BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2364/LĐTBXH-KHTC |
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2013 |
Kính gửi: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch năm 2014 theo các nội dung sau:
1. Yêu cầu trong xây dựng Kế hoạch năm 2014:
Tổ chức đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, dự báo 6 tháng cuối năm và ước thực hiện cả năm 2013; trong đó xác định rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp; những tồn tại, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện; những cơ chế, chính sách cần điều chỉnh, bổ sung…; đặc biệt cần phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới không đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Xác định chỉ tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 về lao động, người có công và xã hội căn cứ vào các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố thông qua; căn cứ vào Chương trình hành động của tỉnh ủy/thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; đồng thời dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2013 và dự báo tình hình kinh tế xã hội của địa phương, trong nước và thế giới trong thời gian tới.
Gắn với khả năng cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện của các cấp cơ sở để đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nâng cao khả năng xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
Đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của địa phương; bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực, ngân sách; đồng thời đảm bảo tiến độ, thời gian quy định.
2. Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 2014
2.1. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
2.2. Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch về lao động, người có công và xã hội
a. Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án đã ban hành tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho người lao động; tổ chức triển khai thực hiện Luật Việc làm (dự kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII); phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động trong nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt phát huy vai trò trung tâm của 3 Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quản lý tốt lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Từng bước thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động (về quy mô, chất lượng, ngành nghề…) đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế của các ngành, vùng, địa phương. Theo dõi chặt chẽ, kịp thời cập nhật tình hình lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô, ngừng sản xuất, phá sản… đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống… cho người lao động.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động đồng thời với kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, giảm tranh chấp lao động, đình công; theo dõi nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo. Tổ chức thực hiện tốt dự án Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng[1]; đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2020[2]. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thông tin đến người lao động, gia đình, chính quyền xã, phường... về thị trường lao động ngoài nước; về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong xuất khẩu lao động; cải cách thủ tục hành chính để thực hiện nhanh, giảm phiền hà, nhũng nhiễu người lao động khi làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chi phú làm thủ tục xuất cảnh… Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường.
b. Tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo hợp lý về quy mô, ngành nghề và cấp trình độ, đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước, xuất khẩu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới. Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011–2020[3]; dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (QĐ 1956).
Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề và quản lý dạy nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề.
Đa dạng hoá các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất; nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dạy nghề cho lao động xuất khẩu… Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động ở các cấp (cả nước, vùng, tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.
Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp; thông tin cho xã hội về hiệu quả hoạt động dạy nghề, kết quả đào tạo nghề trên các trang tin điện tử; hình thành các bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người học nghề.
c. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công; tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công để những người thực sự có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đề án tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Thực hiện báo tin mộ liệt sỹ đến gia đình liệt sỹ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công.
Quy hoạch, sắp xếp và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người có công; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo ổn định, lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
d. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống trên từng địa bàn. Lồng ghép các chương trình, dự án mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình, đề án về an sinh xã hội đã được ban hành. Đồng thời, rà soát để loại bỏ những chính sách không còn phù hợp hoặc sửa đổi, bổ sung những chính sách phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời; xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình phòng tránh và cứu trợ phù hợp để kịp thời ứng phó và hạn chế các tác động xấu của thiên tai, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống, cứu giúp lẫn nhau khi gặp thiên tai.
đ. Tổ chức thực hiệt tốt các chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, phát hiện xử lý nghiêm minh các hành động bạo lực, xâm hại trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên ngoài gia đình (từ cộng đồng và nhà nước); giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; giám sát đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế nhà nước không phải trả tiền.
e. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015. Từng bước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến về giới trong đời sống xã hội. Lồng ghép, đưa các nhiệm vụ về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu và gắn với nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới trong; tăng cường công tác giáo dục truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người về bình đẳng giới, pháp luật về các quyền của phụ nữ để họ tự bảo vệ mình; phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành động bạo lực xâm hại phụ nữ.
f. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán người.
Đổi mới công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; từng bước xây dựng hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực triển khai điều trị thay thế nghiện bằng chất dạng thuốc phiện (Methadone…) và các phương pháp điều trị khác đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện cho người nghiện ma túy ở các địa phương; tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện.
Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức; phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, dự phòng lây nhiễm HIV/ADIS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; chuyển hóa những xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, nhà trường… thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tránh xa ma túy, mại dâm; xây dựng lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường.
Cùng với thuyết minh đánh giá kết quả thực hiện năm 2012, 2013 và kế hoạch năm 2014, Bộ yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp đầy đủ số liệu vào các phụ lục kèm theo công văn này.
Để đảm bảo yêu cầu tiến độ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đúng nội dung, yêu cầu và gửi về Bộ trước ngày 12/7/2013, đồng thời gửi thư điện tử theo địa chỉ e-mail: phongkh_molisa@yahoo.com.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính, điện thoại 04.3.8269.544) để được hướng dẫn thêm./.
Nơi nhận: |
KT.BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.