BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1809/BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2013 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Những tháng đầu năm 2013, diễn biến thời tiết, nguồn nước ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước tiếp tục bất lợi đối với sản xuất. Mưa ít, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với cùng kỳ hàng năm, dẫn đến dòng chảy trên các sông, suối ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, gây khó khăn cho việc lấy nước tưới của công trình thủy lợi. Lượng nước về các hồ chứa thủy điện, thủy lợi rất ít, dẫn đến phải triển khai nhiều giải pháp chống hạn với khối lượng lớn và cần thực hiện ngay để tranh thủ lấy nước xả về hạ du từ các nhà máy thủy điện. Xâm nhập mặn vào sâu đất liền làm cho lượng nước ngọt chảy qua cống không đạt theo thiết kế, các máy bơm hoạt động không đủ số lượng theo yêu cầu. Đối với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa tháng 4/2013 đến nay tiếp tục chịu tác động của thời tiết khô hạn, hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất vụ Hè Thu 2013.
Bộ Nông nghiệp & PTNT tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Tình hình thời tiết, nguồn nước
- Mưa: 4 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ mưa ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt bình quân 40-70% mức trung bình hàng năm, lượng mưa thiếu hụt từ 100-300mm. Từ đầu tháng 5/2013 đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mưa đều với tổng lượng mưa đạt 80-100mm, vùng Duyên hải Nam Trung bộ không có mưa hoặc mưa nhỏ (vùng này còn chịu ảnh hưởng của gió tây nam khô nóng, nền nhiệt độ cao, bốc hơi lớn).
- Hồ chứa Thủy lợi: Tính đến ngày 27/5/2013, các hồ chứa vừa và lớn ở Duyên hải Nam Trung bộ có dung tích thực tế so với thiết kế bình quân đạt 51%, một số địa phương có hồ chứa bị cạn kiệt nhiều, như: Bình Định (3 hồ chứa là Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội dung tích đạt khoảng 14% thiết kế), Ninh Thuận (hồ Tân Giang chỉ có 3.09 / 13.49 tr.m3 TK, Sông Trâu 2.14 / 31.53 tr.m3 TK), Bình Thuận (hồ Đu Đủ có dung tích 3.62 tr.m3 đã xuống mực nước chết, hồ Sông Lòng Sông có 5.07 / 37.23 tr.m3 TK); các hồ chứa nhỏ dung tích còn lại không nhiều, khoảng 2/3 số hồ đã gần xuống mực nước chết hoặc đã cạn nước (tỉnh Bình Định 110/161 hồ, Ninh Thuận 20 hồ, Bình Thuận 6 hồ).
- Hồ chứa Thủy điện: Tính đến ngày 27/5/2013, dung tích bình quân của 7 hồ chứa khu vực Duyên hải Nam Trung bộ còn 35% so với thiết kế (riêng hồ Đăk Mi 4 đạt 82% so với thiết kế). Hiện tại, dung tích hữu ích hồ chứa A Vương có 108/343 tr.m3 TK, Đăk Mi 4 có 143/310 tr.m3 TK, Đa Nhim 55/165 tr.m3 TK, Sông Ba Hạ 62/350 tr.m3 TK, Sông Hinh 149/357 tr.m3 TK, Hàm Thuận-Đa Mi 93/695 tr.m3 TK, Đại Ninh 53/319 tr.m3 TK).
- Xâm nhập mặn: những tháng đầu năm 2013, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với cùng kỳ hàng năm. Trong tháng 4, độ mặn ở hầu hết các cửa sông cao hơn mức bình thường hàng năm, nhất là các khu vực ở xa dòng sông chính, như: sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây... Từ đầu tháng 5/2013 đến nay, do có mưa, dòng chảy về hạ du sông Cửu Long tăng lên, nên xâm nhập mặn tại các cửa sông đã được cải thiện, độ mặn giảm xuống, ranh mặn 1 g/lít vào nội địa phổ biến từ 30-40km.
2. Tình hình sản xuất, hạn hán và xâm nhập mặn
Vụ Hè Thu 2013, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch sản xuất 1.890.637 ha, trong đó Duyên hải Nam Trung bộ 205.237 ha và Đồng bằng sông Cửu Long 1.685.400 ha. Tính đến ngày 27/5/2013, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã gieo sạ được 37.693 ha, đạt 25% kế hoạch (diện tích còn lại phần nhiều thuộc các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có lịch gieo sạ đến 15/6/2013), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được 1.267.848 ha, đạt 75% kế hoạch (diện tích còn lại chủ yếu ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, tuy nhiên đến 10/6/2013, những diện tích còn lại sẽ không sản xuất vụ Hè Thu do hết thời vụ).
Do mưa ít, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đạt thấp, dòng chảy trên các sông, suối suy giảm, nên các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã chỉ đạo chuyển đổi cây trồng hoặc ngừng sản xuất vụ Hè Thu. Tính đến ngày 27/5/2013, toàn vùng có 11.673 ha phải ngừng sản xuất (Bình Định 3.151 ha, Phú Yên 22 ha, Ninh Thuận 8.500 ha), riêng tỉnh Bình Thuận có 14.000 ha từ nay đến 30/6/2013, khi có mưa sẽ gieo sạ, diện tích còn lại ngừng sản xuất Hè Thu); có 6.220 ha chuyển đổi từ lúa sang trồng cây cạn, như: ngô, đậu, mỳ, rau màu (Đà Nẵng 300 ha, Quảng Nam 3.500 ha, Bình Định 2.212 ha, Phú Yên 208 ha).
3. Công tác chỉ đạo phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn
a. Trung ương
Trước những diễn biến bất lợi về thời tiết, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã theo dõi sát diễn biến nguồn nước và chủ động chỉ đạo địa phương sớm bố trí sản xuất vụ Hè Thu 2013 theo khả năng nguồn nước và triển khai các giải pháp tích nước hồ chứa, nạo vét, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, xả nước hồ thủy điện, điều hành cấp nước luân phiên, tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... để chống hạn, cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt; tổ chức các Hội nghị vùng để triển khai sản xuất và thống nhất giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với các địa phương.
Bộ Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố áp dụng giải pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, vận dụng kỹ thuật gieo thẳng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi, tổ chức lấy nước theo lịch để phòng, chống hạn. Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực tế tại các địa phương Duyên hải Nam Trung Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo và Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam... đã xây dựng nhiều phóng sự, biên tập các bản tin về tình hình lấy nước của các địa phương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công thương... và thường xuyên, liên tục phát tin trên phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời tuyên truyền kế hoạch cấp nước đến chính quyền cơ sở và bà con nông dân.
b. Địa phương
Trong suốt vụ Đông Xuân 2012-2013 và đầu vụ Hè Thu 2013, các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn từ đầu mối đến mặt ruộng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như: nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn, kênh rạch, lắp đặt máy bơm dã chiến, đắp đập tạm giữ nước, bơm truyền nhiều lần để cấp nước.
Bước vào sản xuất vụ Hè Thu, dung tích trữ còn lại của các hồ chứa thủy lợi rất hạn chế (nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn kiệt hoặc gần xuống đến mực nước chết), mực nước sông, suối hạ xuống thấp, công trình thủy lợi không đảm bảo cung cấp nước tưới suốt vụ Hè Thu 2013, do vậy nhiều diện tích ở vùng cuối hệ thống thủy lợi, vùng có địa thế cao cần phải chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước. Các tỉnh, thành phố đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí mua giống cho người dân để khôi phục sản xuất.
Để đảm bảo nước tưới vụ Hè Thu 2013, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra, giải quyết những phát sinh cụ thể ở địa phương. Các Công ty Khai thác công trình Thủy lợi liên tỉnh, liên huyện đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tốt việc điều hành hệ thống thủy lợi, nhất là trong các đợt xả nước hồ chứa thủy điện, chính quyền cơ sở và người dân đã thực hiện hiệu quả giải pháp lấy nước và tích, trữ nước trong hệ thống để sử dụng khi có hạn hán.
Để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn và giảm bớt khó khăn cho người dân trong trường hợp bị thiên tai hạn hán, Bộ Nông nghiệp & PTNT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra thực tế, tổng hợp nhu cầu của các địa phương và đề xuất Chính phủ xem xét, trợ cấp gạo cứu đói đối với người dân vùng bị hạn có diện tích ngừng sản xuất.
- Hỗ trợ kinh phí mua giống khôi phục và phát triển sản xuất vụ Hè Thu 2013
Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/ QĐ-TTg, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng kinh phí hỗ trợ mua giống (ngô, lạc, đậu, mè, sắn, rau...) để khôi phục và phát triển sản xuất vụ Hè Thu 2013 cho các tỉnh, thành phố Duyên hải Nam Trung bộ, số tiền là 73 tỷ đồng (Đà Nẵng 1,1 tỷ; Quảng Nam 10,9 tỷ; Quảng Ngãi 8,9 tỷ; Bình Định 21,4 tỷ; Phú Yên 10 tỷ; Khánh Hòa 3,7 tỷ; Ninh Thuận 2 tỷ; Bình Thuận 15 tỷ).
- Hỗ trợ kinh phí chống hạn hán, xâm nhập mặn vụ Hè Thu 2013
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 hướng dẫn thi hành pháp lệnh, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm ứng kinh phí hỗ trợ chống hạn hán, xâm nhập mặn (nạo vét, tiền điện, dầu bơm nước và lắp đặt máy bơm dã chiến) để cấp nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2013 cho các tỉnh, thành phố Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, số tiền là 295 tỷ đồng (Đà Nẵng 5 tỷ; Quảng Nam 15 tỷ; Quảng Ngãi 15 tỷ; Bình Định 20 tỷ; Phú Yên 10 tỷ; Khánh Hòa 10 tỷ; Ninh Thuận 15 tỷ; Bình Thuận 15 tỷ; Long An 10 tỷ; Đồng Tháp 15 tỷ; An Giang 20 tỷ; Kiên Giang 20 tỷ; Tiền Giang 15 tỷ; Bến Tre 15 tỷ; Trà Vinh 15 tỷ; Vĩnh Long 10 tỷ; Hậu Giang 15 tỷ; Cần Thơ 10 tỷ; Sóc Trăng 15 tỷ; Bạc Liêu 15 tỷ; Cà Mau 15 tỷ).
Bộ Nông nghiệp & PTNT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.