BỘ
TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3823/BTP-TCTHADS |
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015 |
Kính gửi: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 18/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Để thống nhất nguyên tắc áp dụng và một số nội dung mới của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số vấn đề như sau:
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2015, được ban hành để thay thế Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP. Do đó, kể từ ngày 01/9/2015, không áp dụng các quy định tại 03 Nghị định được thay thế trên mà áp dụng quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trong hoạt động thi hành án dân sự.
- Đối với những việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong trước ngày 01/9/2015 nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận; các thủ tục thi hành án tiếp theo được thực hiện theo quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
- Đối với quy định tại các Thông tư, Thông tư liên tịch hiện hành không còn phù hợp với quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì không được áp dụng, mà áp dụng các quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để giải quyết; nếu Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chưa quy định thì cần chờ các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung để có căn cứ áp dụng; cần thiết thì tổng hợp, báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để được hướng dẫn cụ thể.
2. Hướng dẫn một số điểm mới của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
2.1. Về việc nhận lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 (Khoản 5 Điều 4)
Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn có trách nhiệm phải thụ lý, ra quyết định thi hành án mới, thống kê việc thi hành án là một việc mới và tổ chức việc thi hành án theo quy định. Trường hợp đương sự yêu cầu xác nhận về việc đã trả đơn thì cơ quan thi hành án dân sự đã trả đơn có trách nhiệm xác nhận cho đương sự.
2.2. Về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 9)
- Nghị định đã bổ sung quy định người phải thi hành án có trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản được thực hiện khi Chấp hành viên tiến hành xác minh. Chấp hành viên lập biên bản xác minh và nêu rõ trong biên bản xác minh việc đương sự kê khai hoặc không kê khai.
- Đối với trường hợp kết quả xác minh trong các việc thi hành án theo yêu cầu cho thấy người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Khi người được thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án để có căn cứ tổ chức thi hành.
- Đối với việc xác minh chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng. Tại các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 08/2015/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, loại việc này được thống kê vào mục “Chưa có điều kiện thi hành án” và khi xác định được người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án ra Quyết định tiếp tục thi hành án để tổ chức thi hành.
2.3. Về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án cho người thứ ba (Khoản 2 Điều 15)
Khi thực hiện Khoản 4 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định việc chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án theo nguyên tắc:
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án phải đúng quy định của Bộ luật Dân sự và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của người chuyển giao, người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án.
Đối với trường hợp tổ chức tín dụng đã bán nợ cho Công ty mua bán nợ (VAMC) thông qua hợp đồng mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 05/4/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP thì quyền và nghĩa vụ thi hành án chuyển giao tương ứng với các khoản nợ được mua bán theo hợp đồng.
2.4. Về kê biên tài sản để thi hành án (Điều 24)
Đối với trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã kê biên tài sản theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC nhưng chưa tổ chức thi hành xong thì tiếp tục thực hiện các trình tự thủ tục tiếp theo theo quy định.
Từ ngày 01/9/2015, cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để xác định tài sản kê biên.
2.5. Về mức phí, cách tính phí thi hành án (Điều 46)
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì “Mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án”. Do đó, đối với trường hợp đang tổ chức thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự đã thu đủ 200 triệu đồng phí thi hành án/01 đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP như trên thì đương sự đã thi hành xong nghĩa vụ nộp phí thi hành án; sau ngày 01/9/2015 mà cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thu được tiền thi hành án thì không tiếp tục thu phí. Đối với những trường hợp chưa thu đủ 200 triệu đồng thì sẽ thu phí thi hành án trên số tiền thực nhận kể từ ngày 01/9/2015 theo các mức phí quy định tại Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
2.6. Về việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển (Điều 63)
Nghị định đã quy định Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên và nguyên tắc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Do đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh nơi có cơ quan thi hành án dân sự thuộc Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên ban hành kèm theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP chủ động rà soát, tổng hợp, báo cáo nhu cầu bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển (số lượng Chấp hành viên hiện có theo từng ngạch Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp; tỷ lệ Chấp hành viên trên tổng biên chế; số lượng Chấp hành viên cần tuyển chọn không qua thi tuyển theo từng ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp) gửi về Bộ Tư pháp (qua Tổng cục Thi hành án dân sự). Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh nêu trên chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên để thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định.
Yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nội dung được hướng dẫn tại Công văn này đến các Chấp hành viên, cán bộ công chức trong đơn vị và các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc địa bàn, bảo đảm triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc cần kịp thời báo cáo Bộ Tư pháp (qua Tổng cục Thi hành án dân sự) để có biện pháp giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.