BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1749/BKHĐT-KTĐN |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024 |
Kính gửi: |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang |
Theo kế hoạch tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp (gọi tắt là Kỳ họp lần thứ 8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua đã phối hợp, trao đổi với Cơ quan Kinh tế Pháp thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và xin báo cáo phương án tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 như sau:
1. Lý do và sự cần thiết tổ chức Kỳ họp lần thứ 8
Đối thoại cấp cao về kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp là Diễn đàn đối thoại thường niên do Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh đạo Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp (nay là Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và Số hóa) đồng chủ trì, được tổ chức mỗi năm một lần, luân phiên tại từng quốc gia.
Căn cứ thông lệ tổ chức và tình hình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong thời gian qua, hai bên nhận thấy cần tiến hành Kỳ họp lần thứ 8 để rà soát, trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, đa phương hiện tại và tương lai, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị khu vực châu Âu đang có nhiều biến động phức tạp, tác động trực tiếp đến các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia.
2. Nội dung Kỳ họp lần thứ 8
Hai bên dự kiến sẽ trao đổi về: (i) Tình hình triển khai các chương trình, dự án hợp tác song phương, đa phương quan trọng kể từ Kỳ họp lần thứ 7; (ii) Định hướng Chiến lược của Pháp tại Việt Nam; tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; các công cụ tài chính của Pháp dành cho Việt Nam; triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh (như: Nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp,..).
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam) chuẩn bị nội dung Kỳ họp lần thứ 8 trên cơ sở Chương trình nghị sự Kỳ họp dự kiến đã được trao đổi, thống nhất với phía Pháp (đề cập tại Phụ lục đính kèm).
3. Thời gian, địa điểm và thành phần tham dự Kỳ họp lần thứ 8
3.1. Về thời gian và địa điểm: Kỳ họp lần thứ 8 dự kiến tổ chức trong 02 ngày (không kể thời gian di chuyển) vào tháng 4 năm 2024 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Theo thỏa thuận, phía Pháp hiện đang xem xét, quyết định ngày họp chính thức và sẽ thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thời gian sớm nhất.
3.2. Về thành phần tham dự của Đoàn Việt Nam: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Kỳ họp lần thứ 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ nội dung của Kỳ họp lần thứ 8 sẽ thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện của một số Bộ, ngành chủ chốt với phương châm gọn nhẹ, tiết kiệm và hiệu quả.
Với nội dung báo cáo nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét:
1. Cho phép tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp vào tháng 4 năm 2024 với nội dung dự kiến nêu ở mục 2 văn bản này. Kinh phí tham dự Kỳ họp do ngân sách nhà nước của cơ quan cử cán bộ tham dự tự chi trả theo quy định.
2. Giao Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương làm Trưởng đoàn, đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
3. Giao các Bộ, ngành (nêu tại mục 2) khẩn trương chuẩn bị nội dung và cử đại diện tham dự Kỳ họp nêu trên theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kính trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét và quyết định./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
(kèm văn bản số 1749/BKHĐT-KTĐN ngày 11/3/2024)
(DỰ THẢO)
CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ
SỰ KỲ HỌP LẦN THỨ 8
ĐỐI THOẠI CẤP CAO THƯỜNG NIÊN VỀ KINH TẾ VIỆT - PHÁP
Paris, ngày tháng 4 năm 2024
I. Khai mạc:
- Đồng chủ trì phía Pháp: Phát biểu chào mừng, giới thiệu thành phần đại biểu đoàn Pháp
- Đồng chủ trì phía Việt Nam: Đáp từ và giới thiệu thành phần đại biểu đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp.
II. Tình hình kinh tế:
(i) Tình hình kinh tế - xã hội, tiến trình cải tổ tại Pháp và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
(ii) Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.
III. Các vấn đề song phương:
(i) Về thu hút đầu tư nước ngoài:
=> Chiến lược của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm thu hút đầu tư công nghệ cao từ CH. Pháp.
=> Tranh chấp, vướng mắc về thuế: Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Miền Nam - Hóa dầu Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; Tập đoàn InVivo.
(ii) Nông nghiệp, lương thực thực phẩm:
=> Cơ hội và tiềm năng hợp tác với Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực thực phẩm hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.
=> Dự án đang triển khai: Dự án Thành lập chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội.
=> Triển vọng hợp tác: Thỏa thuận hợp tác Việt - Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp.
(iii) Giao thông vận tải:
-> Các dự án đang triển khai: Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 của tp. Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 của tp. Hồ Chí Minh.
=> Triển vọng hợp tác:
- Về Đường sắt: Dự án thí điểm về điện khí hóa và cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; Kết nối đường sắt đi/đến sân bay Long Thành; Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
- Xây dựng và mở rộng các cảng hàng không Việt Nam (bao gồm sân bay quốc tế Long Thành).
- Hiện đại hóa đội ngũ tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam.
(iv) Năng lượng
=> Các dự án đang triển khai: Dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 1; các dự án năng lượng tái tạo; Dự án năng lượng sinh khối trấu (Sanofi).
=> Triển vọng hợp tác: Hydrogen; Điện hạt nhân.
(v) Khoáng sản và đất hiếm
(vi) Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp
(vii) Công nghệ cao:
=> Hợp tác tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm công nghệ cao như: Chất bán dẫn, sản xuất chip,...
=> Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực năng lượng mới, chất bán dẫn; chuyển giao công nghệ.
(viii) Truyền thông
=> Dự án điều chỉnh cổ phần của Công ty K+;
(ix) Hợp tác phát triển
III. Các vấn đề châu Âu và đa phương
=> Tiếp cận thị trường Việt Nam và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam
=> Thỏa thuận hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng - Just Energy Transition Partnership (bao gồm Chương trình Chuyên gia kỹ thuật quốc tế - ETI).
=> Tình hình Việt Nam theo quan điểm của Tổ chức đặc nhiệm tài chính quốc tế GAFI (tên tiếng Pháp) & FATF (tên tiếng Anh)
IV. Ký kết các thỏa thuận hợp tác (tùy thuộc tiến độ các dự án hợp tác).
V. Bế mạc
Đồng chủ trì của hai bên kết luận, bế mạc Kỳ họp lần thứ 8.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.