BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3564/LĐTBXH-PC |
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018 |
Kính gửi: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Ngày 26/01/2018, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam có Công văn số 22/2018/CV-VASEP về việc kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp thủy sản về lĩnh vực lao động - BHXH - kinh phí công đoàn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời về các kiến nghị như sau:
I. Kiến nghị về đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động
Theo Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 23/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14. Tuy nhiên, ngày 24/3/2017, Tổng thư ký Quốc hội có Công văn số 525/TTKQH14-PL thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 3 để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo hướng sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động, khi có đủ điều kiện thì chuẩn bị hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào chương trình theo quy định tại Điều 37 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015,
Theo đó, thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).
Ngày 28/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 01/2019.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trong quá trình xây dựng, soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đề nghị quý Hiệp hội theo dõi và đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ đăng website vào cuối tháng 9/2018 và trình Chính phủ vào tháng 12/2018.
II. Những kiến nghị về bảo hiểm xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước. Chính vì vậy, rất khó để so sánh, đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của một nước là cao hay thấp so với những nước còn lại vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Việc đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét trong mối quan hệ với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động...
Xét về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao trong khu vực với tỷ lệ đóng là 27,5% (không tính bảo hiểm y tế), tuy nhiên cũng có một số nước có mức đóng cao hơn Việt Nam như Singapore là 37%, Trung Quốc là 38,5% và Ấn Độ là 35%. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê cũng cho thấy tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiền lương thực tế của người lao động (nhiều doanh nghiệp tiền lương đóng chỉ bằng khoảng 50% tiền lương thực tế của người lao động). Trong khi đó, tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với các nước, đặc biệt là đối với chế độ hưu trí, chế độ thai sản,..
Trong thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng của các quỹ bảo hiểm xã hội, trên cơ sở đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 quy định giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% từ ngày 01/6/2017.
Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung cải cách về điều chỉnh tỷ lệ đóng như sau: “... Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động”. Do vậy, trong thời gian tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bám sát nội dung cải cách nêu trên của Nghị quyết số 28/NQ-TW để tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
2. Về tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc dưới 3 tháng
Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH và bảo đảm quyền thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
Việc quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi nhóm đối tượng này bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động, đồng thời tích lũy quá trình đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động (thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn). Mặt khác, việc quy định bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng không làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp, bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động thì trước ngày 01/01/2018 người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 đến dưới 03 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương ứng với mức đóng BHXH.
3. Về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ có Tờ trình số 231/TTr-CP ngày 14/5/2018 báo cáo Quốc hội.
Ngày 15/6/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2018/QH14, trong đó giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.
Ngày 13/7/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 2830/LĐTBXH-BHXH gửi một số Bộ, ngành, cơ quan xin ý kiến về dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Để đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, sự bền vững lâu dài của quỹ hưu trí và tử tuất và sự công bằng trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong cách tính đóng, hưởng của chế độ hưu trí, trong đó có quy định tăng tỷ lệ giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với Luật BHXH năm 2006.
Thực tế, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ việc hưởng lương hưu sớm hơn tối đa 10 tuổi so với đối tượng khác và tỷ lệ giảm trừ chỉ là 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định này không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, khi tính hưởng lương hưu thì mỗi năm đóng BHXH người lao động được tính 3% đối với nữ và 2,5% đối với nam nhưng khi nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm nghỉ bị trừ 1% (Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị và nhiều nước thực hiện trừ 5-6% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định), trong khi đó người lao động nghỉ hưu trước tuổi thì sẽ hưởng lương hưu sớm hơn và dừng đóng vào quỹ sớm hơn so với các đối tượng khác, Theo số liệu thống kê những năm qua cho thấy, trong tổng số những người nghỉ việc hưởng lương hưu thì có khoảng 60% người nghỉ hưu trước tuổi; tuy nhiên, nhiều; điều tra cho thấy nhiều người lao động sau khi xin nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động sau đó vẫn tiếp tục làm việc (không phải đóng BHXH).
Chính vì vậy, việc Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tăng tỷ lệ giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là phù hợp. Mặt khác, Luật bảo hiểm xã hội cũng đã quy định đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ hưu sớm hơn lao động làm việc trong điều kiện bình thường tối đa là 5 tuổi mà không phải trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định.
5. Về việc không nên khống chế mức đóng BHXH tối đa
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội là chính sách của Nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội được nhà nước bảo hộ. Nhà nước bảo hộ quỹ nhằm đảm bảo cho người lao động được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức cơ bản. Ngoài ra, nếu có điều kiện và nhu cầu thì người lao động, người sử dụng lao động có thể tham gia các loại hình bảo hiểm khác để được mức thụ hưởng cao hơn. Chính vì vậy, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 đã quy định mức trần tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) và được kế thừa tiếp tục quy định trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trên thực tế, thời kỳ trước Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 do không có quy định về trần đóng BHXH bắt buộc nên dẫn đến có sự chênh lệch quá lớn về mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội giữa những người tham gia, đặc biệt là chế độ hưu trí (cá biệt có người có lương hưu cao hơn 100 triệu đồng/tháng, trong khi đó nhiều người chỉ hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1,39 triệu đồng/tháng).
Chính vì vậy, việc quy định trần đóng BHXH bắt buộc như hiện nay là hợp lý, hoàn toàn phù hợp với quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng chung của các nước. Đối với những người sử dụng lao động, người lao động nếu có nhu cầu, điều kiện thì ngoài việc tham gia BHXH bắt buộc theo quy định, có thể tham gia đóng góp bảo hiểm hưu trí bổ sung để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Chính sách BHXH ở Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 1962 theo Nghị định số 218/CP ngày 27 tháng 12 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, bao gồm chủ yếu các chính sách về hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, đối tượng chỉ bao gồm lao động khu vực nhà nước. Ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm chi trả các chế độ BHXH. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách BHXH cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác.
Do nguyên nhân khách quan, chính sách BHXH phát triển cùng vơi sự thay đổi nền kinh tế nước ta chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, Nhà nước phải kế thừa trách nhiệm đối với lao động đã làm việc cho khu vực nhà nước trước đây nay chuyển sang cơ chế đóng - hưởng. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH cần có lộ trình thực hiện, cụ thể:
- Trước ngày 01/01/2007, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước tính bình quân 5 năm cuối, còn người lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng. Điều này tạo ra sự không công bằng trong tham gia và thụ hưởng BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
- Từ ngày 01/01/2007 trở đi, theo quy định của Luật BHXH năm 2006, đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước thì tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu tùy thuộc vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH. Như vậy, Luật BHXH năm 2006 đã có một bước tiến trong việc tạo nên sự bình đẳng hơn trong cách tính mức bình quân giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định bổ sung thêm 2 lộ trình tính bình quân 15 năm, 20 năm cuối, sau đó thực hiện tính bình quân toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước.
Như vậy, Luật BHXH năm 2014 tiếp nối quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, thực hiện lộ trình tiến tới đảm bảo bình đẳng trong cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu giữa người lao động khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2025 trở đi thì khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân toàn bộ quá trình đóng như người lao động thuộc khu vực ngoài.
7. Về lãi phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định được nộp chậm 30 ngày, nhưng nếu qua ngày thứ 31 mới nộp (chậm 1 ngày) thì bị lãi phạt 1 tháng; kiến nghị được tính lãi chậm đóng theo đúng số ngày chậm đóng
Luật bảo hiểm xã hội quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy, theo quy định của luật thì hằng tháng người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời vào quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Kết thúc tháng mà người lao động chưa đóng BHXH của tháng đó là vi phạm hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội theo khoản 2 Điều 17 của Luật bảo hiểm xã hội về các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội quy định: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải hộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;…”, quy định này cũng đã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động trong việc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động.
Theo quy định của Luật BHXH thì hiện nay việc tham gia BHXH được thực hiện theo tháng, không quy định việc tham gia BHXH theo ngày hoặc theo tuần. Chính vì vậy, tại khoản 3 Điều 85 và khoản 4 Điều 86 của Luật bảo hiểm xã hội quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (trên ½ thời gian làm việc tiêu chuẩn của tháng) thì người lao động và người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Quy định nêu trên đã được quy định từ năm 2007 (từ Luật bảo hiểm xã hội năm 2006) và được kế thừa tiếp tục quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến khi xây dựng Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định này cơ bản nhận được sự thống nhất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ý kiến.
Quy định về thời gian đóng, hưởng BHTN còn bất cập, cụ thể: nếu NLĐ đóng đủ 12 đến 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng thêm 12 tháng được hưởng thêm 01 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng. Quy định này đã bị NLĐ đặc biệt là lao động trẻ lợi dụng nhảy việc theo cách chỉ đi làm 12 tháng sau đó xin thôi việc để hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi tìm việc làm ở DN khác. Đây là vấn đề gây vỡ quỹ và tăng biến động lao động, tăng chi phí tuyển dụng, đào tạo của doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp/bảo hiểm việc làm (Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,...) và quy chuẩn quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp thì:
- Theo quy định tại Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định hoặc của tiền lương của người lao động bình thường nhưng không ít hơn mức có thể đảm bảo mức sống cơ bản tối thiểu; Điều 24 Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
- Tại Điều 48 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương (50% mức tiền lương); Tại Điều 49 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương (100% mức tiền lương) nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương (tối thiểu 200% mức tiền lương).
Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu đủ 12 tháng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 03 tháng với mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (180%) là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành, đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người lao động, giảm bớt khó khăn trong thời gian thất nghiệp và hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm thông qua các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Về kiến nghị của hiệp hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.
III. Về các kiến nghị về lao động - tiền lương
1. Về thời hạn thanh toán khi chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Căn cứ vào quy định nêu trên thì khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động, người sử dụng lao động phải thanh toán các khoản như tiền lương, trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm và các khoản khác có liên quan cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động, về kiến nghị của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề nghị kéo dài thời gian thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên khi chấm dứt hợp đồng lao động, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2019.
2. Về quy định đối với lao động nữ: nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh; giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo
- Theo quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ luật Lao động, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thì lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trên tháng; thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người lao động nữ.
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Bộ luật Lao động, Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thì căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ. Ngoài ra tại Khoản 2 Điều này còn quy định khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Các quy định nêu trên đã thể hiện chính sách lao động đặc thù với lao động nữ, nhằm bảo đảm quyền của lao động nữ, đồng thời tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, một số quy định còn chưa cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2019.
3. Về quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
- Tại điểm d khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Căn cứ quy định nêu trên, tại Điểm d Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động, Điều 29 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ đã quy định người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 2 tháng tuổi.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người lao động là cha đẻ, cha nuôi (không trực tiếp nuôi con nuôi) lợi dụng quy định này để vi phạm nội quy lao động của doanh nghiệp mà không bị xử lý kỷ luật lao động do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, vấn đề này được quy định tại Bộ luật Lao động (Điểm d Khoản 4 Điều 123), vì vậy, Bộ ghi nhận ý kiến góp ý của quý Hiệp hội để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), tránh trường hợp người lao động lợi dụng quy định này để vi phạm pháp luật.
4. Về trợ cấp thôi việc cho người nước ngoài
- Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Khoản 1 Điều 3, Điều 43 của Luật Việc làm thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 và Khoản 1 Điều 124 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì kể từ ngày 01/01/2018 thì người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
- Theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động và Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động.
Hiện nay, pháp luật lao động quy định về trợ cấp thôi việc không có sự phân biệt giữa người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam. Vì vậy, khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo đúng quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động nêu trên. Cách tính trợ cấp thôi việc được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên.
Bộ ghi nhận ý kiến góp ý của quý Hiệp hội để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi pháp luật lao động và pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
5. Về việc tăng lương tối thiểu vùng
Theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Căn cứ quy định trên, hàng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia tham gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Đối với kiến nghị của quý Hiệp hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận và sẽ phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia để thảo luận, phân tích và đề xuất với Chính phủ xem xét, quyết định cho phù hợp.
IV. Về kiến nghị về thời giờ làm việc - Thời giờ nghỉ ngơi và An toàn lao động - Vệ sinh lao động
1. Về thời gian làm thêm giờ
- Đối với những công việc có tính chất thời vụ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 hướng dẫn thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng
- Về tăng giới hạn giờ làm thêm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu tiếp thu và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan lấy ý kiến doanh nghiệp, người lao động, nhân dân, cử tri trên cả nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nghiên cứu, đánh giá về cơ sở khoa học, thực tiễn liên quan đến tăng giới hạn số giờ làm thêm hợp lý, đảm bảo cân bằng công việc và cuộc sống, sức khỏe người lao động, tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0 cũng như trao thêm quyền thỏa thuận với người lao động để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhằm đạt được sự đồng thuận cao của xã hội.
2. Về chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Việc khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát, phát hiện và có giải pháp kịp thời đối với người làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu tiếp thu kiến nghị trong quá trình sửa Bộ luật lao động, đồng thời xin thêm ý kiến của Bộ Y tế, cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về y tế.
3. Về đề nghị bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 108 Bộ luật lao động 2012 “Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động” do không nhất thiết phải quy định nghỉ ngơi đồng loạt điều này
Khoản 3 Điều 108 Bộ luật lao động nêu rõ người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động; không quy định người lao động phải nghỉ đồng loạt, Quy định này nhằm đảm bảo cho người lao động có quỹ thời gian nghỉ ngơi hợp lý theo tính chất công việc để đảm bảo sức khỏe, tránh tai nạn, rủi ro cũng như nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên cửa con người và tránh lao động cưỡng bức tại nới làm việc.
4. Về quy định nghề, công việc chế biến thủy sản đông lạnh thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên
Ngày 29/12/2017, đơn vị của Bộ (Cục An toàn Lao động) đã có Công văn số 498/ATLĐ-CSBHLĐ để trả lời cho công văn số 200/2017/CV-VASEP ngày 25/12/2017 của quý Hiệp hội về việc tháo gỡ vướng mắc về công việc chế biến thủy sản đông lạnh bị xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại. Theo đó, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định ngành chế biến thủy sản là ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chỉ quy định 38 chức danh nghề, công việc trong ngành Thủy sản là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo mô tả điều kiện lao động; Đối với những nghề, công việc có điều kiện lao động được cải thiện, không còn yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì Hiệp hội cần có ý kiến về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để xem xét thống nhất trên toàn ngành thủy sản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra khỏi danh mục.
Về chức danh nghề số 38: “Chế biến chượp, mắm tôm, nước mắm, thủy, hải sản khô”, danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên thuộc Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 10/2013/TT-BLĐTBXH , dự kiến ban hành trong tháng 12/2018. Đề nghị, quý Hiệp hội phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình, nghiên cứu, đánh giá chức danh này. Trường hợp điều kiện lao động đối với lao động là người chưa thành niên đã được cải thiện, Bộ sẽ cân nhắc điều chỉnh chức danh này trong Thông tư cho phù hợp.
Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các kiến nghị của quý Hiệp hội./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.