BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2016/LĐTBXH-TE |
Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập và hoạt động theo Luật Trẻ em nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên. Việc tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em phải được thực hiện đúng mục đích, theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em đã thực hiện tốt vai trò huy động các nguồn lực xã hội và hỗ trợ thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần không nhỏ vào mục tiêu chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Hiện nay, Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo, nhưng vẫn còn rất nhiều vùng trong cả nước đang đối mặt với nghèo đói, vẫn còn một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên sống trong điều kiện chưa được hưởng quyền và chưa hòa nhập với xã hội, như chăm sóc y tế, nước sạch, vui chơi, học tập, đặc biệt trong những năm gần đây tình hình thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của trẻ em... Tình trạng không hòa nhập xã hội do rất nhiều nhân tố gây ra bao gồm: sự chênh lệch về kinh tế, bất bình đẳng giới và sự khác biệt đáng kể giữa vùng nông thôn và thành thị, cũng như giữa các vùng địa lý. Thế giới đã và đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, trẻ em Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi về môi trường sống và giáo dục. Vì vậy, trẻ em Việt Nam cần sự bảo trợ không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, của các tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em và vai trò cầu nối của hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu về quyền trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện công tác Quỹ Bảo trợ trẻ em, cụ thể như sau:
1. Các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc thực hiện các mục tiêu về quyền trẻ em. Rà soát, đánh giá, tổng kết hoạt động của các Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Định hướng nhiệm vụ, hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án mới cho giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệti.
2. Việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp ở địa phương là cần thiết, song cần tránh tình trạng làm mất vai trò, chức năng nhiệm vụ của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong việc phục vụ công tác quản lý nhà nước về trẻ em; bảo đảm cơ cấu tổ chức và nhân lực chuyên nghiệp, phù hợp để thực hiện tốt công tác Quỹ Bảo trợ trẻ em tại địa phương. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương phải gắn với mục tiêu về quyền trẻ em của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp huyện và cấp xã (nếu có) được thành lập theo các quy định của pháp luật và quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội chung tay góp sức vì trẻ em. Các cấp, các ngành, các cơ quan ở địa phương cần chủ động hưởng ứng, tham gia các hoạt động, sự kiện truyền thông vận động xã hội và hỗ trợ cho trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát động, tổ chức tại địa phương.
4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương và đảm bảo sự công khai, minh bạch.
5. Cập nhật thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... cần hỗ trợ và đã được hỗ trợ vào hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hướng dẫn quản lý. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em giữa các cấp trong hệ thống Quỹ và chế độ báo cáo được giao tại các chương trình, dự án, kế hoạch về trẻ em.
Trân trọng cảm ơn./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
i (1) Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018); (2) Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018); (3) Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 03/01/2019); (4) Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 (Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019); (5) Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số1863/QĐ- TTg ngày 23/12/2019).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.