BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1728/BTC-TCHQ |
Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2019 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Qua quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động của các doanh nghiệp chế xuất (DNCX) hiện nay, Bộ Tài chính thấy có một số bất cập, vướng mắc cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp lý cũng như hướng dẫn thực hiện trong giai đoạn trước mắt, cụ thể như sau:
1. Đánh giá thực trạng hoạt động của các DNCX hiện nay:
Qua rà soát trên phạm vi toàn quốc thì hiện nay số lượng DNCX bao gồm cả doanh nghiệp trong KCX và ngoài KCX, kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu và bán nội địa cụ thể theo bảng thống kê sau:
Tổng số DNCX |
Kim ngạch năm 2016 (tỷ USD) |
Kim ngạch năm 2017 (tỷ USD) |
Kim ngạch năm
2018 (tỷ USD) |
|||||||
Trong khu chế xuất |
Ngoài khu chế xuất |
Nhập khẩu |
Xuất khẩu |
Bán nội địa |
Nhập khẩu |
Xuất khẩu |
Bán nội địa |
Nhập khẩu |
Xuất khẩu |
Bán nội địa |
208 |
927 |
57,5 |
71 |
6,9 |
79,5 |
90,1 |
14,1 |
78,2 |
80,1 |
8 |
Như vậy, mặc dù số lượng DNCX hiện nay trên toàn quốc chỉ có 1135 doanh nghiệp so với hơn 80.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (chiếm gần 1,4% các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu) nhưng có kim ngạch chiếm trên 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cả nước hiện có 03 KCX là KCX Linh Trung, KCX Tân Thuận (Tp Hồ Chí Minh) và KCX Long Bình (trong khu công nghiệp Long Bình thuộc tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, thực tế tại cả 03 khu chế xuất này có tồn tại cả các doanh nghiệp không hưởng chính sách ưu đãi là DNCX (như tại KCX Linh Trung có 43 DNCX và 11 doanh nghiệp không phải là DNCX). Trên thực tế tại khu chế xuất Linh Trung và Tân Thuận có bố trí lực lượng hải quan giám sát trực tiếp tại cổng khu nhưng do có cả doanh nghiệp thường nên việc giám sát không hiệu quả vì thực tế không phân biệt được hàng ra vào của DNCX hay không và quy định pháp luật hải quan thì không giám sát trực tiếp tại cổng DNCX. Tại khu chế xuất Long Bình thì không bố trí lực lượng hải quan để thực hiện giám sát trực tiếp tại cổng mà quản lý như đối với các DNCX nằm trong KCN.
Về chính sách ưu đãi thuế thì DNCX bao gồm cả trong KCX và ngoài KCX hiện nay đều đang áp dụng chính sách là khu phi thuế quan. Khi DNCX nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất và hàng hóa để sử dụng trong DNCX thì đang hưởng chính sách là đối tượng không chịu thuế. Khi bán sản phẩm sản xuất ra vào thị trường nội địa thì người mua hàng tại nội địa phải làm thủ tục nhập khẩu và nộp thuế đối với sản phẩm theo quy định về thuế như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.
2. Các quy định pháp lý liên quan đến DNCX:
2.1. Theo pháp luật về đầu tư về thành lập và hoạt động của DNCX:
a. Luật Đầu tư:
- Về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư thì tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư mới xuất trình văn bản thể hiện nội dung thỏa thuận thuê địa điểm để thực hiện dự án đầu tư hoặc đang trong quá trình đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa chứng minh được việc đã hoàn thiện hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào ngăn cách khu vực hoạt động của doanh nghiệp với lãnh thổ bên ngoài.
- Luật Đầu tư không quy định tiêu chí để quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho DNCX.
b. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP) quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế:
- Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định quy định KCX là KCN chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. KCX được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với KCN và KCX được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Theo Khoản 11 Điều 2 Nghị định quy định DNCX là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong KCX hoặc DNCX chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế. DNCX không nằm trong KCX được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Theo Khoản 1 Điều 30 Nghị định quy định KCX, DNCX được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. DNCX được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư
- Theo Khoản 2 Điều 30 Nghị định quy định trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các DNCX. KCX, DNCX hoặc phân khu công nghiệp dành cho DNCX được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.
Như vậy, theo hệ thống văn bản pháp quy của Luật Đầu tư thì không quy định điều kiện cụ thể khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho DNCX. Tuy nhiên có quy định DNCX được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan nhưng không quy định cụ thể đảm bảo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan cụ thể bao gồm những điều kiện gì. Do vậy, thực tế khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho DNCX có những trường hợp còn chưa có tường rào hay không có cơ quan nào xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng liên quan.
2.2. Theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
b.1. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”
b.2. Theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và các văn bản quy định pháp luật về hải quan chưa có quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với khu phi thuế quan.
Hiện nay, được áp dụng chính sách phi thuế quan có một số khu, kho như kho ngoại quan, kho bảo thuế, cửa hàng miễn thuế thì đã có quy định về điều kiện kiểm tra giám sát của cơ quan hải quan tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh của hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, cụ thể là:
- Phải có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài;
- Có hệ thống camera giám sát 24/7 kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan;
- Báo cáo nhập- xuất- tồn hàng hóa định kỳ với cơ quan hải quan.
3. Phân tích, đánh giá hoạt động với DNCX hiện nay theo quy định pháp lý liên quan:
- Các DNCX hiện nay đang được hưởng chính sách là khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (trước đây là quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP). Tuy nhiên, căn cứ quy định Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ việc đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan khác. Thực trạng trước khi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/7/2018) thì việc cấp phép đầu tư là DNCX theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP cũng không có tiêu chí cụ thể khi cấp phép là DNCX. Cơ quan Hải quan đang căn cứ vào Giấy phép đầu tư đã được cấp để quản lý là DNCX và thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định. Như vậy, có thể thấy việc thành lập DNCX là giống như doanh nghiệp thông thường khác nhưng lại được hưởng chính sách phi thuế quan.
- Pháp luật cho phép DNCX được bán sản phẩm sản xuất ra vào thị trường nội địa và phải thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ khi bán. Do vậy, việc quản lý hoạt động bán, tiêu thụ nội địa của DNCX mà không có quy định về kiểm tra, giám sát tại các DNCX như hiện nay là hoàn toàn phụ thuộc vào tính tuân thủ pháp luật của các DNCX trong khi quy định là DNCX phải đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý liên quan khác.
- Tại các DNCX, cơ quan hải quan hiện tại không bố trí công chức giám sát trực tiếp. Riêng đối với 03 KCX là Linh Trung, Tân Thuận và Long Bình thì hiện nay chỉ bố trí giám sát tại cổng ra vào khu Linh Trung, Tân Thuận. Tuy nhiên, do trong các khu này có cả các doanh nghiệp thường nên việc giám sát, kiểm tra tại cổng khu này không hiệu quả. Như vậy về thực trạng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan đối với DNCX theo quy định pháp luật đầu tư thì cũng như doanh nghiệp thường khác. Về tổng kim ngạch của các DNCX theo thống kê như trên thì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung, đối với chính sách thuế thì được hưởng là khu phi thuế quan.
a. Liên quan đến quy định DNCX phải đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý liên quan:
Trên cơ sở quy định pháp lý nêu tại điểm 2 và các nội dung phân tích, đánh giá thực trạng. Để có cơ sở cho cơ quan thực hiện quản lý đối với DNCX, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan đối với DNCX vào Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Có tường rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài.
+ Camera giám sát hiển thị rõ hình ảnh hàng hóa đi vào, đi ra; hình ảnh quá trình sản xuất tại doanh nghiệp. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
+ Dữ liệu về hình ảnh camera được lưu giữ tại doanh nghiệp tối thiểu 12 tháng;
+ Hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
- Có hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể kết xuất được số liệu nhập- xuất- tồn nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để báo cáo quyết toán tình hình sử dụng với cơ quan hải quan.
Trước mắt, đối với vướng mắc tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định “Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư”, trong khi chưa có quy định cụ thể về điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, chưa quy định về thủ tục (như hồ sơ, thời hạn xử lý...) thì đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ cấp phép đầu tư là DNCX khi doanh nghiệp cam kết đáp ứng điều kiện có hàng rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài; có camera giám sát và có hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; có thể kết xuất được số liệu nhập- xuất- tồn nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để báo cáo quyết toán tình hình sử dụng với cơ quan hải quan. Khi đáp ứng đủ điều kiện thì mới công nhận là DNCX và giao cơ quan Hải quan kiểm tra trước khi DNCX đi vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
b. Liên quan đến việc thuê kho ngoài để lưu giữ nguyên liệu, vật tư và sản phẩm của DNCX (không tổ chức sản xuất tại kho thuê):
Trong quá trình quản lý DNCX hiện nay đang phát sinh vướng mắc liên quan đến nhu cầu thuê kho ngoài DNCX tại các khu vực ngoài khu công nghiệp để lưu giữ nguyên liệu, vật tư hoặc sản xuất, cụ thể như sau:
Trường hợp phát sinh là các DNCX nằm trong các khu công nghiệp đã lấp đầy các nhà đầu tư, nay các DNCX này mong muốn mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất dẫn đến nhu cầu thuê kho ngoài DNCX. Nhu cầu này diễn ra khá phổ biến tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng.... Về cơ sở pháp lý đối với hoạt động thuê kho ngoài DNCX thì:
- Về pháp luật hải quan, theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 và khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ thì tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng xuất khẩu (gồm DNCX) khi lưu giữ hàng hóa ngoài khu vực sản xuất phải được sự đồng ý của cơ quan hải quan.
- Về phập luật đầu tư, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định (i) nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm; (ii) để kinh doanh tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành, theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật đầu tư thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện nhất định; theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì hoạt động của nhà đầu tư trong các khu này gồm thuê, mua nhà xưởng, văn phòng, kho bãi đã xây dựng để phục vụ sản xuất.
Trên cơ sở các quy định nêu trên Điều 80 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính đã quy định đối với trường hợp DNCX thuê kho trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để lưu giữ nguyên liệu, vật tư và thành phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính DNCX, không thực hiện sản xuất tại kho thuê.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể đối với trường hợp DNCX thuê kho ngoài để lưu giữ nguyên liệu, vật tư và sản phẩm tại địa điểm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và không quy định cấm DNCX thực hiện hoạt động này. Như vậy, để giải quyết được các vướng mắc phát sinh cho DNCX tại các địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao mong muốn được thuê kho ngoài DNCX để lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản phẩm (không tổ chức sản xuất tại kho thuê) tại các địa điểm nằm gần khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì cần bổ sung quy định cụ thể tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Trước mắt, đối với các DNCX có nhu cầu thuê kho ngoài tại các tại các địa điểm nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời đáp ứng yêu cầu giám sát của cơ quan hải quan.
c. Thực trạng trong KCX hiện nay có cả những doanh nghiệp thường (không phải DNCX). Vậy chính sách áp dụng như thế nào đối với các doanh nghiệp này vì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghi định số 82/2018/NĐ-CP (trước đây là Nghị định số 29/2008/NĐ-CP) quy định KCX là khu phi thuế quan. Do vậy, Bộ Tài chính trao đổi với quý Bộ để rà soát lại việc thành lập và cấp phép cho các doanh nghiệp trong KCX đúng với quy định tại Nghị định dẫn trên.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính trao đổi với quý Bộ về thực trạng việc thành lập DNCX, KCX những vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý hoạt động của DNCX, KCX và đề nghị quý Bộ sớm có hướng dẫn để việc xử lý thống nhất.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Bộ./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.