BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2156/BCT-TTTN |
Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
Bộ Công Thương nhận được Công văn số 825/UBND-KTN ngày 24 tháng 03 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (UBND Thành phố) về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư công đối với các chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Công tác phát triển và quản lý chợ thực hiện theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 và các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công...).
1. Theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP , Nghị định số 114/2009/NĐ-CP đối với công tác phát triển và quản lý chợ:
- Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách và phương hướng về phát triển và quản lý hoạt động chợ; xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên phạm vi toàn quốc...
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách nhà nước và chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ, ngành liên quan: hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho ban quản lý chợ, doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ; hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản lý chợ (đối với các loại chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư) sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan: Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất và sử dụng đất để đầu tư xây dựng chợ; Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ.
- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm: Ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để phát triển mạng lưới chợ. Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển chợ cả nước của từng địa phương; chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này, đồng thời sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách trung ương.
2. Đối với việc đầu tư chợ từ nguồn ngân sách nhà nước:
Việc đầu tư chợ từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo pháp luật về đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về đối tượng chợ được đầu tư từ ngân sách nhà nước: Khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973/2020/NQ-UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy về về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định: “Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của lĩnh vực thương mại: Chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu”.
Tại Khoản 8, Điều 2 Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 quy định: “Chợ dân sinh là chợ hạng 3 (do xã phường, quản lý) kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân”.
Tại Dự thảo Nghị định về Phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP) Bộ Công Thương đã trình Chính phủ (tháng 12/2022), chợ được phân loại theo phương thức kinh doanh gồm: chợ dân sinh và chợ đầu mối. Khái niệm chợ dân sinh được quy định như sau: “Chợ dân sinh là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân”.
Trên đây là ý kiến của Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng trong công tác phát triển chợ của địa phương phù hợp với quy định pháp luật hiện hành./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.