BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2347/BNV-TL |
Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại các công văn số 5954/VPCP-KGVX ngày 22 tháng 7 năm 2013 và số 9885/VPCP-KGVX ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ về chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; theo chương trình công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Bộ Nội vụ đề nghị quý Bộ, cơ quan rà soát, báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chế độ phụ cấp lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý theo Đề cương gửi kèm.
Đề nghị Quý Bộ, cơ quan gửi báo cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 15 tháng 8 năm 2014 để nghiên cứu tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ CƯƠNG
BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG HIỆN HÀNH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN
CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
(Kèm theo công văn số 2347/BNV-TL ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nội vụ)
A. MỤC ĐÍCH:
Căn cứ Kết luận số 21-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2003 của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công”, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã và lực lượng vũ trang được thực hiện từ tháng 10 năm 2004.
Đến nay đã có 17 loại phụ cấp lương. Việc giải quyết trước một bước về phụ cấp đối với một số đối tượng tuy động viên được một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở một số ngành, nghề nhưng đã phát sinh bất hợp lý mới như các ngành, nghề chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp thâm niên nghề cũng đề nghị được hưởng phụ cấp hoặc các ngành đã được hưởng phụ cấp thì đề nghị nâng mức hưởng phụ cấp cao hơn, tạo ra tâm lý so sánh giữa các ngành, nghề. Việc giải quyết bổ sung các chế độ phụ cấp chưa đồng bộ, được quy định trong nhiều văn bản luật, Nghị định hướng dẫn luật chuyên ngành và do nhiều cơ quan có thẩm quyền quyết định, nên phá vỡ nguyên tắc thiết kế ban đầu, làm mất ý nghĩa của từng loại phụ cấp. Theo đó, căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại các công văn số 5954/VPCP-KGVX ngày 22 tháng 7 năm 2013 và số 9885/VPCP-KGVX ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, cơ quan rà soát, báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chế độ phụ cấp lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý để tổng hợp, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sắp xếp các chế độ phụ cấp trên cơ sở xác định rõ các ngành, nghề đặc thù vào thời điểm thích hợp.
B. NỘI DUNG:
I. VỀ CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG:
1. Đề nghị báo cáo, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế về các đối tượng hưởng phụ cấp, điều kiện áp dụng, mức hưởng, cách chi trả phụ cấp của từng loại phụ cấp lương đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm:
1.1. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo;
1.2. Phụ cấp thâm niên vượt khung;
1.3. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo;
1.4. Phụ cấp khu vực;
1.5. Phụ cấp đặc biệt;
1.6. Phụ cấp thu hút;
1.7. Phụ cấp lưu động;
1.8. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
1.9. Phụ cấp thâm niên nghề;
1.10. Phụ cấp ưu đãi theo nghề;
1.11. Phụ cấp trách nhiệm theo nghề;
1.12. Phụ cấp trách nhiệm công việc;
1.13. Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh;
1.14. Phụ cấp đặc thù áp dụng đối với lực lượng vũ trang;
1.15. Phụ cấp theo loại xã;
1.16. Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn;
1.17. Phụ cấp công vụ.
2. Đề nghị báo cáo về các chế độ phụ cấp do Bộ, cơ quan, địa phương quy định theo thẩm quyền (ngoài các chế độ phụ cấp quy định tại Khoản 1 nêu trên).
3. Tổng hợp số người được hưởng, mức và quỹ tiền phụ cấp của các loại phụ cấp lương đã nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 Mục I theo Biểu mẫu (gửi kèm theo) như sau:
- Các Bộ, cơ quan ở Trung ương theo Biểu số 1 và Biểu số 3;
- Các cơ quan ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Biểu số 2 và Biểu số 3.
II. VỀ HỆ SỐ TIỀN LƯƠNG TĂNG THÊM:
1. Đề nghị báo cáo, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế về các đối tượng, điều kiện áp dụng, mức hưởng, cách chi trả hệ số tiền lương tăng thêm.
2. Tổng hợp số người được hưởng hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức theo quy quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban Chứng khoán, Ban quản lý khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc, Hàng Không, Hàng Hải, Đăng Kiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,... (Biểu số 4 kèm theo).
III. NGUỒN ĐẢM BẢO TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP LƯƠNG:
1. Đối với khu vực cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội:
a) Kinh phí do ngân sách Trung ương bảo đảm;
b) Kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm.
2. Đối với khu vực sự nghiệp công lập:
a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước;
b) Kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định của Nhà nước.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng, điều kiện áp dụng, mức hưởng, cách chi trả phụ cấp lương và hệ số tiền lương tăng thêm hiện hành trong mối tương quan giữa các ngành, nghề; lý do đề xuất./.
Trong quá trình tổng hợp Báo cáo gửi về Bộ Nội vụ, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ với đồng chí Trịnh Thị Lan Anh, chuyên viên chính Vụ Tiền lương, số ĐT: 0989.288.860.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.