ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 2552/SYT-NVY |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 5 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành; |
Căn cứ Thông báo số 86/TB-VPCP ngày 30/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 06/5/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là công văn số 3775/BYT-KCB);
Căn cứ Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 07/05/2021 của Bộ Y tế về việc nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện (sau đây gọi tắt là Công điện số 615/CĐ-BYT);
Trước tình hình diễn biển phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; và qua kết quả kiểm tra thực tế đột xuất của Sở Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố; Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện khan trương và nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế theo Công văn số 3775/BYT-KCB và Công điện 615/CD-BYT (đính kèm) cụ thể như sau:
Đáp ứng tình hình dịch bệnh: Các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phương châm "4 tại chỗ", trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực (nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu...) để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch Covid-19.
Thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19: Các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 (theo Bộ tiêu chí ban hành tại các Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 và 4999/QĐ-BYT ngày 1-12-2020). Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn; kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động những cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.
Sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn: Các đơn vị tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng, cửa tiếp đón của cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 1385/CV-BCĐQG, ngày 19-3-2020, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 5188/QĐ-BYT , ngày 14-12-2020.
Thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh: Các cơ sở khám, chữa bệnh cần hạn chế tối đa người nhà, người thân đến; hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết; rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép; bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh; Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh, đồng thời, triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Xét nghiệm Covid-19: Các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Các bệnh viện định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi mắc Covid-19, như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...
Kê đơn thuốc: Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, các cơ sở y tế thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Chuyển tuyến và quản lý người bệnh xuất viện: Các cơ sở khám, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện; phải thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến. Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cho bệnh nhân Covid-19 xuất viện phải thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.
Quản lý nhân viên y tế: Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19: Thực hiện nghiêm thông điệp "5K", các biện pháp phòng hộ cá nhân; không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như: Nhà hàng buffet, công viên giải trí, rạp chiếu phim, quán bar, karaoke...
Thứ hai, qua kiểm tra thực tế đột xuất, Sở Y tế Thủ trưởng các đơn vị đặc biệt lưu ý một số hoạt động sau:
1. Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử theo chỉ đạo của Sở Y tế: Ban Giám đốc bệnh viện phải xem khai báo điện tử là công cụ đầu tiên để sàng lọc khi người bệnh đến bệnh viện. Đề nghị bệnh viện triển khai ngay:
- Bố trí nhân viên thường trực (đã được tập huấn) để hướng dẫn người bệnh làm thủ tục khai báo.
- Bắt buộc phải thực hiện khâu “check in” để xác nhận người bệnh đã vào bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải trang bị máy quét để thuận lợi trong thao tác “check in”.
- Phân công một phòng chức năng chịu trách nhiệm giám sát thường xuyên kết quả khai báo y tế, kiểm tra đối chiếu sự tương đồng giữa kết quả khai báo y tế thuộc nhóm nguy cơ với số lượt khám sàng lọc trong cùng một thời điểm.
- Lưu ý:
+ Hạn chế nhân viên bệnh viện khai báo thay cho người bệnh, thay vào đó, khuyến khích bệnh viện trang bị các phương tiện thuận lợi cho người bệnh tự khai báo (trường hợp người bệnh không có điện thoại để khai báo).
+ Bệnh viện cần có quy định để hạn chế thấp nhất trường hợp người bệnh có nguy cơ nhưng khai báo y tế không trung thực, như quy định các bác sĩ, điều dưỡng phải hỏi kỹ lại yếu tố dịch tễ khi tiếp nhận người bệnh lúc nhập vào khoa.
2. Củng cố hoạt động khám sàng lọc:
- Căn cứ vào kết quả khai báo để hướng dẫn ngay người bệnh đến buồng khám sàng lọc.
- Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cần phân công bác sĩ, điều dưỡng thường trực trong buồng khám sàng lọc.
- Buồng khám sàng lọc nên bố trí gần nơi khai báo y tế và tách rời khỏi khối nhà của khoa khám bệnh để hạn chế lây lan, trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ...
3. Củng cố hoạt động cấp cứu sàng lọc:
- Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, phân công bác sĩ, điều dưỡng thường trực trong buồng cấp cứu sàng lọc.
- Đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu phải được đưa vào buồng cấp cứu sàng lọc để sơ cấp cứu và khai báo y tế trước khi quyết định đưa người bệnh vào khoa cấp cứu.
- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, trang thiết bị cấp cứu, cơ số thuốc trong buồng cấp cứu sàng lọc.
4. Tổ chức diễn tập các tình huống theo kịch bản đã được bệnh viện xây dựng trước đó. Trong trường hợp gặp các tình huống khó xử lý (trong thực tế hoặc trong lúc diễn tập), lãnh đạo bệnh viện cần chủ động liên hệ Tổ chuyên gia để được tư vấn (đính kèm danh sách).
Việc tuân thủ nghiêm và triển khai hiệu quả các quy định của Bộ Y tế trong hoạt động phòng, chống dịch trong môi trường bệnh viện, không để bệnh viện trở thành nơi lây lan dịch COVID-19 là trách nhiệm của người đứng đầu và của mỗi cán bộ, nhân viên của đơn vị. Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho nhân viên, cụ thể hóa thành các quy định và quy trình phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng khoa, phòng và từng cá nhân, đẩy mạnh hoạt động giám sát và chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố.
(Đính kèm:
- Công văn số 3377/BYT-KCB ngày 26/4/2021 của Bộ Y tế,
- Thông báo số 86/TB-VPCP ngày 30/4/2021 của Văn phòng Chính phủ,
- Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 06/5/2021 của Bộ Y tế)./.
|
KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.