TỔ
CÔNG TÁC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 361/CCTTHC |
Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2010 |
BÁO CÁO GIAO BAN THÁNG 7 NĂM 2010
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 30 TẠI CÁC BỘ, NGÀNH
I. VỀ VIỆC HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở phương án đơn giản hóa của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Hội đồng tư vấn, Tổ công tác chuyên trách đã cùng các chuyên gia, luật sư xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính độc lập gửi các bộ, ngành để nghiên cứu, hoàn thiện nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng theo nguyên tắc tạo Điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm Mục tiêu quản lý nhà nước. Xuất phát từ Mục tiêu đó, trong tổng số 5.350 thủ tục hành chính được rà soát, Tổ công tác chuyên trách đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung 4.132 thủ tục, bãi bỏ 588 thủ tục, đồng thời kiến nghị thay thế 165 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa trung bình là 91%, cao hơn tỷ lệ trung bình mà bộ, ngành đã đề xuất là 81%. Quan trọng hơn, các phương án do Tổ công tác chuyên trách đề xuất gắn với việc cắt giảm các chi phí cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm việc đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính do Thủ tướng giao.
Nếu phương án đơn giản hóa trên 5000 thủ tục hành chính còn lại được Chính phủ thông trong quý III/2010, các bộ, ngành trung ương sẽ phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những Điểm Điều Khoản không còn phù hợp trong các văn bản từ luật cho đến thông tư, các địa phương sẽ phải sửa đổi các văn bản của chính quyền địa phương cho phù hợp với văn bản của Trung ương. Như vậy, theo tính toán của Tổ công tác chuyên trách dự kiến ở cấp Trung ương sẽ sửa đổi, bổ sung tối thiểu 1190 văn bản (58 Luật, 22 Pháp lệnh, 235 Nghị định, 38 Quyết định của Thủ tướng, 415 Thông tư, 349 Quyết định của Bộ trưởng và 73 văn bản hành chính của bộ, ngành). Theo đó, các địa phương phải sửa đổi ít nhất 3000 văn bản do địa phương ban hành. Đây là khối lượng công việc khổng lồ, thời gian thực thi ngắn, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan hành chính, việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác này và việc đổi mới cách thức ban hành văn bản thì mới sớm đưa các phương án đơn giản hóa vào cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân đối với việc cải cách của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong ngày 15 tháng 7 năm 2010, bộ, ngành phải gửi phương án đơn giản hóa đã được hoàn thiện và tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Tuy nhiên đến thời Điểm này, Tổ công tác chuyên trách mới nhận được 20/24 phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của các bộ, ngành, vẫn còn 04 bộ, ngành chưa gửi kết quả rà soát, cụ thể là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp và Y tế. Về cơ bản hầu hết các bộ, ngành đều thống nhất với phương án đơn giản hóa cũng như thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách. Một số bộ, ngành đã có cách làm hay và phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác chuyên trách để hoàn thiện phương án như Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bộ, ngành đề nghị duy trì các thủ tục hành chính với lý do đảm bảo Mục tiêu quản lý nói chung và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành mà không đưa ra các lý giải cụ thể về sự cần thiết của thủ tục, của các hồ sơ, giấy tờ và các yêu cầu, Điều kiện để thực hiện thủ tục.
II. VỀ VIỆC THỰC THI NGHỊ QUYẾT SỐ 25/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 02 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên. Để thực thi phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên cần phải sửa đổi ít nhất 14 Luật và 3 Pháp lệnh, 44 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 67 Thông tư, 33 Quyết định của Bộ trưởng và một số văn bản hành chính khác.
Thực thi Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành đều quán triệt nghiêm túc đến các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan và phân công cụ thể trách nhiệm soạn thảo văn bản, phân công đầu mối tổng hợp và dự thảo văn bản trình Bộ trưởng quyết định theo đúng tiến độ Chính phủ yêu cầu, đó là:
- Trước ngày 31 tháng 7 năm 2010 trình Chính phủ đối với dự thảo Nghị định (có nội dung không liên quan đến sửa đổi Luật, Pháp lệnh);
- Trước ngày 31 tháng 7 năm 2010 ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch, Quyết định (có nội dung không liên quan đến sửa đổi Luật, Pháp lệnh);
- Trước ngày 30 tháng 11 năm 2010 gửi Bộ Tư pháp dự án Luật để tổng hợp trình Chính phủ;
- Trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 trình Chính phủ đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật (để trình Quốc hội kèm theo dự thảo Luật);
III. VỀ TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 08 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để duy trì những kết quả của cải cách thủ tục hành chính trong khuôn khổ đề án 30 đã mang lại. Theo chỉ đạo của Thủ tướng (Công văn số 1064/TTg-TCCV ngày 23 tháng 6 năm 2010), Văn phòng Chính phủ đã chủ động triển khai một số nhiệm vụ để thực thi Nghị định, cụ thể là:
- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính. Dự kiến Quyết định sẽ ban hành trong tháng 8 năm 2010.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ dự thảo Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, về biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến Thông tư liên tịch sẽ ban hành trong tháng 8 năm 2010.
- Phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Bảo đảm cơ chế tài chính phục vụ có hiệu quả hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Dự kiến Thông tư ban hành trong tháng 9 năm 2010.
IV. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ
Qua tổng hợp nhanh tình hình triển khai thực hiện tại bộ, ngành, và ý kiến phát biểu tại buổi giao ban, các bộ, ngành hiện có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Nội dung phương án đơn giản hóa một số thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 25/NQ-CP đòi hỏi việc sửa đổi một số Luật mới ban hành hoặc chuẩn bị ban hành như Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật khoáng sản, Bộ Luật Lao động, v.v. Tại buổi giao ban, lãnh đạo Tổ công tác chuyên trách đã giải đáp các vướng mắc của các bộ, ngành liên quan đến các vấn đề này, đồng thời đề nghị các bộ, ngành chủ động phối hợp với Tổ công tác chuyên trách giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc thực thi Nghị quyết số 25/NQ-CP .
2. Đề xuất lùi thời hạn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để thực hiện đồng thời với tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa trên 5.000 TTHC còn lại, tránh phải sửa cùng 01 văn bản nhiều lần. Đây là ý kiến của nhiều bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, v.v…. Tuy nhiên, để kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp và nghiêm túc tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Tổ công tác chuyên trách đã đề nghị các bộ, ngành nghiêm túc tuân thủ thời hạn thực thi các phương án đơn giản hóa theo Nghị quyết số 25/NQ-CP .
3. Lãnh đạo một số bộ, ngành và người đứng đầu các vụ, cục chuyên môn chưa thực sự vào cuộc, có thái độ bất hợp tác với Tổ công tác thực hiện đề án 30 tại các bộ, ngành trong việc hoàn thiện phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý và thực thi Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ. Đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và một số bộ khác. Có thể nói, đây là nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ, cũng như những tồn tại về chất lượng của các phương án đơn giản hóa.
4. Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản và thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn mặc dù đã được quy định tại Chương VIII Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều bộ, ngành còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, gây chậm trễ về mặt tiến độ.
5. Thực tế triển khai đề án 30 tại các bộ, ngành cho thấy nhiều cán bộ có trình độ, năng lực không muốn về làm việc tại Tổ công tác thực hiện đề án 30 vì áp lực công việc lớn, thường xuyên va chạm với các đơn vị khác. Trong khi đó, cơ chế đãi ngộ hiện tại chưa đủ hấp dẫn. Vì vậy, các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề này.
V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐẾN HẾT NĂM 2010
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 30 của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2010, các bộ, ngành và Tổ công tác chuyên trách cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Về việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính
- Đề nghị các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp và Y tế kiểm Điểm các cá nhân, đơn vị có liên quan về việc chậm trễ nộp kết quả hoàn thiện phương án đơn giản hóa TTHC của bộ. Yêu cầu các bộ hoàn thiện phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ và gửi về cho Tổ công tác chuyên trách trước ngày 25 tháng 7 năm 2010.
- Đề nghị các bộ: Khoa học công nghệ và Y tế phê bình Chánh Văn phòng bộ về việc không cử lãnh đạo Tổ công tác thực hiện đề án 30 của bộ tham dự buổi giao ban, đặc biệt Bộ Y tế không có một đại diện nào tham dự cuộc họp.
- Các bộ, ngành chủ động tham gia tham vấn với Tổ công tác chuyên trách đối với các thủ tục hành chính còn có ý kiến khác nhau giữa Tổ công tác chuyên trách và bộ quản lý ngành theo hướng thực sự cầu thị, bảo đảm Mục tiêu quản lý nhà nước nhưng phải thực sự gọn nhẹ cho cá nhân, tổ chức; giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm để tăng hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
- Tổ công tác chuyên trách dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý (mỗi bộ, ngành một Nghị quyết) gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ trong quý III năm 2010. Tổ công tác chuyên trách kiên quyết trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những phương án đơn giản hóa TTHC thực sự có lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng chưa đạt được sự đồng thuận của bộ, của ngành.
2. Về việc thực thi Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ
- Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát 258 TTHC ưu tiên là nhằm giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp (công văn 1071/TTg-TCCV ngày 30 tháng 6 năm 2010). Kỳ vọng người dân và doanh nghiệp vào việc kết quả cải cách được hiện thực hóa lớn. Vì vậy, việc lùi thời Điểm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đồng thời với việc tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC còn lại sẽ đi ngay chỉ đạo của Thủ tướng và nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, theo tinh thần của Nghị quyết số 25/NQ-CP , việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để thực thi Nghị quyết được triển khai theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản, đồng thời đã phân định rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và của Quốc hội. Như vậy hoàn toàn không có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc triển khai thực hiện. Mặt khác, các TTHC sau khi được sửa đổi sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công bố công khai để thực hiện nên mọi cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều có thể dễ dàng theo dõi, thực hiện. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành hoàn thành công việc này theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị Bộ Tư pháp sớm đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cách thức thực hiện nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1024/TTg-TCCV ngày 16 tháng 6 năm 2010, bảo đảm việc triển khai thống nhất, đồng bộ trong cả nước và đúng tiến độ thực thi của Đề án.
3. Về việc triển khai Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
- Các bộ, ngành chủ động tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính và dự thảo Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ và biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm xây dựng khung pháp lý tốt nhất cho hoạt động kiểm soát TTHC trong tương lai.
- Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo và ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
- Các bộ, ngành chủ động chuẩn bị nhân sự và các Điều kiện bảo đảm khác để các đơn vị kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành có thể triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC ngay sau khi đề án 30 kết thúc hoạt động vào ngày 14 tháng 10 năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính liên tục của hoạt động kiểm soát TTHC.
- Các bộ, ngành tiếp tục cập nhật nhằm bảo đảm tính chính xác của các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành theo đúng hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách (công văn số 57/CCTTHC ngày 23 tháng 2 năm 2010) bảo đảm chất lượng thủ tục hành chính trong cơ sở dữ liệu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng (công văn số 2347/TTg-TTCV ngày 30 tháng 11 năm 2009 và số 577/TTg-TCCV ngày 12 tháng 4 năm 2010).
Trên đây là Báo cáo giao ban tháng 7 năm 2010 của Tổ công tác chuyên trách. Đề nghị các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách.
Nơi nhận: |
TỔ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.