BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 283/HTQTCT-HT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2017 |
Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai
Trả lời Công văn số 2112/STP-HCTP ngày 19/12/2016 và Công văn số 352/STP-HCTP ngày 10/3/2017 của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, sau khi trao đổi với Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế) và các cơ quan có liên quan, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:
1. Về việc thu lệ phí hộ tịch theo quy định tại Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính
Ngày 25/11/2016, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, thay thế Pháp lệnh phí và lệ phí.
Do đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí cũng hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí quy định: “Phí, lệ phí có tên trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí chỉ được thu khi có văn bản quy định mức thu”.
Như vậy, trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh chưa ban hành văn bản quy định mức thu lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh thì các cơ quan đăng ký hộ tịch không thực hiện việc thu lệ phí đối với loại việc hộ tịch được đăng ký cho đến khi có văn bản quy định mức thu lệ phí đối với loại việc hộ tịch đó.
2. Về việc đặt họ tên theo tập quán
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”.
Như vậy, đối với trường hợp người mẹ đơn thân, sinh con trai thì họ của con trai vẫn phải theo họ mẹ theo đúng quy định nêu trên, việc đăng ký khai sinh cho con trai theo tập quán như phản ánh của Sở Tư pháp là trái quy định pháp luật, đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch chấn chỉnh và có giải pháp tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu, nắm rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật hộ tịch, dân sự.
3. Về việc cải chính quê quán
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật hộ tịch, “cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch”.
Đối với những trường hợp việc xác định “quê quán” được áp dụng theo Quyết định số 1203/QĐ-TPHT ngày 26/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó, quê quán là nơi sinh trưởng của cha đẻ, nếu không rõ cha đẻ là ai thì ghi là nơi sinh trưởng của mẹ đẻ, là phù hợp với quy định pháp luật hộ tịch tại thời điểm đăng ký, không có sai sót nên nếu hiện tại, người dân có yêu cầu cải chính lại quê quán của con theo quê quán của người cha hoặc người mẹ cho phù hợp với quy định của Luật hộ tịch là không có cơ sở để tiếp nhận, giải quyết.
4. Về Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Huỳnh Thị Xuân
Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định “Đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật hộ tịch”.
Đồng thời, khoản 1 Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
Do vậy, để làm rõ tình trạng hôn nhân của bà Xuân cần xác định bà Xuân và ông Mỹ có quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng không và thời điểm xác lập quan hệ chung sống là khi nào.
Nếu bà Xuân và ông Mỹ chung sống với nhau như vợ chồng sau ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp này, việc UBND phường Tân Mai xác nhận tình trạng hôn nhân cho bà Xuân như vậy là phù hợp.
Nếu bà Xuân và ông Mỹ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và thỏa mãn một trong bốn điều kiện theo hướng dẫn tại điểm c mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 thì “Được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng”, cụ thể:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”
Do vậy, Sở Tư pháp chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường Tân Mai kiểm tra, xác minh kỹ trên thực tế, nếu bà Xuân và ông Mỹ không thuộc một trong bốn trường hợp nêu trên thì việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân phường Tân Mai là đúng quy định pháp luật.
5. Về việc xác định họ, tên và ngày sinh cho công chức, viên chức thống nhất trong các loại giấy tờ
Về nguyên tắc, Giấy khai sinh (hợp lệ) là cơ sở để xác định thông tin hộ tịch của cá nhân theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, do đó, cần xác minh, khẳng định tính hợp lệ của Giấy khai sinh (bản chính/bản sao), sau đó mới có cơ sở để điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác. Trường hợp không còn/không có Giấy khai sinh thì thực hiện việc đăng ký lại khai sinh/đăng ký khai sinh cho người có hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
Theo nội dung Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban chấp hành Trung ương, thì tuổi khai trong hồ sơ, Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) chỉ là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên, mà không được coi là cơ sở để thực hiện việc cải chính hộ tịch.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trả lời để Sở Tư pháp biết, chỉ đạo thực hiện./.
|
CỤC TRƯỞNG
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.