BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2585/BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2012 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tại văn bản số 2172/TTr-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2012 về việc đề nghị thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
I. NHẬN XÉT KẾT QUẢ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG TRỊ
1. Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin, tư liệu và phương pháp sử dụng và nội dung giải quyết trong quy hoạch
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2020 có bố cục, nội dung, phương pháp khá hợp lý, được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
2. Sự phù hợp của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2020 đã quan tâm đến các lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, khai thác gỗ rừng trồng, chế biến gỗ, dịch vụ môi trường rừng, ... phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp Việt Nam tại khu vực Duyên hải Bắc Trung bộ.
3. Về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng và các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Mục tiêu:
Thiết lập hệ thống quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 294.770 ha đất lâm nghiệp quy hoạch chi tiết cho 3 loại rừng và 229.844 ha rừng hiện có năm 2011. Bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái góp phần tích cực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Bảo tồn và tăng cường tính đa dạng sinh học của tài nguyên rừng.
- Về kinh tế: Tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 8-10% năm, góp phần tăng GDP của tỉnh từ 5- 7%. Tạo ra giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp từ 600 - 700 tỷ đồng vào năm 2015, phấn đấu đến năm 2020 đạt 900 - 1.000 tỷ đồng. Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 10-15 triệu đồng/ha/năm. Nâng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (PFES), cơ chế phát triển sạch (CDM) và du lịch sinh thái.
- Về xã hội: Thu hút khoảng 20.000 - 22.000 lao động/năm tham gia sản xuất lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho những hộ gia đình sinh sống trong khu vực lâm nghiệp, đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới thuộc diện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tích cực tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
- Về môi trường: Nâng độ che phủ của rừng lên 50% vào năm 2015 và giữ ổn định đến năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với mục tiêu quy hoạch theo báo cáo của tỉnh.
b) Nhiệm vụ chủ yếu:
- Bảo vệ rừng: Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có năm 2011 là 229.844 ha và diện tích rừng được trồng mới 24.600 ha, diện tích khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung thành rừng trong tổng số 9.400 ha địa phương dự kiến thực hiện trong giai đoạn quy hoạch 2011 - 2020.
- Về phát triển rừng
+ Trồng rừng tập trung trên đất trống: 24.600 ha (đặc dụng 2.375 ha; phòng hộ: 6.715 ha; sản xuất: 15.510 ha).
+ Trồng lại rừng sau khai thác trắng rừng trồng: 39.680 ha.
+ Trồng rừng theo biện pháp cải tạo rừng nghèo kiệt: 2.350 ha
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung: 9.400 ha (đặc dụng: 5.250 ha; phòng hộ: 4.150 ha).
+ Làm giàu/nuôi dưỡng rừng: 5.400 ha
+ Trồng cây phân tán: Trên 38-40 triệu cây lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cơ bản nhất trí với quy hoạch phát triển rừng theo báo cáo quy hoạch của tỉnh, tuy nhiên đề nghị tỉnh cân nhắc chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng cho phù hợp với quỹ đất trống IC hiện có của tỉnh.
- Khai thác gỗ và lâm sản
Trong kỳ quy hoạch 2011-2020 địa phương dự kiến sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 4.700.000 m3 gỗ, chia theo kỳ quy hoạch như sau:
+ Giai đoạn 2011-2015: Khai thác 2.200.000 m3 với sản lượng khai thác bình quân 440.000 m3/năm.
+ Giai đoạn 2016-2020: Khai thác 2.500.000 m3 với sản lượng khai thác 41.600 m3/năm.
+ Khai thác lâm sản ngoài gỗ: Chủ yếu là khai thác nhựa thông 21.310 tấn, bình quân 2.131 tấn/năm. Khai thác song mây, lá nón, đót, ba đậu nam, chè vằng khoảng 33.500 tấn, bình quân khai thác 3.500 tấn/năm.
- Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 605 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản nhỏ lẻ với công suất khoảng 165.000 m3 sản phẩm chủ yếu phụ vụ nhu cầu gia dụng.
Trong kỳ quy hoạch địa phương có chủ trương thực hiện:
+ Nâng cấp nhà máy chế biến gỗ MDF thuộc Công ty cổ phần gỗ MDF- VRG Quảng Trị thuộc tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thêm 02 dây chuyền sản xuất có công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm. Xây dựng 01 nhà máy chế biến dăm gỗ tại huyện Hải Lăng với công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm. Nâng cấp 03 nhà máy ván ghép thanh tại Đông Hà, Cam Lộ và Triệu Phong với tổng công suất khoảng 30.000 m3 sản phẩm/năm.
+ Quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản vào khu làng nghề, khu công nghiệp được đầu tư công nghệ, dây truyền chế biến hiện đại làm tăng giá trị sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhu cầu tiêu thụ gỗ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 như sau:
+ Chế biến gỗ dăm: 960.000 tấn.
+ Chế biến gỗ gia dụng, xây dựng, mỹ nghệ và MDF: 2.060.000 m3.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh thiết yếu
+ Hệ thống vườn ươm, rừng giống, vườn giống
Duy trì 18 vườn ươm hiện có và xây dựng mới 07 vườn ươm cơ giới để nâng công suất sản xuất đạt khoảng 17 triệu cây/năm, đáp ứng đủ cây giống cho nhu cầu trồng rừng, trồng cây phân tán hàng năm của tỉnh. Quản lý và sử dụng hiệu quả 4 khu rừng giống, vườn giống với diện tích 90 ha chủ yếu là cây đầu dòng Keo tai tượng và Keo lai.
Xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng như: Mở đường lâm nghiệp, trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng ...vv.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với quy hoạch khai thác gỗ, quy hoạch chế biến gỗ và lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh thiết yếu theo báo cáo quy hoạch của tỉnh.
c) Các giải pháp thực hiện quy hoạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản thống nhất với 08 nhóm giải pháp thực hiện theo báo cáo của tỉnh.
Theo báo cáo Quy hoạch của tỉnh khái toán vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp trong kỳ quy hoạch 2011-2020 khoảng 1.578,356 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011-2015 cần 828,046 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 can 750,310 tỷ đồng.
Cơ cấu các nguồn vốn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng: 499,753 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,6% tổng vốn đầu tư.
- Vốn vay tín dụng, ODA; liên doanh, tự có của doanh nghiệp, vốn khác: 1.078,603 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 68,4% tổng vốn đầu tư.
Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với khái toán vốn đầu tư theo báo cáo quy hoạch của tỉnh.
5. Tính khả thi của các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình dự án ưu tiên và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Nhìn chung số liệu về chỉ tiêu, nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các chương trình dự án ưu tiên và các giải pháp thực hiện theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Quảng Trị có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính khả thi. Tuy nhiên, về mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 đạt 20% diện tích rừng (tương ứng với 41.860 ha) có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Để đạt được mục tiêu trên, địa phương cần phải xây dựng lộ trình, kế hoạch cũng như nguồn tài chính để thực hiện trong kỳ quy hoạch để có tính khả thi cao.
II. ĐÁNH GIÁ BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2011-2020
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011- 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Những nội dung trong báo cáo cơ bản được cập nhật tương đối đầy đủ và chặt chẽ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Quảng Trị, tuy nhiên báo cáo còn một số nội dung chưa hợp lý hoặc cần được chỉnh sửa, bổ sung (được nêu cụ thể tại báo cáo kết quả thẩm định của Tổng cục Lâm nghiệp tại văn bản số 1103/BC-TCLN-KHTC ngày 15 tháng 8 năm 2012 gửi kèm theo).
Căn cứ vào các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị xem xét, chỉ đạo bổ sung những nội dung cần thiết để hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.