BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/BTC-TCDN |
Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 12/6/2020, Bộ Tài chính đã có công văn số 7131/BTC-TCDN về phương án xử lý nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngày 25/9/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 8058/VPCP-KTTH về việc phương án xử lý nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động, trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến: "1. Đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại văn bản nêu trên về xử lý một số khoản nợ của Hợp tác xã ngừng hoạt động. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện cụ thể bảo đảm xử lý sớm, dứt điểm các khoản nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động...". Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày 23/11/2020, Bộ Tài chính có công văn số 14297/BTC-TCDN về việc xử lý các khoản nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động (kèm theo dự thảo công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xử lý các khoản nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động) đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia ý kiến. Ngày 01/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 8646/NHNN-TD về việc hướng dẫn xử lý các khoản nợ của HTX ngừng hoạt động. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý nợ của hợp tác xã ngừng hoạt động như sau:
1. Về xử lý một số khoản nợ của HTX ngừng hoạt động
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các quy định tại điểm này để chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc xử lý một số các khoản nợ của các HTX ngừng hoạt động.
1.1. Về xử lý tiền nợ thuế:
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020. Trong đó, tại Điều 85 Luật này đã quy định cụ thể các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
- Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (bao gồm cả HTX) không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực. Phạm vi xử lý là các khoản tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.
- Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.
1.2. Về xử lý nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng
a) Về xử lý nợ tại các tổ chức tín dụng:
- Đối với khoản vay thông thường (không thuộc đối tượng của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng quy định, cụ thể tại Điều 7 (Quyền tự chủ hoạt động) Khoản 2, khoản 4, Điều 95 (về chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất), Khoản 2 Điều 131 (Dự phòng rủi ro).
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng và Điều 12 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
- Đối với các khoản vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ thực thi cụ thể tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018.
- Về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được thực hiện tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan.
b) Về xử lý nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
(i) Đối với nợ của Hợp tác xã tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 17, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, việc xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT Việt Nam) được thực hiện theo Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương đối với một số nội dung chính của Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT Việt Nam. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT Việt Nam. Theo đó, việc xử lý nợ bị rủi ro của các hợp tác xã tại NHPT Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Quy chế xử lý rủi ro được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
(ii) Đối với nợ của Hợp tác xã tại Ngân hàng Chính sách Xã hội:
Việc xử lý nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH và các văn bản hướng dẫn có liên quan theo quy định của pháp luật.
(iii) Đối với nợ của hợp tác xã tại Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam:
Quỹ HTX không có dư nợ cho vay đối với hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Đối với số dư nợ quá hạn, Quỹ HTX vẫn đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ theo quy định.
1.3. Về xử lý các khoản nợ doanh nghiệp nhà nước
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó tại khoản 1, khoản 3, Điều 7 đã quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
- Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp (Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2019 và áp dụng từ năm tài chính 2019), trong đó tại khoản 2, khoản 4, Điều 6 đã hướng dẫn cụ thể việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và xử lý tài chính các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
1.4. Về nợ khác
a) Về xử lý nợ ngân sách nhà nước về khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước phải hoàn trả
Tại khoản 4, Điều 60, Luật Hợp tác xã năm 2012 về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước quy định: "UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật".
Tại khoản 10, Điều 30, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh quy định: "Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về HTX trên địa bàn".
Đối với khoản hỗ trợ của Nhà nước phải hoàn trả là khoản nợ ngân sách nhà nước, căn cứ quy định về trách nhiệm của UBND các cấp về quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan làm rõ các khoản nợ của HTX, liên hiệp HTX là khoản hỗ trợ của Nhà nước phải hoàn trả; nguồn gốc các khoản nợ này; đánh giá khả năng trả nợ và lập phương án xử lý nợ để trình UBND tỉnh xem xét, xử lý cụ thể theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Về xử lý các khoản nợ khác
Đối với các khoản nợ của hợp tác xã (HTX) như: phải trả người bán, người lao động, tín dụng nội bộ...căn cứ quy định tại Luật hợp tác xã năm 2012 về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về HTX: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan làm rõ từng khoản nợ, tính chất và nguồn gốc của các HTX, liên hiệp HTX. Đánh giá khả năng trả nợ và xây dựng phương án xử lý nợ phù hợp trình UBND xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Về một số nội dung liên quan đến xử lý các HTX ngừng hoạt động
Tại công văn số 7131/BTC-TCDN ngày 12/6/2020, Bộ Tài chính đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung liên quan đến xử lý HTX, liên hiệp HTX ngừng hoạt động. Vì vậy, để xử lý các khoản nợ của các HTX, liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương thực hiện việc rà soát, kiểm tra chi tiết thực trạng của các hợp tác xã đã ngừng hoạt động trên địa bàn, trên cơ sở đó:
- Thống kê chi tiết các HTX, liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động; ra Thông báo chính thức về việc các HTX, liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động;
- Xác định cụ thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động còn tên trong hệ thống đăng ký kinh doanh, nhưng không xác định được các thông tin khác về hợp tác xã (không xác định được người đại diện theo pháp luật; Ban quản trị hợp tác xã, các thành viên có liên quan để liên hệ; không còn con dấu, tài liệu, hồ sơ, sổ sách kế toán để xác định các khoản nợ...);
- Xác định cụ thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng còn người đại diện theo pháp luật; làm việc với các hợp tác xã này để xác định rõ các khoản nợ của từng hợp tác xã. Phân loại các khoản nợ phải trả và xác định cụ thể chủ nợ của từng khoản nợ;
- Trên cơ sở rà soát, kiểm tra chi tiết thực trạng của các hợp tác xã đã ngừng hoạt động trên địa bàn, xây dựng và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định: (i) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký HTX, liên hiệp HTX; (ii) thực hiện giải thể bắt buộc; (iii) Giải thể tự nguyện; (iv) Phá sản, theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp các HTX, liên hiệp HTX ngừng hoạt động nhưng không thuộc các trường hợp xử lý nêu trên; đồng thời các HTX, liên hiệp HTX có nhu cầu mong muốn được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, việc hỗ trợ xử lý tháo gỡ khó khăn cho các HTX, liên hiệp HTX được thực hiện theo quy định hiện hành liên quan.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.