BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3460/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 579/HQBN-KTSTQ ngày 28/4/2021, công văn số 721/HQBN-KTSTQ ngày 27/5/2021 của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh báo cáo vướng mắc về xử lý thuế đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện doanh nghiệp chế xuất (DNCX) của Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam (Công ty). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan
a) Quy định về DNCX là khu phi thuế quan giai đoạn trước ngày 10/7/2018 (ngày hiệu lực của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP)
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 quy định: "Khu phi thuế quan là khu kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 (sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015) của Chính phủ quy định:
"1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.”
b) Quy định về DNCX là khu phi thuế quan giai đoạn kể từ ngày 10/7/2018 (ngày hiệu lực của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP)
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định: “Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư."
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh tại công văn số 579/HQBN-KTSTQ ngày 28/4/2021 và công văn số 721/HQBN-KTSTQ ngày 27/5/2021 thì thời điểm Công ty bắt đầu được áp dụng chính sách đối với DNCX là từ ngày 01/12/2017 (ngày Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư),
Căn cứ các quy định nêu trên, tại thời điểm Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (thời điểm Công ty bắt đầu được áp dụng chính sách đối với DNCX) thì pháp luật về thuế (Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11) và pháp luật về hải quan (Luật hải quan số 54/2014/QH13, Nghị định 08/2015/NĐ-CP) chưa có quy định chi tiết các chỉ tiêu để xác định về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của DNCX được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan. Ngày 09/6/2020, Tổng cục Hải quan có công văn số 3778/TCHQ-GSQL tạm thời hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì đối với DNCX đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và đang trong quá trình hoạt động, được phép hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn tối đa không quá 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh tại công văn số 579/HQBN-KTSTQ ngày 28/4/2021 và công văn số 721/HQBN-KTSTQ ngày 27/5/2021 thì: Ngày 27/4/2021, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh thực hiện xác minh tình trạng hoạt động của Công ty; thời điểm xác minh, Công ty không còn hoạt động sản xuất, không có người đại diện theo pháp luật/đại diện theo ủy quyền; nhà xưởng sản xuất, kho bị bỏ hoang, không có người quản lý, không có công nhân làm việc; hợp đồng thuê nhà xưởng, hợp đồng thuê kho đã hết hạn, không còn nguyên phụ liệu, hàng hóa tồn kho; điện, nước bị cắt. Như vậy, hiện nay Công ty không còn hoạt động sản xuất, không còn khả năng hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát đối với DNCX là khu phi thuế quan theo quy định tại Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP nêu tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.
Do vậy, cơ quan hải quan không đủ cơ sở để yêu cầu Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam phải hoàn thiện các điều kiện đáp ứng quy định điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với DNCX là khu phi thuế quan quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 2 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (trước đây là khoản 2 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP).
2. Về xử lý thuế đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán
Liên quan đến việc xử lý thuế đối với trường hợp doanh nghiệp đã bỏ trốn, không nộp báo cáo quyết toán, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn tại công văn số 7420/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019, công văn số 8054/TCHQ-TXNK ngày 24/12/2020. Căn cứ các công văn hướng dẫn nêu trên, việc xử lý thuế đối với Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam được thực hiện như sau:
(i) Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ vụ việc để xác định tổng số nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, số lượng nguyên liệu, vật tư đã được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu. Từ đó, xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt doanh nghiệp phải nộp đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, SXXK nhưng chưa xuất khẩu sản phẩm; sau đó lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định.
(ii) Trường hợp sau khi cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định vụ việc không có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế, cơ quan hải quan thực hiện:
- Kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu, chứng từ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp (nếu còn điều kiện), đối chiếu quy định tại Điều 52 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ để thực hiện ấn định thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu nhưng chưa xuất khẩu sản phẩm.
- Trường hợp không thi hành được quyết định ấn định thuế thì thực hiện xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
- Cơ quan hải quan căn cứ Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, hồ sơ vụ việc, thời điểm phát sinh để xử lý nợ, khoanh nợ theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh được biết./.
|
TL.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.