BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 240/TCT-DNL |
Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2012 |
Kính gửi: Cục Thuế Thành phố Hà Nội
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 20150 CT/Ttr2 ngày 9/8/2011 của Cục thuế Thành phố Hà Nội về việc đề nghị giải đáp vướng mắc sau thanh tra thuế tại Công ty thông tin viễn thông điện lực. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc điều chuyển giá trị thiết bị đầu cuối cho các Tổng công ty điện lực:
Điều 2 Chương I Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội quy định:
“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Tại điểm 1, Mục I, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng quy định:
“Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam …”
Bộ Tài chính đã có công văn số 13613/BTC-TCT ngày 02/11/2006 hướng dẫn Công ty EVN Telecom thực hiện phân bổ chi phí thiết bị đầu cuối (không thuộc TSCĐ) do Công ty thực hiện cung ứng lắp đặt cho khách hàng theo cơ chế đầu tư hỗ trợ không thu tiền hoặc bán giảm giá trong thời gian tối đa là 05 năm tính từ năm 2006.
Căn cứ quy định trên, Công ty Thông tin viễn thông điện lực thực hiện phát hành hóa đơn điều chỉnh (bằng giá trị điều chuyển cộng (+) 10% thuế GTGT tương ứng) cho các Tổng công ty điện lực đối với khoản chi phí thiết bị đầu cuối phát sinh do hỗ trợ máy điện thoại cho khách hàng không thu tiền hoặc bán giảm giá đang chờ phân bổ là không đúng quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Khoản chi phí này, Công ty thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 13613/BTC-TCT ngày 02/11/2006.
2. Đối với khoản chi phí xử lý nợ khó đòi:
Căn cứ quy định tại Điều 2 Chương I Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12; điểm 1, Mục I, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên.
Tại tiết b, điểm 3.4, Mục II Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định:
“Tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được (do người gây ra thiệt hại đền bù, do phát mại tài sản của đơn vị nợ hoặc người nợ, do được chia tài sản theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác).
Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và ngoại bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 5 năm và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác.”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp phát sinh khoản nợ không có khả năng thu hồi của các thuê bao điện thoại, các Tổng công ty điện lực phát hành hóa đơn cho Công ty thông tin viễn thông điện lực để thu phần thiệt hại, nội dung hóa đơn ghi: “Tiền phân chia rủi ro theo BB làm việc”; “Thanh lý nợ khó đòi theo TT13” hoặc “xóa nợ cho khách hàng 55%” có tính thuế 10% tương ứng là không đúng quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối với khoản nợ không thu hồi được phải xử lý thuộc trách nhiệm của Công ty thông tin viễn thông điện lực theo quy định của pháp luật, Công ty thông tin viễn thông điện lực sử dụng nguồn dự phòng phải thu khó đòi hoặc quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí của Công ty.
3. Đối với chi phí khấu hao tài sản cố định nhận bàn giao từ các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn điện lực không có hóa đơn GTGT theo quy định:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 27/9/2011 Văn phòng Chính phủ về việc lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT đối với tài sản điều chuyển theo đề nghị tại công văn số 3377/EVN-TCKT ngày 13/9/2011 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Tài chính đã có công văn số 747/BTC-TCT ngày 17/01/2012 hướng dẫn cụ thể về phạm vi tài sản, thời gian điều chuyển, bàn giao tài sản cố định không phải lập hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, đề nghị Cục thuế Thành phố Hà Nội căn cứ hướng dẫn tại công văn trên của Bộ Tài chính và quy định hiện hành về trích khấu hao tài sản cố định để hướng dẫn đơn vị thực hiện.
4. Về việc xác định thời gian phạt chậm nộp
Đề nghị Cục thuế thành phố Hà Nội căn cứ thời kỳ thanh tra và hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hướng dẫn về xử lý vi phạm pháp luật về thuế tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ và Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính để xử lý đối với vi phạm của Công ty Thông tin viễn thông điện lực.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế Thành phố Hà Nội biết và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.