định nêu trên, SCIC là doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), không phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương.
2. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP , Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2022/TT-BTC hướng dẫn cụ thể các quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP. Theo đó, việc rà soát, xác định các khoản phải thu và xử lý miễn lãi chậm nộp về Quỹ được quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 57/2022/TT-BTC ; Cụ thể
2.1 Về trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp)
Tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ là cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương.
Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 57/2022/TT-BTC cũng quy định trách nhiệm rà soát các phải thu về Quỹ là cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương (phù hợp với quy định Nghị định số 148/2021/NĐ-CP) và hướng dẫn cụ thể “Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương chịu trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) đối với tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn”.
Về bản chất, việc quyết toán, xác định công nợ đối với doanh nghiệp cổ phần hóa (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa) là trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Căn cứ quy định và thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng (Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương) có trách nhiệm trong việc thực hiện rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ (bao gồm nợ gốc và lãi chậm nộp) tại doanh nghiệp do Bộ Xây dựng quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả khoản phải thu tại doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn)), tổng hợp, thông báo Bộ Tài chính để thu vào ngân sách trung ương theo quy định.
2.2 Về thẩm quyền quyết định xử lý miễn lãi chậm nộp cho doanh nghiệp
Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp.
Tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 57/2022/TT-BTC cùng quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định việc miễn lãi chậm nộp (phù hợp với quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP). Do số liệu về phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi bàn giao về SCIC và là cơ sở để ra quyết định miễn lãi chậm nộp; nên Thông tư số 57/2022/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương đối với trường hợp các doanh nghiệp đã được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Xây dựng với vai trò là Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương có trách nhiệm quyết định miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc trung ương, bao gồm:
+ Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC;
+ Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước) nhưng chưa phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 01/4/2022 trên cơ sở báo cáo, tổng hợp của SCIC.
- Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định miền lãi chậm nộp với doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn) và đã được Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 01/4/2022 trên cơ sở báo cáo, tổng hợp của SCIC.
II. Ý kiến của Bộ Tài chính:
1. Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Bộ Tài chính nhận thấy: Quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2022/TT-BTC không có sự khác nhau. Thông tư số 57/2022/TT-BTC chỉ hướng dẫn cụ thể các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP .
2. Như nội dung tại mục I nêu trên, các kiến nghị của Bộ Xây dựng về trách nhiệm rà soát, xác định các khoản nợ Quỹ và thẩm quyền xử lý miễn lãi chậm nộp đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2022/TT-BTC. Do vậy, đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, chủ trì phối hợp với SCIC xác định các khoản phải thu về Quỹ, xử lý miễn lãi chậm nộp cho doanh nghiệp theo quy định quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và Thông tư số 57/2022/TT-BTC .
3. Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy còn 05 doanh nghiệp chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần là Tổng công ty FICO, LILAMA, COMA, Sông Đà, Constrexim. Đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương phê duyệt quyết toán vốn để làm cơ sở ban hành Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần đối với 05 Tổng công ty nêu trên và xác định số phải nộp bổ sung về Quỹ, xử lý lãi chậm nộp theo quy định (nếu có). Nội dung này, Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đôn đốc Bộ Xây dựng thực hiện (công văn số 9050/BTC-TCDN ngày 16/9/2022, số 5404/BTC-TCDN ngày 08/6/2022, số 1951/BTC-TCDN ngày 01/03/2022, số 11651/BTC-TCDN ngày 12/10/2021, số 7385/BTC-TCDN ngày 06/7/2021, số 2694/BTC-TCDN ngày 17/3/2021, số 7777/BTC-TCDN ngày 13/06/2017,...).
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu để tổ chức thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.