BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
3571/BGDĐT-KHTC |
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2010 |
Kính gửi: Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Triển khai thực hiện Chỉ thị 751/CT-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, Chỉ thị số 854/CT -TTg ngày 11/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011- 2015 như sau:
I. Căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011 - 2015
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2010 và 5 năm 2006 – 2010.
Phần này, tập trung đánh giá những nội dung chủ yếu sau:
- Về quy mô học sinh, sinh viên; đội ngũ giáo viên các cấp học và trình độ đào tạo.
- Về chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo.
- Về phát triển mạng lưới trường học từ mầm non, phổ thông đến đại học; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.
- Việc thực hiện ngân sách giáo dục và đào tạo năm 2010 và giai đoạn 2006 – 2010, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo...
- Đánh giá về tình hình thực hiện các cân đối điều kiện (kinh phí, nhân lực...) cho thực hiện kế hoạch.
2. Những căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011- 2015:
- Tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo 242-TB/TW ngày 15/4/2009 về Kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII ngày 19/6/2009 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về Quy định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010– 2015 và các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, về phát triển kinh tế – xã hội các vùng; các chương trình, dự án của ngành giáo dục ...
- Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương.
II. Định hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo 5 năm 2011-2015
1. Giáo dục mầm non:
- Triển khai đại trà chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó chú trọng thực hiện chương trình Phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi nhằm chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ vào lớp 1, nhất là tiếng Việt đối với trẻ em người dân tộc.
- Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1.
- Mở rộng hệ thống giáo dục mầm non trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình trường lớp. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho giáo dục mầm non các vùng nông thôn, miền núi để phát triển trường, lớp công lập, đào tạo giáo viên, cung cấp trang thiết bị, bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ phổ cập ở các vùng này đạt 95% năm 2015.
2. Giáo dục phổ thông:
- Từng bước hoàn chỉnh mạng lưới trường học phổ thông, củng cố và mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, cấp huyện và trường bán trú, đáp ứng nhu cầu và quyền lợi học tập của các tầng lớp dân cư.
- Huy động tối đa trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; thực hiện phân luồng hợp lý sau THCS theo hướng hầu hết học sinh tốt nghiệp lớp 9 được đi học tiếp THPT hoặc học nghề với trình độ văn hóa tương đương THPT; duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ, tiến hành phổ cập giáo dục bậc trung học ở những địa phương có điều kiện. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục phổ thông, nhất là đối với cấp trung học phổ thông. Củng cố và phát triển trường trung học phổ thông ngoài công lập.
- Chỉ đạo tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá, thúc đẩy thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; ứng dụng mạnh mẽ CNTT và các thành tựu khác của khoa học và công nghệ. Tăng cường các điều kiện để thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học các môn tích hợp, dạy học phân hóa, dạy chương trình ngoại ngữ mới từ lớp 3, mở rộng dạy học 2 buổi/ngày ở phổ thông.
- Tăng cường các hoạt động xã hội của học sinh nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực cá nhân của người học, phù hợp với điều kiện học tập của mỗi học sinh; chú trọng đào tạo và bồi dưỡng chuyên biệt để phát triển tài năng của đất nước.
- Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tập trung bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về công tác chỉ đạo và quản lý việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
3. Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học:
- Triển khai quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo thuộc địa phương quản lý, tập trung đầu tư gắn phát triển quy mô đào tạo với đảm bảo chất lượng đào tạo. Tỷ lệ tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng tăng bình quân 7%/năm; trung cấp chuyên nghiệp tăng bình quân 5%/năm.
- Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo để đến năm 2015 có đủ khả năng tiếp nhận 25% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân lực cho khu công nghiệp, xuất khẩu lao động và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chuẩn bị tốt nguồn và các điều kiện đào tạo cán bộ người dân tộc, cán bộ vùng sâu, vùng xa theo chế độ cử tuyển.
- Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên để giảm dần số sinh viên/1giảng viên ở mức bình quân 22 sinh viên/1giảng viên; phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trong cơ sở đào tạo đại học từ 15 – 20%, cơ sở đào tạo cao đẳng từ 5 – 10%.
- Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
4. Đối với giáo dục thường xuyên:
Củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới trung tâm GDTX; tiếp tục phát triển số lượng đi đôi với việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.
Đa dạng hóa nội dung, chương trình và phương thức học tập thường xuyên, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; đội ngũ người lao động được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn định kỳ và thường xuyên theo các chương trình giáo dục, đáp ứng nhu cầu lao động và nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, góp phần tăng thu nhập hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, mở mang dân trí và nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân người lao động.
5. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học:
Căn cứ vào yêu cầu phát triển quy mô học sinh của các cấp học và quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở địa phương. Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015, trong đó cần xác định được số phòng học, số phòng phục vụ học tập, số phòng bộ môn, các công trình phụ trợ cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp ở từng cấp học, cũng như yêu cầu trang thiết bị kèm theo. Từng bước xây dựng cơ sở vật chất trường học theo yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia.
Căn cứ vào các quy định và văn bản hướng dẫn về mua sắm trang thiết bị dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tính toán nhu cầu mua sắm bổ sung và thay thế trang thiết bị dạy học ở các cấp học mầm non, phổ thông và trang thiết bị, phòng thí nghiệm trong các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng.
6. Kế hoạch tài chính
Trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2015 và các định mức, chế độ chính sách hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo trực thuộc chủ động xây dựng và tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo thuộc cơ quan, đơn vị quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Triển khai xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, cấp bù học phí, kinh phí hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
III. Nội dung bản kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2011 và 5 năm 2011-2015.
1. Bản kế hoạch tóm tắt
Nội dung bản kế hoạch tóm tắt bao gồm: Kết quả đạt được, những thách thức và các mục tiêu tiếp theo về giáo dục và đào tạo của tỉnh, thành phố.
2. Bản kế hoạch chi tiết.
Phần 1. Phân tích thực trạng
1.1. Về tiếp cận giáo dục
- Về tình hình phát triển mạng lưới trường, lớp học.
- Tình hình thực hiện quy mô học sinh; Tổng số học sinh, tỷ lệ huy động trẻ, học sinh đến lớp, công tác phổ cập giáo dục.
- Về tình hình phát triển mạng lưới trường lớp học; số xã chưa có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở độc lập. Tình hình triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên.
- Số xã đặc biệt khó khăn, số huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh (bao gồm dân số, quy mô học sinh các cấp, số lượng trường lớp ở các xã 135, ở các huyện nghèo).
1.2 Về chất lượng giáo dục
- Tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên các cấp bậc học (về số lượng, cơ cấu và trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo).
- Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy; công tác kiểm tra, đánh giá học sinh.
- Đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
1.3 Về quản lý giáo dục
- Thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển giáo dục
- Về tăng cường công tác quản lý giáo dục
- Việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ trương của ngành giáo dục và chính sách phát triển giáo dục tại địa phương.
Phần 2. Các kết quả đạt được và các khó khăn, thách thức
Báo cáo mức độ đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2006 - 2010 và năm 2010, nêu kết quả đạt được, khó khăn tồn tại và những thách thức của giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2011.
Phần 3. Các mục tiêu và chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 và năm 2011
Nêu các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo 5 năm 2011 – 2015 và năm 2011 trên ba khía cạnh tiếp cận, chất lượng và quản lý đối với các cấp giáo dục, đồng thời nêu các kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra. Chú ý các nội dung sau:
- Quy mô dân số và dân số chia theo từng độ tuổi, theo nhóm tuổi đi học; quy mô học sinh, sinh viên các cấp học, trình độ đào tạo; số trường, lớp học ở các bậc học mầm non và phổ thông chia theo loại hình công lập, ngoài công lập; số trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; số trường phổ thông dân tộc nội trú, số trường phổ thông có học sinh bán trú; số cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; tổng số phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập và các cơ sở vật chất khác; tổng số giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
- Các mục tiêu và chỉ tiêu về duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ, phổ cập giáo dục bậc trung học (số xã, huyện được công nhận về phổ cập…) và các chỉ tiêu về phát triển giáo dục thường xuyên; các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; các chỉ tiêu về phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.
- Chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp các trường thuộc tỉnh, thành phố; chỉ tiêu cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng.
Phần 4. Kế hoạch tài chính
Trên cơ sở kế hoạch phát triển và các điều kiện đảm bảo (nhu cầu về giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên thí nghiệm, thư viện; nhu cầu phòng học, thư viện, thí nghiệm, trang thiết bị; nhu cầu về đất đai cho trường học và nhu cầu về tài chính cho từng cấp bậc học do tỉnh quản lý), kế hoạch đảm bảo về tài chính được tính toán trên mô hình VANPRO và được báo cáo theo biểu (các biểu kèm theo file: KEHOACH_5NAM.xls).
3. Các phụ lục
Trên cơ sở được tính toán từ mô hình VANPRO, các số liệu báo cáo của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và năm 2011 được cập nhập theo các biểu đính kèm (10 biểu).
Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo 5 năm 2011 – 2015 và năm học 2011-2012, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch – tài chính) trước ngày 5/7/2010.
Tài liệu báo cáo kế hoạch gồm: Bản kế hoạch (10 bộ) và các file ghi vào dĩa CD, gửi tại buổi trao đổi kế hoạch; các file biểu báo cáo và mô hình VANPRO đồng thời gửi vào địa chỉ duantbs2@gmail.com .
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức trao đổi kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo và dự toán ngân sách năm 2011 với các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 10/7/2010 đến 20/7/2010./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ
TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.