BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3261/BTC-QLCS |
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Văn phòng Chính phủ chuyển tới tại Công văn số 840/VPCP-QHĐP ngày 02/02/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị:
(1) Cử tri phản ánh hiện nay do những tác động tiêu cực về suy thoái kinh tế, đời sống của người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét không điều chỉnh tăng thuế, giá điện, khung giá đất... để người dân an tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
(2) Cử tri cho rằng Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất đã thu hẹp đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất so với trước đây. Mặc dù Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được văn bản số 8522/BTC-QLCS ngày 10/8/2023 của Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị xem xét, mở rộng cơ chế chính sách ghi nợ tiền sử dụng đất đối với đối tượng hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động để các đối tượng này có điều kiện xây nhà, ổn định cuộc sống, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người mất việc làm, giảm thu nhập. Do đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết, hỗ trợ nhu cầu chính đáng của người dân.
(3) Đề xuất xem xét lại vấn đề cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh cho người nộp thuế được kiểm soát đầu vào. Hiện nay vấn đề cấp phép đầu tư, cấp phép đăng ký kinh doanh hết sức thông thoáng, cấp trực tuyến trên hệ thống chỉ 2 ngày, điều này dẫn đến các hành vi lập tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh trá hình, không có thật có cơ hội đăng ký và từ đó đăng ký phát hành hóa đơn bất hợp pháp và mua bán hóa đơn.
Bộ Tài chính xin trả lời như sau:
(1) Liên quan đến nội dung kiến nghị về điều chỉnh tăng thuế, giá điện, khung giá đất,...
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng (năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng và năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng), đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính).
Có thể thấy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, cùng với việc đánh giá, tổng kết việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024 gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương. Trước mắt tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí và lệ phí mới được ban hành, nhanh chóng đưa các giải pháp này đi vào cuộc sống, đến ngay các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, cụ thể:
- Tiếp tục thực hiện giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nêu trên. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
- Tiếp tục thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50% dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.
Ngoài ra, hiện nay thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.
(2) Liên quan đến kiến nghị về ghi nợ tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8522/BTC-QLCS ngày 10/08/2023 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Ngoài thông tin đã trả lời tại Công văn số 8522/BTC-QLCS ngày 10/08/2023 nêu trên, hiện nay Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024. Theo đó, tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Người được bố trí tái định cư được ghi nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ". Theo Kế hoạch thi hành Luật Đất đai năm 2024, Bộ Tài chính được Chính phủ giao xây dựng Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật Đất đai năm 2024) nghiên cứu, xem xét kiến nghị nêu trên của tỉnh Bình Dương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách này.
(3) Đối với kiến nghị về việc xem xét lại vấn đề cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh cho người nộp thuế được kiểm soát đầu vào:
Liên quan đến nội dung hạn chế việc lợi dụng chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính, Ủy ban Tài chính Ngân sách - Quốc hội đã có đề xuất tại văn bản số 1595/BC-UBTCNS15 ngày 22/10/2023, văn bản số 8987/VPCP-KTTH ngày 16/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị:
“- Rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành về thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, để có phương án sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi người đại diện, chủ sở hữu phải sử dụng mã định danh cá nhân, tài khoản định danh điện tử hoặc xác định lý lịch tư pháp, ... hoặc các phương tiện điện tử khác một cách phù hợp;
Ngày 05/01/2024, Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, theo đó, tại Mục 24 Phần I, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính Phủ về đăng ký doanh nghiệp, thời hạn hoàn thành là tháng 9/2024.
Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn trong thời gian tới theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành về thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế để có phương án sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi người đại diện, chủ sở hữu phải sử dụng mã định danh cá nhân, tài khoản định danh điện tử hoặc xác định lý lịch tư pháp, ... hoặc các phương tiện điện tử khác một cách phù hợp.
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.