BỘ
CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2000/CSĐT(C44) |
Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2018 |
Kính gửi: Đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nhận được nhiều phản ánh của Cơ quan CSĐT Công an các địa phương về việc Cơ quan CSĐT và Viện kiểm sát cùng cấp chưa thống nhất thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự, nhất là trong việc thực hiện tạm giữ người và việc kiểm sát việc lập hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Sau khi có sự trao đổi và thống nhất quan điểm của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Công văn số 103/V14 ngày 07/3/2018), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an (Công văn số 543/V19-P2 ngày 06/3/2018), Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng (Công văn số 224/VPC-P4 ngày 06/3/2018), Cơ quan CSĐT Bộ Công an hướng dẫn tạm thời một số nội dung như sau:
I. Về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp và cách tính thời hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Khoản 4 Điều 110 quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn”.
Khoản 1 Điều 114 quy định: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”.
Khoản 1 Điều 118 quy định: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú”.
Căn cứ những quy định trên, thời hạn tạm giữ cần được hiểu như sau:
1. Khi Cơ quan điều tra tiếp nhận người bị giữ, người bị bắt từ cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm giữ kể từ khi tiếp nhận.
Trường hợp Cơ quan điều tra trực tiếp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thực hiện áp giải người đó về trụ sở của mình thì thời hạn tạm giữ được tính từ khi áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đó về đến trụ sở Cơ quan điều tra.
Đối với người phạm tội tự thú, đầu thú, thời hạn tạm giữ bắt đầu kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ.
2. Việc ra Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo quy định tại Điều 117 và được thực hiện trong thời hạn 12 giờ theo khoản 4 Điều 110 và khoản 1 Điều 114 mà không cần đợi đến khi Viện kiểm sát cùng cấp có phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (khoản 5 Điều 110 quy định hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có Quyết định tạm giữ). Nếu Cơ quan điều tra chờ khi Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mới ra Quyết định tạm giữ là không đúng theo quy định của Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Thời hạn 12 giờ theo khoản 4 Điều 110 và khoản 1 Điều 114 nằm trong thời hạn 03 ngày tạm giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 118.
4. Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong các trường hợp khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Do vậy, sau khi Viện kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Điều tra viên phải tiến hành lập Biên bản bắt người bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập Biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là cán bộ của cơ sở giam giữ.
II. Về việc đóng dấu bút lục và chuyển tài liệu điều tra theo khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm chuyển các biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.
2. Các biên bản, tài liệu điều tra của Cơ quan điều tra chuyển cho Viện kiểm sát đều phải được đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra vào góc trên, bên phải của tài liệu (nhưng chưa đánh số bút lục) và gửi kèm theo bản kê các tài liệu. Trong thời hạn 03 ngày, sau khi Viện kiểm sát đóng dấu bút lục, sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát, Cơ quan điều tra nhận bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó khi được Viện kiểm sát chuyển lại.
3. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản điều tra được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cần chú ý ghi nhận rõ tính nguyên trạng của các tài liệu, biên bản khi giao, nhận.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (qua C44) để tiếp tục hướng dẫn./.
|
THỦ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.