BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2989/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét bổ sung đối tượng là nghệ sĩ nhiếp ảnh được xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng.
2. Tình trạng bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng có nhiều trẻ em bị trầm cảm dẫn đến tự tử rất thương tâm. Do đó, cử tri kiến nghị trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần quy định xử lý nghiêm minh hơn nữa các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị bổ sung đối tượng là nghệ sĩ nhiếp ảnh được xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
Ngày 13/6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số
245/BCUBTVQH tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại mục 1 của Báo cáo có nêu về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến: “Việc rà soát để tiếp tục bổ sung đối tượng sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “công bằng” trong khen thưởng. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng đầy đủ. Do đó, sau khi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, cơ quan chủ trì, thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan là chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ và đã chỉ đạo thiết kế khoản 1 Điều 66 gồm 2 điểm: điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định, như sau “b) Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định”…
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách… để quy định cụ thể về đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, tạo sự đồng thuận cao và ban hành trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ.
2. Về đề nghị cần có quy định xử lý nghiêm minh hơn nữa các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, có nhiều trẻ em bị trầm cảm dẫn đến tự tử rất thương tâm
Thời gian qua, cùng với việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, quy định về mức phạt tiền đối với lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã tăng lên mức tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được xây dựng dựa trên cách tiếp cận về quyền con người, bảo đảm quyền con người nhằm đáp ứng những yêu cầu về phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật hiện hành. Dự thảo đã bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; xác định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 35 của Dự thảo. Ngoài ra, Dự thảo còn quy định các biện pháp cấm tiếp xúc, yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24) và quy định các biện pháp cộng đồng nhằm hỗ trợ xử lý các hành vi bạo lực gia đình, như “Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư” (Điều 32); “Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33). Các quy định nêu trên đã thể hiện tính nghiêm minh về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói chung, trong đó có bạo lực gia đình đối với trẻ em. Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.
Để tiếp tục ngăn ngừa bạo lực gia đình, tăng cường trách nhiệm trong xử lý các vụ bạo lực gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.