BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3787/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan nhận được một số vướng mắc liên quan đến rủi ro khi đưa hàng hóa là thủy sản sống nhập khẩu về bảo quản. Về việc này, Tổng cục Hải quan xin trao đổi với quý Bộ nội dung cụ thể như sau:
Ngày 12/10/2021, Tổng cục Hải quan có công văn số 4807/TCHQ-GSQL trao đổi với quý Bộ về những rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp đưa hàng hóa nhập khẩu là động vật sống về bảo quản (rủi ro về việc doanh nghiệp lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm quy định, tự ý tiêu thụ hàng hóa, không bảo quản nguyên trạng hàng hóa; rủi ro trong việc bỏ lọt hành vi vi phạm khi chưa có sự trao đổi thông tin xử phạt vi phạm kịp thời từ cơ quan thú y cho cơ quan hải quan...) và kiến nghị một số giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế những rủi ro dẫn trên.
Theo đó, Cục Thú y đã có công văn số 1826/TY-KD ngày 05/11/2011 phản hồi về kiến nghị của Tổng cục Hải quan nêu tại công văn số 4807/TCHQ-GSQL dẫn trên, cụ thể: (i) về tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan: Trong nhiều năm qua, Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu để tổ chức kiểm soát chặt chẽ hàng hóa động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam theo đúng quy định; (ii) về đề xuất nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để hạn chế hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển về địa điểm bảo quản, kiểm dịch: trong thời gian qua, Cục Thú y đã tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân và sửa đổi Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Tuy nhiên, thời gian qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục gặp vướng mắc liên quan đến những rủi ro về việc doanh nghiệp đưa hàng hóa là thủy sản sống về cơ sở cách ly kiểm dịch và không bảo quản nguyên trạng hàng hóa nhưng không nhận được thông tin từ phía cơ quan kiểm dịch, cụ thể:
- Doanh nghiệp nhập khẩu 200.000 con cá leo sống dùng làm con giống, được Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh chỉ định đưa về bảo quản tại cơ sở cách ly; tuy nhiên, sau đó Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản của doanh nghiệp chỉ có số lượng là 50.000 con (thiếu 150.000 con so với lượng đã khai báo và được phê duyệt đưa về khu cách ly).
- Do doanh nghiệp chỉ xuất trình được Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản với số lượng ít hơn khai báo trên tờ khai hải quan, cơ quan hải quan đã chủ động có công văn trao đổi với Chi cục thú y vùng 2 thì được biết: quá trình kiểm tra, giám sát tại nơi cách ly kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch phát hiện số lượng cá chỉ còn 50.000 con, thiếu 150.000 con so với số lượng cá nhập về nơi cách ly kiểm dịch ban đầu. Theo đó, Chi cục Thú y vùng II đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp với hành vi không chấp hành thời hạn theo dõi cách ly kiểm dịch đối với động vật nhập khẩu; tuy nhiên, Chi cục Thú y vùng II không cung cấp các thông tin khác về tình trạng 150.000 con cá leo giống còn lại đang thả/nuôi ở đâu, cơ quan kiểm dịch có biện pháp quản lý/khắc phục/xử lý đối với số lượng hàng (150.000 con cá leo) chưa đủ điều kiện để nhập khẩu dẫn trên hay không để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Như vậy, cơ quan kiểm dịch chưa kịp thời thông báo với cơ quan hải quan và thông báo không đầy đủ về thông tin vi phạm của doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản sống trong thời gian cách ly chờ kiểm dịch dẫn đến rủi ro về việc bỏ lọt hành vi vi phạm hoặc chậm trễ trong việc xử lý vi phạm.
Đồng thời, qua rà soát Nghị định số 90/2017/NĐ-CP dẫn trên (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022) thì Tổng cục Hải quan nhận thấy Điều 15 quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về kiểm dịch động vật nhập khẩu như kiến nghị của Tổng cục Hải quan tại 4807/TCHQ-GSQL không được sửa đổi, cụ thể: đưa động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch không đúng địa điểm hoặc không đúng số lượng đã được chấp thuận theo hồ sơ kiểm dịch; không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật…; chế tài xử phạt không có tính răn đe dẫn đến các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi vi phạm trong quá trình đưa hàng về bảo quản, kiểm dịch (như vụ việc cá leo nêu trên) gây khó khăn cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan.
Theo đó, để khắc phục và hạn chế những vướng mắc dẫn trên, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, giám sát, phối hợp với cơ quan hải quan nhằm kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến các hành vi vi phạm đối với hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ.
- Nghiên cứu sửa đổi các quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo hướng tăng mức độ xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong quá trình đưa hàng hóa nhập khẩu về bảo quản kiểm dịch hoặc bổ sung biện pháp xử phạt (ví dụ: dừng cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo của doanh nghiệp vi phạm...) để hạn chế hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong việc bảo quản, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu.
Trân trọng cám ơn sự phối hợp của quý Bộ./.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.